Vừa qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 Nha Trang đã nghiên cứu thành công “Quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm Sá sùng”. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật, một số người dân tại địa phương đã áp dụng phương pháp này và cho hiệu quả khả quan.
Đìa nuôi Sá sùng của gia đình ông Trần Văn Gần, thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) là một trong số những hộ có số lượng nuôi Sá sùng lớn. Hiện tại, gia đình ông đang nuôi với tổng diện tích 9.000m2 Sá Sùng.
Ông Gần cho biết, sau khi tham gia lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng, do Hội Nông dân xã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 Nha Trang tổ chức, ông đã áp dụng ngay phương pháp trên.
Đến nay, sau hơn 3 tháng áp dụng, ông nhận thấy phương pháp ấy cho hiệu quả rất khả quan, mật độ có thể lên đến hàng trăm con Sá sùng/m2.
Nuôi Sá sùng ở Vạn Ninh
Cũng theo ông Gần: “Nhờ có Viện nuôi trồng thủy sản 3 chỉ cho cách thức nhân giống, việc nuôi gặp nhiều thuận lợi, giống đẻ dày. Chắc chắn hướng tới thu hoạch cao hơn mấy năm trước. Lúc đầu, chúng tôi nuôi theo kiểu sinh nở tự nhiên, nên mật độ thưa, hiệu quả thấp”.
Hiện nay, Sá sùng có giá từ 190 nghìn/kg trở lên. Mỗi kg từ 60 đến 400 con.
Theo anh Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ (Vạn Ninh): “Trước đây, địa phương nuôi Sá sùng theo kiểu tự có ở đất. Người ta bảo vệ, nuôi và lấy giống tự sinh ra, chứ không ở đâu bán cả.
Sau khi tập huấn, bà con được Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 hướng dẫn phương pháp cho đẻ tại hồ. Hiện nay, bà con đã nhân giống thành công, ở hồ có rất nhiều Sá sùng con”.
Sá sùng là loài nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Việc nhân giống Sá sùng thành công hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân.
Hiện nay, việc tiêu thụ Sá sùng tại địa phương khá thuận lợi. Tuy nhiên, người dân và chính quyền địa phương cần tìm những nguồn tiêu thụ ổn định, để mô hình nuôi có tính bền vững cao.
Hoàng Thiên Lý