Mục tiêu của kế hoạch là tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục cho trên 80% tổng đàn trâu, bò tại thời điểm tiêm phòng. Chủ động giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm giảm số ổ dịch, hàng năm giảm 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh viêm ga nổi cục so với năm liền kề trước đó.
Từ đó, phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc-tơ truyền bệnh; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Đồng thời, kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, ngăn chặn không để mầm bệnh xâm nhiễm từ ngoài vào tỉnh.
Theo kế hoạch, hàng năm căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định khu vực có nguy cơ cao, buộc phải tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh, đảm bảo tỉ lệ phòng đạt trên 80% tổng đàn. Ngân sách hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò của các cơ sở chăn nuôi dưới 10 con trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh.
Khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức rà soát và tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò (chưa được tiêm vắc-xin hoặc đã được tiêm nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ) trong phạm vi bán kính tối thiểu 100km tính từ ổ dịch hoặc theo địa giới hành chính cấp huyện của địa phương có dịch và huyện liền kề xung quanh địa phương có dịch bệnh này.
Ngoài tiêm vắc-xin, tỉnh này cũng có kế hoạch chủ động phòng bệnh hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc-tơ truyền bệnh. Trong đó, các cơ sở chăn nuôi tăng cường tiêu độc môi trường chăn nuôi; chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng các loại vắc-xin khác theo quy định, tổ chức nuôi cách ly trước khi nhập đàn.
Các cơ quan thú y hướng dẫn cơ sở chăn nuôi trâu, bò tăng cường chủ động áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… tại khu vực chăn nuôi; bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đưa ra các yêu cầu, phương pháp thực hiện công tác giám sát dịch bệnh; kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; ứng phó, xử lý ổ dịch, chống dịch, quản lý, chăm sóc gia súc bệnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi… UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022 - 2030, dự kiến tổng kinh phí ngân sách để phòng chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò ở tỉnh Khánh Hòa là hơn 26,740 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí ngân sách tỉnh là 16,371 tỷ đồng và ngân sách huyện hơn 10,369 tỷ đồng. Dự kiến, kinh phí của người chăn nuôi (tiền công và vắc-xin) để phòng chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò là trên 2 tỷ đồng.
Bệnh viêm da nổi cục trâu, bò còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae chi Capripox vi rút gây ra trên trâu, bò. Vi rút gây bệnh này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh. Tỉ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%, tỉ lệ chết khoảng 1-5%.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra đầu tiên vào tháng 7/2021 tại xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh; sau đó tiếp tục lây lan tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Đến cuối năm 2021, bệnh xảy ra tại 64 xã, 178 thôn, 781 hộ làm 1.191 con bò mắc bệnh. Số bò mắc bệnh đã điều trị khỏi triệu chứng và số chết là 93 con. Đến nay, trên địa bàn tỉnh bệnh đã được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới.
Châu Tường