Nhật Bản là nhà đầu tư, đối tác quan trọng đối với sự phát triển của Khánh Hòa
Hội nghị là sự kiện nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, lũy kế đến năm 2022, tỉnh Khánh Hòa thu hút được khoảng 607 dự án đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 480 nghìn tỷ đồng; số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 111 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 3.825 triệu USD.
Trong đó, số dự án đầu tư trực tiếp Nhật Bản là 6 dự án với tổng vốn đăng ký 2.652 triệu USD, chiếm 69% tổng vốn FDI của tỉnh Khánh Hòa. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Khánh Hòa.
Với những tiềm năng, thế mạnh vượt trội, Khánh Hòa sẽ tập trung thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thu hút đầu tư vào 3 trụ cột chính mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh nhất.
Thứ nhất, phát triển dịch vụ chất lượng cao như du lịch, tài chính, thương mại, logistic, giáo dục đào tạo và phát triển đô thị. Thứ hai, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp hỗ trợ. Thứ ba, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế; và tập trung vào 3 vùng động lực phát triển, thu hút đầu tư là khu vực vịnh Cam Ranh, Tp.Nha Trang và vịnh Vân Phong.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tái khẳng định Nhật Bản là nhà đầu tư, đối tác quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của tỉnh. Khánh Hòa luôn đánh giá cao tiềm năng của các nhà đầu tư và mong muốn các tập đoàn lớn cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào tỉnh.
Với thế mạnh và kinh nghiệm về công nghệ, tài chính… của các doanh nghiệp Nhật Bản, một khi được kết hợp với những lợi thế của Khánh Hòa sẽ mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho cả hai bên.
“Tỉnh Khánh Hòa cam kết và mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản, thực hiện nhất quán quan điểm “chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản”. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai”, ông Tuân nói.
Xúc tiến đầu tư Khánh Hòa – Nhật Bản
Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, trong hợp tác về kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Cụ thể là: đối tác số một về ODA, thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp lũy kế của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 69,9 tỷ USD với 5.116 dự án.
Là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với đường bờ biển dài 385 km và nhiều vịnh biển nổi tiếng, Khánh Hòa có vị trí chiến lược trong giao thương kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài của khu vực miền Trung. Ðiều kiện tự nhiên, vị trí địa lý đã đem đến cho Khánh Hòa những tiềm năng vượt trội để phát triển thương mại, đầu tư, kinh tế biển, du lịch – dịch vụ… với đối tác nước ngoài.
Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa luôn đạt được những kết quả tích cực trong công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đứng thứ 9 trên cả nước và thứ hai của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung về tốc độ tăng trưởng GRDP.
Hiện tại, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa. Nhiều công ty, tập đoàn xuyên quốc gia của Nhật Bản đang đầu tư tại tỉnh này như Tập đoàn Sumitomo, Taisho, Nanotek International… với những dự án quy mô lớn bao gồm Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhà máy sản xuất thiết bị xe điện, dự án hạ tầng Khu công nghiệp Ninh Thọ. Không chỉ các tập đoàn lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng quan tâm đầu tư vào tỉnh Khánh Hòa trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến…
“Tôi tin tưởng rằng với tầm nhìn chiến lược dài hạn và sự nhạy bén cũng như tình cảm dành cho Khánh Hòa, các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục chọn Khánh Hòa là điểm đến để tận dụng những cơ hội to lớn đang chờ đón”, ông Ngọc nói.
Trong khi đó, ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp.HCM cho biết, tỉnh Khánh Hòa là điểm đến du lịch rất được du khách Nhật Bản yêu thích. Không chỉ dừng lại ở việc là một điểm đến có nhiều sức hút về mặt du lịch, tỉnh còn có cảng quốc tế Cam Ranh. Có thể nói, tỉnh Khánh Hòa đang là một trong những địa phương tiêu biểu thể hiện rất rõ mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
“Tuy lĩnh vực chủ lực của tỉnh là dịch vụ, công nghiệp, nông thủy sản nhưng tôi biết hiện nay, tỉnh đang triển khai trang bị hạ tầng cho khu kinh tế Vân Phong. Không chỉ có tuyến quốc lộ 1A, cảng quốc tế Cam Ranh mà trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đường cao tốc Bắc – Nam và cảng Vân Phong, tôi tin rằng Khánh Hòa sẽ ngày càng có sức hút mạnh mẽ hơn nữa cả trên vị thế là trung tâm về du lịch, lưu thông hàng hóa, dịch vụ lẫn trên vị thế là điểm đến đầu tư”, ông Ono Masuo nói.
Ông cũng mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được hỗ trợ, hợp tác từ tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, cảm ơn các bên liên quan đã luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quan hệ với Nhật Bản, trong đó có việc hỗ trợ các doanh nghiệp của nước này đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Tại hội nghị, tỉnh Khánh Hòa đã chia sẻ về tiềm năng kinh tế và đầu tư, tiềm năng phát triển du lịch, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh có tiềm năng xuất khẩu thị trường Nhật Bản... Về phía Nhật Bản, tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản và các doanh nghiệp cũng đã giới thiệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị Nhật Bản tại Khánh Hòa.
Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, môi trường đầu tư ở Việt Nam nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng ngày càng được cải thiện. Từ đó, tạo sự yên tâm hơn nữa cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng mở rộng giúp liên kết giữa các địa phương, với các vùng lân cận được thuận lợi. Các doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục cố gắng cho sự phát triển chung của tỉnh Khánh Hòa và mong muốn các đơn vị luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề như chính sách ưu đãi khi đầu tư tại khu kinh tế Vân Phong; thông tin liên quan đến đường bay thẳng từ Khánh Hòa – Nhật Bản và ngược lại trong thời gian tới; chính sách, đối sách cụ thể để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng…
Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ trao bản ghi nhớ hợp tác đồng hành hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Khánh Hòa với các doanh nghiệp của Nhật Bản tới tỉnh này giữa Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp.HCM (JCCH).
Dịp này, tỉnh Khánh Hòa còn tổ chức nhiều hoạt động như Lễ hội giao lưu văn hoá Việt Nam – Nhật Bản; giải golf giao lưu; tham quan di tích Tháp Bà Ponagar, nhà hát Đó; tham quan nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong, một số cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh.
Châu Tường