Theo Zing, những ngày này, cảng cá thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh luôn tấp nập những thuyền đánh cá gần bờ cập bến với đầy tôm hùm, cá bớp, chim, mú...
Các ngư dân cho biết, cơn bão số 12 đánh chìm hàng chục lồng, bè nuôi hải sản ở vịnh Vân Phong nên những ngày này các thuyền đánh bắt gần bờ thả lưới trúng đậm tôm cá. Nhiều thợ lặn tranh thủ ra đảo lặn tôm hùm sổ lồng.
Hầu hết tôm hùm được các thuyền đánh bắt còn nhỏ nên giá chỉ dao động 150.000 - 200.000 đồng/kg, tôm hùm lớn hơn 1 kg được bán giá 400.000 đồng/kg tại cảng cá. Các loại cá bớp, cá mú, cá chim... được người dân nuôi bán cho các nhà hàng phục vụ du lịch bị bão đánh chìm rất nhiều.
Theo ghi nhận của Zing, tại cảng cá Vạn Giã, cá bớp thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg, cá chẽm giá 10.000/kg, cá chim giá 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái chủ yếu thu mua tôm hùm để chở vào Nha Trang và TP.HCM tiêu thụ.
Anh Lê Văn Quang (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) chia sẻ với Zing, thuyền của anh đánh bắt 4 ngày nay thu về gần 1 tỷ đồng.
"Đây là số lượng cá, tôm của người dân bị bão đánh chìm. Anh em chúng tôi đánh bắt lại, bán cho thương lái, tiền lời được trích ra để ủng hộ bà con ngư dân thiệt hại nặng do bão", anh Quang nói.
Những ngày gần đây, người dân thị trấn Vạn Giã cũng được mùa ốc, hàu trôi dạt vào bờ sau bão. Giá hàu nhỏ được người dân bán tại bãi biển với giá 30.000 đồng/kg.
Theo người dân, sau các trận bão lớn, việc ngư dân tận dụng đánh bắt lại tôm, cá của người dân làng chài cũng bình thường. Thiên tai tôm cá bơi ra biển, các thuyền đánh bắt lại, sửa chữa tàu bè để tiếp tục vươn khơi.
"Giờ cá, tôm trôi ra biển biết của ai đâu, thuyền đánh bắt lại cũng mừng cho họ", chị Liên, chủ lồng bè nuôi tôm hùm ở thị trấn Vạn Giã nói.
Trước đó, báo Khánh Hòa ghi nhận nhiều hoàn cảnh chủ lồng, bè cá bị thiệt hại nặng sau bão số 12.
Ngồi trên bè tôm vá lại những tấm lưới bị sóng đánh rách tả tơi, bà Lê Thị Hiểu (thị trấn Vạn Giã) cho biết, gia đình bà có 20 bè với 200 lồng, mỗi lồng hơn 100 con tôm hùm, khoảng gần Tết là thu hoạch. Vậy mà, cơn bão đã quét sạch, thiệt hại ước hơn 3 tỷ đồng. Số tiền đầu tư nuôi tôm, gia đình bà chủ yếu vay ngân hàng.
Bà Hiểu chia sẻ với báo Khánh Hòa: “Để khắc phục, gia đình vừa phải vay ngoài hơn 100 triệu đồng. Chắc phải 1 tuần nữa mới khôi phục xong 20 bè. Để có giống thả nuôi, mấy ngày qua, tôi cũng đã liên hệ với những người chuyên bắt tôm hùm con và mua được hơn 100 con với giá hơn 1,4 triệu đồng/kg”.
Ở các vùng nuôi ốc hương, người dân Vạn Ninh cũng đang gượng dậy sau bão. Ông Mai Ngọc Lan cho biết: “Ốc đã chết sạch rồi, nợ nần cũng phải lo. Phải làm lại từ đầu để còn có tiền mà sống, trả nợ, trả lãi ngân hàng”.
“Bám nghề nuôi ốc hương đã hơn 30 năm, bây giờ thiên tai lấy đi tất cả. Tôi chỉ mong Nhà nước, địa phương, ngân hàng giãn khoản nợ 700 triệu đồng của gia đình, đồng thời có chính sách cho người dân vay vốn để tái đầu tư. Có như thế, chúng tôi mới có điều kiện làm ăn, trả nợ”, ông Võ Nguyên Lý nói.
Thông tin với báo Khánh Hòa, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh chia sẻ: “Đợt bão lụt này, người nuôi trồng thủy sản huyện Vạn Ninh thiệt hại quá nặng nề. Phần lớn người dân vay vốn ngân hàng để nuôi trồng. Bây giờ, họ lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay. Để giúp người dân có điều kiện vượt qua khó khăn, chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng sớm có chính sách hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ và cho người dân vay vốn tái sản xuất”.
Ngọc Lài (tổng hợp)