Kế hoạch được triển khai nhằm đưa nền tảng số, dịch vụ số, kỹ năng số đến với người dân theo cách đơn giản, tự nhiên, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhằm tạo ra các giá trị thiết thực phục vụ cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu chính quyền cấp xã (bao gồm thôn/tổ dân phố, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã).
Tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt hàng ngày; thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số, nâng cao dân trí, giảm khoảng cách vùng miền, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu trong năm 2022, 100% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có Tổ công nghệ số cộng đồng. 100% các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, 100% các nền tảng số, dịch vụ số được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng; 100% người dân, cơ sở kinh doanh có tài khoản dịch vụ công trực tuyến khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính. 80% cơ sở kinh doanh, hợp tác xã và 30% hộ gia đình đăng ký tham gia thương mại điện tử, có tài khoản thanh toán điện tử.
Ít nhất 10% cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và có số lượng lớn, được tập huấn, hướng dẫn xây dựng thương hiệu và sử dụng thành thạo việc mua, bán sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2025, duy trì thực hiện tốt các mục tiêu đạt được trong năm 2022. Đồng thời, phấn đấu thực hiện 100% cơ sở kinh doanh, hợp tác xã và 80% hộ gia đình đăng ký tham gia thương mại điện tử, có tài khoản thanh toán điện tử.
50% cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm, hành hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và có số lượng lớn, được tập huấn, hướng dẫn xây dựng thương hiệu và sử dụng thành thạo việc mua, bán sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. 100% các xã, phường, thị trấn có cơ sở dữ liệu chính quyền cấp xã; 80% thôn, tổ dân phố hình thành khu dân cư điện tử, cộng đồng số.
Tổ công nghệ số cộng đồng có tối đa 10 thành viên, trong đó lực lượng Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đóng vai trò nòng cốt. Nhiệm cụ của Tổ là thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trong đó, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về chuyển đổi số đến các cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình, người dân trong thôn, tổ dân phố.
Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số do tỉnh, địa phương triển khai. Tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu thông qua các nền tảng số; tiếp cận, cung cấp thông tin và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu chính quyền cấp xã thông qua các nền tảng số.
Bên cạnh đó, hướng dẫn cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng nền tảng số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và xác thực cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng.
Hướng dẫn ứng dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu theo các điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng của địa phương và theo nhu cầu của cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình… Triển khai thực hiện các hoạt động về chuyển đổi số khác trên địa bàn thôn, tổ dân phố theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Định kỳ hàng tháng, Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện công tác báo cáo kết quả đạt được, từ đó khắc phục những khó khăn, hạn chế và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong kỳ tiếp theo…
Châu Tường