Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến ngập cục bộ
Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, là nơi có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, phát triển du lịch dịch vụ tăng nhanh trong những năm vừa qua. Điều này, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, cùng với thách thức về ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải) do đô thị hóa mang lại, nơi đây cũng ngày càng dễ bị tổn thương trước các rủi ro về lũ lụt do biến đổi khí hậu, thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, các cơn bão lớn, lượng mưa tăng nhanh và không ổn định, cùng với đó là các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất thường xuyên hơn.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm hạn chế khả năng thoát nước tự nhiên và lưu vực các con sông dần bị thu hẹp dẫn đến năng lực thoát nước tự nhiên không đủ đáp ứng, gây ra tình trạng lũ lụt khu vực ngoại thành và các vùng trũng thấp nội thành.
Cũng theo ông Nhân, trong 15 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương thông qua nguồn tài trợ và vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Tp.Nha Trang đã được đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng thoát nước, thu gom nước thải và xử lý nước thải cơ bản hoàn thiện.
Tại khu vực trung tâm và phía Nam thành phố, thông qua Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải – tiểu dự án Nha Trang (CCESP, 2006-2014) đã đầu tư hoàn thành 30km cống cấp một, 3km cống cấp hai, 35km cống cấp ba, thay thế 2.400 hố ga ngăn mùi, 6 trạm bơm nước thải, 10 giếng tách nước thải và một nhà máy xử lý nước thải với công suất 40.000m3/ngày đêm.
Trong giai đoạn 2018-2023, Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – tiểu dự án Nha Trang (CCSEP) tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới cho khu vực phía Bắc thành phố.
Trong đó, có hơn 43,5km cống cấp 3 và hơn 500 hố ga ngăn mùi phục vụ việc thu gom nước thải từ các hộ gia đình, doanh nghiệp tại 12 phường trung tâm, phía Nam và 4 phường phía Bắc; hơn 6,5km cống thoát nước mưa, giải quyết ngập úng; hơn 11km cống thu gom nước thải và 5 trạm bơm nước thải, 6 giếng tách nước thải cùng với 2 hồ điều hòa diện tích 1ha; một trạm bơm nước mưa với công suất 10m3/s và một nhà máy xử lý nước thải cho khu vực phía Bắc với công suất 15.000m3/ngày đêm.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2018-2023, dự án CCSEP còn đầu tư các hạng mục cải thiện điều kiện giao thông, cảnh quan và vệ sinh môi trường dọc sông Cái Nha Trang thông qua 2 hạng mục là kè và đường dọc bờ Nam sông Cái với tổng chiều dài hơn 2km, kè bờ Bắc sông Cái với chiều dài hơn 300m.
“Tuy nhiên, đối với các khu vực ngoại ô và phía Tây thành phố, việc thoát nước về cơ bản dựa vào tự nhiên hiện vẫn đối diện với tình trạng ngập nặng vào mùa mưa như các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Phước Đồng. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh trong những năm gần đây.
Trong khi các khu dân cư hiện hữu vẫn tồn tại giữa các khu vực đô thị mới thì công tác chỉnh trang, kết nối hạ tầng theo quy hoạch chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng các dòng sông tự nhiên bị bồi lấp và xâm lấn trong thời gian dài đã hạn chế đáng kể khả năng thoát nước tự nhiên của khu vực này” – ông Nhân cho biết.
Giải bài toán chống ngập cho khu vực phía Tây Tp.Nha Trang
Để giải quyết bài toán xử lý nước thải và thoát nước khu vực phía Tây Tp.Nha Trang, ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết hiện đơn vị đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (IRDP) sau khi đề xuất dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục.
Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2028 sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục chính như hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải khu vực phía Tây Tp.Nha Trang, hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn tại Tp.Cam Ranh, đường vành đai 3 tại Tp.Nha Trang từ điểm giao đại lộ Võ Nguyên Giáp đến đại lộ Nguyễn Tất Thành.
Theo Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, qua khảo sát đánh giá tình trạng, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới và các đơn vị tư vấn bước đầu đã đưa ra giải pháp cần thiết để cải thiện điều kiện thoát nước, chống ngập úng khu vực này là phải hồi sinh lại các con sông đã bị xâm lấn với mặt cắt thoát nước phù hợp theo từng đoạn, kết hợp kè bảo vệ bờ nhằm tăng cường kết nối chia sẻ lũ giữa sông Cái với sông Tắc, sông Quán Trường.
Trong đó, sẽ đưa vào báo cáo tiền khả thi của dự án IRDP, các hạng mục như xây dựng kênh đào Vĩnh Trung; nạo vét khôi phục dòng chảy nối thông phần thượng lưu sông Quán Trường với sông Cái; nạo vét khôi phục dòng chảy nối thông phần thượng lưu sông Tắc; cải tạo kênh Diên An – Sông Tắc, cải tạo kênh Vĩnh Thái-Vĩnh Hiệp nối sông Tắc với sông Quán Trường; nạo vét, phục hồi khả năng thoát nước khu vực sông Bà Vệ, Kim Bồng; xây dựng các cửa điều tiết và các trạm bơm nước mưa lưu vực Bà Vệ - Kim Bồng.
Ông Nhân cho biết: “Việc hồi sinh và tăng cường kết nối các con sông phía Tây Tp.Nha Trang kết hợp với việc phá dỡ đập ngăn mặn tạm tại cầu Vĩnh Phương sau khi Dự án Đập ngăn mặn sông Cái hoàn thành (2023) cùng với hệ thống cảnh báo lũ, vận hành điều tiết lũ tại Đập ngăn mặn sông Cái sẽ góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng tại khu vực phía Tây thành phố”.
Như vậy, có thể nói đến năm 2028, thông qua việc đầu tư các dự án đã nêu, Tp.Nha Trang sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng úng ngập, vệ sinh môi trường cho cả khu vực trong đô thị và ngoại thành. Đồng thời, tăng cường kết nối giao thông và làm động lực cho việc phát triển đô thị theo định hướng.
Châu Tường