Khánh Hòa tiếp tục công tác triển khai ứng phó với bão Noru

Khánh Hòa tiếp tục công tác triển khai ứng phó với bão Noru

Nguyễn Thị Hoà

Nguyễn Thị Hoà

Thứ 2, 26/09/2022 11:49

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (bão Noru), tỉnh Khánh Hòa đã và đang tiếp tục triển khai các công tác ứng phó với bão.

Xả điều tiết nước ở một số hồ chứa

Sáng 26/9, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa, trong 24 giờ qua thời tiết tỉnh Khánh Hòa nhiều mây, có mưa rào nhiều nơi, lượng mưa phổ biến dưới 20mm (riêng huyện Khánh Sơn 50mm).

Dự báo, chiều và đêm nay (26/9) khu vực Khánh Hòa nhiều mây, ngày nắng gián đoạn, có mưa rào rải rác đến nhiều nơi, có nơi mưa vừa mưa to và dông.

Mực nước các sông lớn trong 24 giờ qua đều dao động ở mức thấp, dưới báo động I. Cụ thể: sông Dinh Ninh Hòa đạt 4,04 (dưới báo động 1 là 0,16m); sông Cái Nha Trang là 3,71m (dưới báo động 1 là 4,29m).

Trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 31 hồ chứa nước (28 hồ chứa thủy lợi, 3 hồ chứa thủy điện) với tổng dung tích toàn bộ là 250 triệu m3. Hiện nay, tổng dung tích trữ ở các hồ là 170 triệu m3, đạt 68% so với tổng dung tích thiết kế.

Các đơn vị quản lý hồ chứa đã nắm được tình hình về cơn bão Noru và khả năng mưa lũ để thực hiện điều tiều tiết trước các hồ chứa nhằm đón lũ.

Cụ thể, hồ Đá Bàn đang xả lưu lượng 20m3/s; hồ Suối Dầu đang xả lưu lượng 13,5 m3⁄s; hồ Cam Ranh đang xả lưu lượng 17,6m3/⁄s; hồ Hoa Sơn đang xả lưu lượng 9m3/s; hồ Tà Rục đang xả lưu lượng 1,2 m3⁄s.

Dân sinh - Khánh Hòa tiếp tục công tác triển khai ứng phó với bão Noru

Một số hồ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xả điều tiết nước. (Ảnh minh họa).

Thực hiện chỉ đạo tại các Công điện, văn bản của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai công tác ứng phó. Trong đó, thường xuyên chuyển tải thông tin, diễn biến tình hình thời tiết, bão, mưa lũ đến các địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Công điện số 01 ngày 25/9/2022 để chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022. Tổ chức họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì để chỉ đạo ứng phó với bão gần biển Đông (bão Noru).

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành Công văn số 50 ngày 24/9/2022; Công văn số 51 ngày 24/9/2022 để chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ.

Sở Du lịch cũng đã ban hành Công văn số 1796 ngày 25/9/2022 để chỉ đạo các doanh nghiệp, các cơ sở kinh đoanh lưu trú chủ động ứng phó bão.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban 24/24h theo nắm bắt tình thời tiết, bão, mưa lũ kịp thời tham mưu ứng phó.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng hồi 5h ngày 25/9, hiện có 729 phương tiện cùng 4.467 ngư đân đang hoạt động trên biển. Không có phương tiện nào đang ở khu vực nguy hiểm. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin để phòng tránh.

Bên cạnh đó, các địa phương đã nắm bắt được thông tin và hướng đi của bão để thông báo cho người dân nuôi trồng trên các lồng bè (đã triển khai các nội dung đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã).

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương giữ thông tin với các chủ lồng, bè để thực hiện đưa các lao động trên lồng bè vào bờ trú ẩn khi có lệnh.

Về đảm bảo an toàn cho người dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở, khu vực ngầm, cầu, tràn; khu vực nguy hiểm: Các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng chốt chặn, sơ tán nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Vụ hè thu năm 2022, toàn tỉnh Khánh Hòa gieo sạ được 18.036,4ha. Hiện nay, đã thu hoạch xong, năng suất ước đạt 61 tạ/ha, sản lượng ước thu được 110.022 tấn. Đối với vụ mùa 2022, đã gieo trồng được 900 ha/7.500 ha.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên đảo và ven biển đã nắm được thông tin, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn cho du khách.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 5 dự án công trình đang thực hiện xây dựng, cửa sông, ven biển ở huyện Vạn Ninh (Kè sông Tô Giang, Kè đường Trần Hưng Đạo), thị xã Ninh Hòa (Kè sông Đá Hàn), Tp.Nha Trang (Kè sông Cái), Tp.Cam Ranh (Kè lạch Cầu 2, Cầu 3).

Địa phương cũng đã thông báo tình hình diễn biến cơn bão Noru đến các chủ đầu tư để chủ động thực hiện phương án phòng chống thiên tai cho công trình.

Các đơn vị quân đội, công an, lực lượng xung kích của các địa phương sẽ chủ động bố trí lực lượng, phương tiện đề hỗ trợ người dân khi có tình huống. sự có thiên tai xảy ra.

Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, thực hiện công tác phòng chống bão số 4

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (bão Noru) và mưa lũ có khả năng xảy ra trong thời gian tới; thực hiện nội dung Công điện số 855 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 01 của UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai các công tác phòng chống bão.

Trong đó, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp. Thường xuyên tham mưu, báo cáo UBND tỉnh tình hình mưa, bão trên địa bàn kịp thời, đúng quy định.

Các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở để trực tiếp chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác ứng phó; thường xuyên báo cáo kết quả về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT.

Dân sinh - Khánh Hòa tiếp tục công tác triển khai ứng phó với bão Noru (Hình 2).

Vị trí và dự báo hướng di chuyển của bão số 4.

Diễn biến bão số 4

Sáng sớm nay (26/9), bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu-Dông (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.

Hồi 4h, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Lu-Dông (Philippines), cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 4h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc: 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.

Châu Tường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.