Đối thoại để lắng nghe, trao đổi và giải quyết vướng mắc
Đến dự buổi đối thoại có các ông: Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng hơn 150 doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết ước cả năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 20,7% so với năm 2021. Trong đó, GRDP theo ngành kinh tế tăng 22,3% so với năm 2021.
Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Tính chung 11 tháng năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 14.945 tỷ đồng, bằng 124,4% dự toán và tăng 20,1% cùng kỳ năm trước.
Chi cân đối ngân sách tính chung 11 tháng năm 2022 đạt hơn 9.822 tỷ đồng, bằng 92,4% kế hoạch. Trong đó, chi thường xuyên đạt 5.891,3 tỷ đồng, bằng 85,9% kế hoạch.
“Trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, các nhà đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị doanh nghiệp lần thứ 2 năm 2022. Thường trực UBND tỉnh sẽ tập trung lắng nghe, trao đổi, giải quyết các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh và đầu tư còn tồn đọng từ sau Hội nghị lần 1 ngày 15/6. Từ đó, đề ra những giải pháp, chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, phục hồi và phát triển, ổn định an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ phân công trách nhiệm các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc tỉnh, triển khai thực hiện các giải pháp và kiến nghị đến cấp có thẩm quyền về các chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Tuân nói.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết 11 tháng năm 2022, tổng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh là 1.883 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 17.887 tỷ đồng; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.077 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 1.538 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 343 doanh nghiệp… Toàn tỉnh thu hút được 9 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 549 tỷ đồng.
Bà Hà cho biết thêm, năm 2022, các sở, ngành đã tổ chức trên toàn tỉnh Khánh Hòa 19 hội nghị và 7 hội thảo để đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp được 129 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện giải quyết 88/129 nội dung. Trong đó, trước hội nghị lần 1 (6 tháng đầu năm 2022) giải quyết 32 nội dung, sau hội nghị lần 1 (5 tháng cuối năm) giải quyết được 56 nội dung.
Hiện tại còn 25 kiến nghị về dự án của doanh nghiệp đang giải quyết và tiếp tục theo dõi. Các kiến nghị về dự án đầu tư liên quan đến quy hoạch, cơ chế chính sách của Trung ương, công tác thanh tra, kiểm tra của Chính phủ và các dự án BT… chưa thể giải quyết dứt điểm nên phải chờ ý kiến của cơ quan cấp trên, đồng thời cơ quan Nhà nước cũng có thông tin cho nhà đầu tư được biết.
Còn các dự án đầu tư bị kéo dài do nằm trong danh sách của thanh tra Chính phủ cũng được UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành phối hợp nhà đầu tư giải quyết; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án đầu tư liên quan đến cơ chế bồi thường hoàn phí cho nhà đầu tư được UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị đề xuất phương án xử lý.
Hiện nay, có 16 kiến nghị mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật nội dung.
Nhiều kiến nghị cần tháo gỡ trong lĩnh vực du lịch
Bà Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng đại diệnVCCI Khánh Hòa cho biết những khó khăn chính mà doanh nghiệp gặp phải hiện nay, nhất là trong quý 4/2022 là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; các đơn hàng bị cắt giảm; khó khăn khi tiếp cận tín dụng do lãi suất cho vay cao, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không đáp ứng, hết định mức tín dụng….
Đồng thời, khó tiếp cận đất đai để mở rộng kinh doanh, thiếu lao động có tay nghề; chi phí lao động, chi phí logistic; tỷ giá USD/VNĐ; chi phí thực hiện các thủ tục hành chính…. Các doanh nghiệp còn phản ánh về việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tại địa phương có dấu hiệu gia tăng; có nhiều doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 3-5 lần trong năm 2022.
Mở đầu buổi đối thoại trực tiếp, ông Bùi Minh Thắng, thành viên Hiệp hội du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có kiến nghị xem xét về việc cấm xe từ 29 chỗ trở lên lưu thông trong khung giờ quy định (6h30 – 8h và 16h30 - 20h30) đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp du lịch ở Nha Trang.
Theo ông Thắng, đa số khách du lịch Tp.Hồ Chí Minh đi bằng tàu hỏa đến Nha Trang thường xuống ga lúc 6h, nhưng 6h30 đã cấm xe từ 29 chỗ trở lên nên các doanh nghiệp phải thuê taxi. Việc thuê 10 chiếc taxi vừa tốn kém cho doanh nghiệp mà còn gây tắc đường nhiều hơn là một chiếc xe 45 chỗ. Vì vậy, ông đề nghị bỏ lệnh cấm này để tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành.
Trả lời kiến nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu sau buổi đối thoại, giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch và Tp.Nha Trang họp lại để giải quyết việc này. Đồng thời, ông Tuân cũng hứa tuần sau Sở Giao thông vận tải, Tp.Nha Trang sẽ điều chỉnh lại thời gian hợp lý, không để việc đó ảnh hưởng đến du lịch.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các dự án
Bên cạnh đó, tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp khác cũng có nhiều ý kiến kiến nghị tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh; chính sách hỗ trợ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng cho các dự án bị ảnh hưởng bởi việc lập, điều chỉnh quy hoạch. Quy định về thu thuế tài nguyên trên giá thành sản phẩm đối với doanh nghiệp khai thác đá; cấp giấy chứng nhận chuyển nhượng căn hộ du lịch; điều chỉnh vốn đầu tư…
Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, nhất là các dự án bị dừng sau thanh tra, kiểm tra. Các doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh Khánh Hòa sớm tháo gỡ khó khăn cho dự án được tiếp tục thực hiện.
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Tập đoàn Hưng Thịnh đã đưa ra nhiều khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện tại các dự án.
Theo ông Dũng, công ty đã đầu tư xây dựng hoàn tất và bàn giao đưa vào sử dụng các công trình của dự án BT Hệ thống thoát nước mưa (giai đoạn 2) và dự án BT Hệ thống tuyến đường nhánh (giai đoạn 2) tại Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh với tổng vốn đầu tư và quỹ đất hoàn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa nhận được thanh toán quỹ đất.
Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của công ty. Vì vậy, ông Dũng mong UBND tỉnh sớm triển khai việc thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho công ty.
Bên cạnh đó, ông Dũng còn kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng mua biệt thự tại dự án với mục đích là “đất ở nông thôn”; tiếp tục giải quyết hồ sơ tách dự án… ở các dự án khác mà đơn vị đang triển khai.
Về kiến nghị này, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay những vướng mắc liên quan đến các dự án BT vẫn chưa được giải quyết. Trong đó một số dự án phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và đã nhận được trả lời của các bộ liên quan. Đối với dự án của Hưng Thịnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã rà soát và nhận thấy cơ bản đều đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc cần có ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Còn các dự án khác, dù không cần ý kiến của trung ương nhưng còn các vướng mắc khác từ doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải giải quyết trước, sau đó UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền.
Ủng hộ và đồng hành với doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết tại hội nghị này có thể chưa giải quyết được hết những vướng mắc, khó khăn nhưng là dịp để lắng nghe, chia sẻ giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hải Ninh biểu dương và đánh giá cao những chia sẻ, đồng hành vượt khó của các doanh nghiệp, góp phần vào thành công trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, khẳng định, tập thể lãnh đạo tỉnh sẽ luôn ủng hộ và đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh theo định hướng thành công của doanh nghiệp cũng là thành công chung của tỉnh.
Tại đây, ông Ninh đã đưa ra 8 nhận diện về nguyên nhân của các vướng mắc, khó khăn. Đó là, tỉnh đang thiếu cơ chế tiếp nhận xử lý giải quyết các dự án đầu tư ngoài ngân sách; thiếu biên chế đủ mạnh, hiệu quả để giải quyết những thủ tục hành chính cho người dân, chưa có trung tâm dịch vụ hành chính công; đang thiếu một cơ chế cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; một số ít cán bộ còn nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn hạn chế; tỉnh còn vướng mắc rất nhiều trong việc giải quyết hậu quả sau thanh tra, kiểm tra; sự kết nối giữa hiệp hội và chính quyền chưa chặt chẽ; việc cung cấp thông tin, phổ biến chính sách cho doanh nghiệp chưa đầy đủ.
Để giải quyết các nguyên nhân trên, ông Ninh cũng đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện ban hành cơ chế chính sách; thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công; gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; các hiệp hội cần tăng sự kết nối với chính quyền; các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu thêm các quy định pháp luật…
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với mục tiêu phát triển kinh tế đảm bảo phát huy các giá trị văn hóa, công bằng xã hội, không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tất cả vì sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước.
Châu Tường