Ngày 31/3, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến 10h ngày 31/3 trên địa bàn huyện có 25 chiếc tàu bị chìm, hư hỏng do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng.
Theo đó, từ chiều ngày 30/3 đến sáng 31/3 trên địa bàn huyện Vạn Ninh có mưa và gió lớn. Qua tổng hợp báo cáo nhanh của các địa phương thì trên địa bàn huyện có khoảng 25 chiếc thuyền đang neo đậu bị chìm.
Trong đó, xã Đại Lãnh 11 chiếc và xã Vạn Long 14 chiếc. Hiện nay, các địa phương đang hỗ trợ người dân trục vớt phương tiện và đánh giá thiệt hại.
Sau khi nhận được tin báo, chính quyền huyện Vạn Ninh đã phối hợp xã Đại Lãnh, xã Vạn Long huy động lực lượng cứu nạn, cứu hộ, bộ đội, công an để hỗ trợ đưa các tàu bị chìm lên bờ. Trước mắt, địa phương sẽ nỗ lực trục vớt tài sản của người dân trên tàu. Cùng với đó sẽ huy động thêm các phương tiện cơ giới nhằm trục vớt các tàu cá bị chìm.
Địa phương cũng khuyến cáo bà con ngư dân chủ động đưa tàu cá vào bờ neo đậu an toàn; chủ động theo dõi các thông tin về thời tiết mưa bão để tránh thiệt hại về người và tài sản.
Theo người dân địa phương cho biết sự cố tàu thuyền bị chìm lần này có phần bất ngờ bởi hiện nay chưa phải vào mùa mưa bão.
Trước đó, vào ngày 29/3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã có công văn gửi các địa phương, đơn vị về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, do ảnh hướng của rìa phía Bắc rãnh áp thấp nên từ chiều ngày 30/3 đến 1/4 trên khu vực các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa phổ biến từ 100 – 120mm/đợt, mưa lớn tập trung trong ngày 31/3.
Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn diện rộng và các hình thế thời tiết nguy hiểm khác có thể xảy ra để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, triển khai các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trung, khu đô thị, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Rà soát, sẵn sàng các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp.
Các đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi tình hình mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du. Các đơn vị cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Châu Tường