Công trình tháp Trầm Hương bên bờ biển thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đang được rào chắn để sữa chữa, nâng cấp. Đây là một công trình nằm tại vị trí đặc biệt, được xem là biểu tượng của thành phố Nha Trang nên nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Thời gian gần đây, xung quanh tháp Trầm Hương được rào chắn, bên trong các thiết bị cơ giới đang thi công bóc, đào phần nền để cải tạo mặt bằng, nhiều công nhân tập trung sửa chữa phần ngoài của Tháp.
Trước đó, vào năm 2021, đã có đề xuất cho thực hiện dự án cải tạo tại tháp Trầm Hương thành nơi giới thiệu quảng cáo về yến sào, trầm hương, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thưởng trầm, thưởng thức yến sào.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng khu vực gần đó đã có các nơi để tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tháp Trầm Hương được rào chắn để thi công cải tạo, sửa chữa sau nhiều năm sử dụng đã bị xuống cấp. Phương án sửa chữa tháp Trầm Hương đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thống nhất.
“Mục tiêu của việc cải tạo này là làm đẹp hơn tháp Trầm Hương và không làm thay đổi kết cấu, chỉ sửa chữa bên ngoài và nâng cấp bên trong. Tháp sẽ được cải tạo lại mặt ngoài và khuôn viên xung quanh tháp để tạo thành một điểm nhấn đặc sắc cho Nha Trang – Khánh Hòa khi du khách tới. Nơi đây, sẽ trở thành một điểm đến về văn hóa, tâm linh dành cho du khách”, ông Hà nói.
Ông Hà cho biết thêm việc cải tạo, sửa chữa này sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên Đán Quý Mão. Văn phòng sẽ đôn đốc đơn vị thi công để làm đúng theo phương án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt và đảm bảo về mặt mỹ quan, an toàn.
Vị trí tháp Trầm Hương vốn là khu vực tượng đài liệt sĩ của tỉnh Khánh Hòa, được xây dựng, tồn tại suốt mấy chục năm trên bãi biển Nha Trang kể từ sau năm 1975.
Vào năm 2004, tỉnh Khánh Hòa chuyển việc thờ cúng tưởng niệm liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ Hòn Dung. Công trình đài liệt sĩ được phá dỡ và xây dựng “công trình nghệ thuật, biểu tượng Hoa Biển” với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Sau đó, công trình này bị đội vốn, tỉnh Khánh Hòa huy động xã hội hóa, đồng thời, điều chỉnh thiết kế, sửa chữa công trình Hoa Biển đang xây dựng dang dở. Đến cuối năm 2009, công trình xây dựng hoàn thành và mang tên tháp Trầm Hương.
Tỉnh Khánh Hòa đã cho bố trí các bia ghi tên hơn 12.000 anh hùng, liệt sĩ của quê hương Khánh Hòa và hy sinh tại tỉnh để thờ cúng tại tầng thứ 4, trên cùng tháp. Các tầng còn lại dành để triển lãm, quảng bá các sản phẩm yến sào, mỹ nghệ.
Thời gian đầu, công trình tháp Trầm Hương giao cho Công ty Du lịch Khánh Hòa quản lý. Sau đó, việc quản lý được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Một thành viên Yến sào Khánh Hòa.
Châu Tường