Quy hoạch đặt mục tiêu, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào 15 nhóm tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á. Đồng thời, phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện đưa mục tiêu phát thải khí nhà kính về mức 0 của Việt Nam vào năm 2050…
Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh này có 2 đô thị loại I là Tp.Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm; một đô thị loại II là Tp.Cam Ranh; một đô thị loại III; 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V.
Trong đó, Tp.Nha Trang là đô thị hạt nhân; Tp.Cam Ranh là đô thị du lịch – logistic; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống. Còn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Đồng thời, tỉnh này cũng sẽ phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở triệt để tận dụng các điểm dân cư hiện hữu, tiết kiệm và hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững. Phát triển các điểm dân cư nông thôn gắn với vùng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh…
Tỉnh Khánh Hòa sẽ phát triển khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại. Trong đó, phát triển khu vực Bắc vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.
Bên cạnh đó, tỉnh này sẽ quy hoạch hệ thống các khu, cụm công nghiệp hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững. Phát triển đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp với hệ thống hạ tầng xã hội cùng các dịch vụ phục vụ người lao động.
Tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ phát triển vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao tại Diên Khánh và Ninh Hòa; vùng cây ăn quả tại Cam Ranh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; vùng trồng mía tại Ninh Hòa, vùng trồng điều tại các huyện vùng phía tây của tỉnh. Còn vùng chăn nuôi tại các huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Mặt khác, tỉnh này sẽ giảm dần diện tích nuôi biển gần bờ, đặc biệt là các khu vực phát triển du lịch, tăng nhanh phát triển diện tích nuôi xa bờ. Xây dựng, nhân rộng các vùng nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, hữu cơ…
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng có các phương án để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện. Đồng thời, có phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu….
Châu Tường