Tiếp tục triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Nha Trang tiếp tục triển khai các nội dung công việc thuộc thẩm quyền theo phương hướng thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2024 đã đề ra; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về công tác bảo vệ hệ sinh thái, môi trường vịnh Nha Trang.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính trên vịnh Nha Trang, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm hại đến hệ sinh thái rạn san hô.
Bên cạnh đó, cương quyết không để phát sinh lồng, bè nuôi trồng thủy sản mới ngoài khu vực được phép nuôi trồng; đảm bảo phục hồi vịnh Nha Trang theo đúng yêu cầu của kế hoạch đề ra; kịp thời báo cáo, tham mưu các nội dung cần giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phục hồi vịnh Nha Trang.
Tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Thành phố này theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch này, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; chuyển thông tin cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành thực hiện các công việc liên quan đến ngành mình.
Kết quả một năm thực hiện
Theo báo cáo của UBND thành phố Nha Trang, sau một năm thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, UBND thành phố Nha Trang đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đạt được một số kết quả bước đầu.
Cụ thể, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học, xã phường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang và đã triển khai tuyên truyền đến nhiều thành phần, đối tượng bằng nhiều hình thức phong phú.
Trong đó, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về phân loại rác thải và ủ phân hữu cơ vi sinh cho người dân Bích Đầm; tuyên truyền bảo tồn rùa biển và giảm thiểu rác thải nhựa cho Đoàn thanh niên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, tuyên truyền cho doanh nghiệp, hành khách qua Bến tàu du lịch không sử dụng nhựa dùng một lần. Đồng thời, lắp đặt các bảng hiệu tuyên truyền dọc tuyến đường đi bộ công viên bờ biển đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng dùng nhựa một lần, giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu trong dịp Festival Biển, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.
Kết quả, đã thả tái tạo 12.000 con cá giống các loại và hải sâm xuống vịnh Nha Trang; trồng 2,5ha rừng ngập mặn (cây đước) ở đảo Đầm Bấy và bãi bồi ven sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường.
Mặt khác, triển khai thực hiện mô hình điểm không sử dụng nhựa dùng một lần qua bến tàu du lịch Nha Trang và khu vực đảo Hòn Mun đối với du khách, các doanh nghiệp. Tạm dừng các hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun từ 27/6/2022 đến nay; bố trí điểm lặn tạm thời khu vực đông bắc Hòn Rơm với số lượng khách hạn chế để đảm bảo không quá tải cho hệ sinh thái tại đây. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trên vịnh Nha Trang. Đã di dời đầm đăng Lam Dự ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun.
Thành phố cũng đã chỉ đạo các xã, phường biển rà soát, thống kê hiện trạng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Nha Trang, Đội công tác liên ngành trên vịnh phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm soát, cương quyết không để phát sinh lồng bè nuôi trồng thủy sản mới ngoài khu vực được phép nuôi trồng.
Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang xây dựng phương án thí điểm một số khu vực tổ chức lặn biển thể thao giải trí trên vịnh Nha Trang và gửi các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan góp ý. Hiện nay, UBND Thành phố này đã trình UBND tỉnh phương án thí điểm một số khu vực tổ chức lặn biển thể thao giải trí xem xét, chỉ đạo.
Ngoài ra, thành phố Nha Trang cũng chỉ đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai và nhặt rác đáy biển Hòn Mun. Kết quả cho thấy, lượng rác thải ở Hòn Mun giảm nhiều so với các năm trước do công tác tuyên truyền vận động không sử dụng nhựa một lần ở bến tàu du lịch.
Thành phố này cũng đã đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2024 với Đề án “Nghiên cứu phân vùng chức năng Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang”; đề xuất đưa khu vực Đầm Tre – Hòn Tre vào phương án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố làm cơ sở thành lập bãi rùa đẻ thuộc Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang; xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên” nhằm hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân sống trên vịnh Nha Trang; rà soát, khoanh vùng bảo vệ các khu vực biển ở Hòn Mun, Hòn Chồng có san hô đang phục hồi, có bãi giống và bãi đẻ của thủy sản; kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang; đánh giá tình trạng rạn san hô ven bờ Khánh Hòa…
San hô đang trong quá trình phục hồi
Theo báo cáo, hệ sinh thái rạn san hô xung quanh Hòn Mun đang trong quá trình phục hồi. Trong đó, phía tây và bắc Hòn Mun có thành phần loài của san hô tạo rạn, tập trung chủ yếu các loài của giống Porites. San hô loài Millepora dichotoma cũng tồn tại với số lượng lớn. Độ che phủ của san hô dao động trong khoảng từ 30% - 50%. Nhìn chung, sự phân bố và đặc trưng của các loài san hô ở phía bắc Hòn Mun không khác biệt so với phía nam Hòn Mun.
Khu vực phía tây Hòn Mun (bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 tháng 12/2021, san hô bị gãy đổ nhiều) hiện nay san hô khu vực này đang phục hồi, có nhiều mầm non san hô mọc trên nền san hô gãy, các loài thuộc giống Acropora chiếm ưu thế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm do đặc điểm sinh học của các loài san hô cứng tạo rạn chỉ tăng khoảng 1cm/năm. Đối với cá, qua khảo sát cho thấy chủ yếu có cá họ cá hô trú ngụ trên san hô, các loài khác đều di cư theo mùa hoặc hàng ngày ra biển khơi để kiếm ăn.
Châu Tường