Chương trình có sự tham dự của 350 đại biểu tham dự trực tiếp tại Tp.Nha Trang và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến tại 8 điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% thôn, tổ dân phố
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Phạm Duy Lộc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, các hoạt động hưởng ứng sẽ tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số…
“Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong tư duy và hành động về chuyển đổi số. Qua đó, tỉnh đã xây dựng các hệ thống thông tin, nền tảng chuyển đổi số quan trọng và đưa vào triển khai đồng bộ trên diện rộng; đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% thôn, tổ dân phố.
Tỉnh cũng đang xem xét, phê duyệt nhiều đề án, kế hoạch quan trọng cho giai đoạn tiếp theo như các đề án triển khai thí điểm đô thị thông minh, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số…”, ông Lộc cho biết.
Sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 được UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhằm thúc đẩy truyền thông về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, đánh giá những kết quả chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian qua.
Đồng thời, giới thiệu các hệ thống, giải pháp chuyển đổi số của tỉnh, các mô hình chuyển đổi số thành công; tạo cơ hội kết nối, xúc tiến các chương trình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tiếp cận, triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ số.
Giới thiệu nhiều giải pháp chuyển đổi số hiệu quả
Tại chương trình, các đơn vị đã giới thiệu các giải pháp, sản phẩm công nghệ số và xây dựng thành phố thông minh… Qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thuộc tỉnh tiếp cận các giải pháp công nghệ mới, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa đã giới thiệu về Hệ thống thông tin phản ánh, kiến nghị của tỉnh.
Theo ông Hoàng Anh, hệ thống tiếp nhận, xử lý các nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa; các sự cố hạ tầng đô thị…
Bên cạnh đó là các thông báo về chủ trương, chính sách của tỉnh, thông tin du lịch, các sự kiện đặc biệt của tỉnh; thông tin phản ánh đến lãnh đạo tỉnh và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hiện, có trên 400 cán bộ đầu mối của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tạo lập tài khoản tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thuộc tất các ngành lĩnh vực về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trên hệ thống phản ánh, kiến nghị tỉnh Khánh Hòa.
Cung cấp các chức năng để các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thông báo tức thời phản ánh, kiến nghị được gửi đến hệ thống để tiếp nhận, xử lý, theo dõi tiến độ, tổng hợp, báo cáo tình hình tiếp nhận, xử lý của đơn vị.
Đồng thời, cho phép người dân theo dõi được trạng thái xử lý, nhận thông báo quả xử lý, đánh giá mức độ hài lòng khi có kết quả xử lý.
Quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị sẽ được thực hiện qua 4 bước với tổng thời gian thực hiện là 6,5 ngày làm việc.
Tại chương trình, ông Trần Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm tư vấn Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT cũng đã giới thiệu đề án “Xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh Tp.Nha Trang” đến các đại biểu.
Hiệu quả mà đề án mang lại không chỉ góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ công dân, doanh nghiệp tốt hơn mà còn nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành các ngành, lĩnh vực…
Bên cạnh đó, công tác điều hành quản lý của đô thị thông minh sẽ nâng cao và giảm thiểu thời gian, công sức trong giao dịch hành chính với chính quyền. Từ đó, đem lại năng suất lao động, hiệu quả cao trong hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, còn tối ưu sức lao động con người, hướng đến phát triển kinh tế và xã hội. Người dân, du khách được tiếp cận các dịch vụ, chất lượng theo công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Cùng với đó, Thượng tá, thạc sĩ Nguyễn Cao Quyết, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin – ngoại ngữ, Trường đại học Thông tin liên lạc cũng giới thiệu các giải pháp mà trung tâm cung cấp về chuyển đổi số tại tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng toàn diện về chuyển đổi số (xây dựng và tổ chức triển khai các khóa đào tạo, các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số; đào tạo trực tiếp và trực tuyến…), trung tâm còn cung cấp các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số (hội nghị không giấy, hội nghị trực tuyến, chữ ký số); các giải pháp quản lý các khu vực công cộng; các dịch vụ hạ tầng, lưu trữ số…
Đóng góp thông tin tại chương trình, các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số; hiệu quả từ việc triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
An toàn thông tin trong chuyển đổi số
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thì vấn đề an toàn thông tin cũng cần được quan tâm. Ông Nguyễn Tri Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký - Hội tin học tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc đảm bảo an toàn thông tin hay an ninh mạng đang là một nhiệm vụ quan trọng, yếu tố then chốt, ưu tiên, được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của tiến trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Nền tảng số là không gian diễn ra các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân Việt Nam trên môi trường số. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số phải được coi là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; là nhiệm vụ gắn liền, không thể tách rời được trong quá trình chuyển đổi số.
Ông Huy cho biết, theo dữ liệu từ Bộ Công an cho thấy, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, đã phát hiện 2.551 vụ tấn công mạng, 5,4 triệu lượt địa chỉ IP của các cơ quan Nhà nước bị tấn công bởi 15 biến thể mã độc.
Cùng với đó là 1.555 vụ tấn công vào trang, cổng thông tin điện tử có tên miền .vn. Trong đó, 412 trang thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, ở nước ta, thực tế cho thấy, đa số các thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, PC, laptop, máy tính bảng… đều chứa rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin mạng.
Thậm chí, các camera an ninh cũng chưa được đánh giá an toàn thông tin. Không khó để bắt gặp thông tin về các cuộc tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu được đăng tải trên các phương tiện truyền thông với mật độ phủ sóng dày đặc…
Vì vậy, càng ý thức cao về sự không an toàn thì người dùng sẽ càng an toàn hơn. Nói cách khác, chỉ khi đảm bảo được an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng thì công cuộc chuyển đổi số mới có thể được diễn ra toàn diện và bền vững.
Theo ông Huy, trong giải pháp hay kế hoạch chuyển đổi số thì cần xác định an toàn thông tin là then chốt để chuyển đổi số thành công và là vấn đề xuyên suốt, không thể tách rời. Đồng thời, ông cũng đưa ra một số hướng tiếp cận và giải pháp cho an toàn thông tin trong chuyển đổi số.
Chiều cùng ngày, sẽ diễn ra chương trình đào tạo tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp. Chương trình đào tạo do Cục Hỗ trợ doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Châu Tường