Khánh Hòa: Huyện Khánh Vĩnh nỗ lực phủ xanh đất trống, đồi trọc

Khánh Hòa: Huyện Khánh Vĩnh nỗ lực phủ xanh đất trống, đồi trọc

Nguyễn Thị Hoà

Nguyễn Thị Hoà

Thứ 4, 22/06/2022 19:18

Những năm gần đây, độ che phủ rừng có phần suy giảm, vì vậy huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Độ che phủ rừng suy giảm

Khánh Vĩnh là một huyện miền núi, nằm phía tây tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích tự nhiên toàn huyện hơn 116.714 ha. Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Vĩnh, năm 2021, diện tích rừng và diện tích chưa có rừng quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn huyện là 106.109,50 ha. Trong đó, diện tích có rừng là 91.555,40 ha và diện tích chưa có rừng là 14.554,10 ha.

Trong tổng số diện tích có rừng thì diện tích rừng tự nhiên của huyện có trên 73.656 ha, gần 16.000 ha rừng trồng và diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 1.975,75 ha.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, năm 2016 độ che phủ rừng đạt 77,9% thì đến năm 2021 độ che phủ rừng giảm còn 76,75%. Nguyên nhân khiến độ che phủ rừng suy giảm một phần là do người dân khai thác rừng trồng. Ngoài ra, tình trạng phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra trên địa bàn huyện, nhất là trong lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa quản lý.

Dân sinh - Khánh Hòa: Huyện Khánh Vĩnh nỗ lực phủ xanh đất trống, đồi trọc

Do độ che phủ rừng có phần suy giảm nên huyện Khánh Vĩnh đang nỗ lực để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Giải thích về vấn đề này, đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh cho biết do trên địa bàn có tuyến đường quốc lộ 27C nối từ tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Khánh Hòa đi qua giữa vùng lõi rừng tự nhiên của Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hoà quản lý. Lực lượng quản lý của công ty còn mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng.

Ông Nông Khánh Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị sẽ tăng cường sự phối hợp giữa chủ rừng, kiểm lâm, công an và bộ đội trong công tác tuần tra, truy quét, trấn áp việc khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện, đặc biệt là lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hoà quản lý.

“Mặc khác, chúng tôi cũng đề xuất bóc tách những diện tích rừng bị lấn chiếm cho người dân có đất canh tác, tránh tình trạng người dân phá rừng trồng lấy đất sản xuất trên lâm phần của công ty” – ông Sơn cho hay.

Nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Vĩnh, năm 2021 Hạt Kiểm lâm huyện này đã phát hiện, tiếp nhận và lập biên bản 168 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 98 vụ so với năm 2020. Trong đó có 154 vụ vi phạm hành chính và 14 vụ có dấu hiệu hình sự.

Trong năm 2021, đã xử lý 125 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tịch thu 315,947 m3 gỗ các loại, 1 máy tời độ chế, 1 máy cưa xăng cầm tay. Thu nộp ngân sách Nhà nước 2,236 tỷ đồng.

Ngoài một số thuận lợi, thì công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, công tác chốt chặn tại các địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra nhiều điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn một số xã.

Dân sinh - Khánh Hòa: Huyện Khánh Vĩnh nỗ lực phủ xanh đất trống, đồi trọc (Hình 2).

Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số người dân tại các địa phương như Khánh Thành, Khánh Phú, Liên Sang, Khánh Thượng, Giang Ly... lấy lý do là đất của tổ tiên để khai thác rừng, phá rừng, xâm canh, lấn chiếm rừng để lấy đất sản xuất trái pháp luật đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trở thành điểm nóng tại nhiều xã thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa quản lý, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần của chủ rừng chưa được xử lý dứt điểm, triệt để nên một số bộ phận người dân vẫn ngang nhiên phá rừng, coi thường pháp luật.

Ngoài ra, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, tình trạng người dân tham gia phá rừng làm nương rẫy, tiếp tay, bao che cho hoạt động phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn diễn ra ngày càng phức tạp, các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự tăng.

Tăng cường phủ xanh đồi núi trọc

Trong năm 2022, huyện Khánh Vĩnh tiếp tục thực hiện các biện pháp để quản lý và bảo vệ rừng. Đồng thời, thực hiện phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Địa phương này đã có những chương trình triển khai trồng rừng, trong đó có kế hoạch thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 524//QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, kế hoạch trồng cây xanh phân tán là 289.920 cây và trồng rừng sản xuất là 1.164,87 ha.

Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh đang trình UBND huyện này thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đăng ký của UBND các xã và nguồn vốn do Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ (1,850 tỷ đồng), UBND huyện dự kiến trồng 283,1 ha rừng trồng tập trung và 115.000 cây phân tán.

Dân sinh - Khánh Hòa: Huyện Khánh Vĩnh nỗ lực phủ xanh đất trống, đồi trọc (Hình 3).

Huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều kế hoạch triển khai trồng rừng.

Cùng với đó, để từng bước nâng độ che phủ rừng, huyện Khánh Vĩnh đã tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời cho người dân trong việc thực hiện các dự án trồng rừng. Chính từ hiệu quả của việc trồng cây keo trên đất lâm nghiệp nên nhiều cá nhân, hộ gia đình đã đẩy mạnh trồng rừng sản xuất. Nhờ diện tích rừng sản xuất này đã góp phần không nhỏ vào việc gia tăng độ che phủ rừng của huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Châu Tường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.