Clip: Lễ khánh thành đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ.
Theo truyền thuyết, mẹ Âu Cơ – người mẹ của dân tộc Việt Nam là nàng tiên xinh đẹp, con của vua Đế Lai đã kết duyên cùng thần rồng Lạc Long Quân, sinh ra “bọc trăm trứng”, nở ra trăm người con.
50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng cùng chung khát vọng mở mang bờ cõi “đất nước Rồng Tiên”.
Từ đó hình thành nên các vùng đất mới trải dài từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau qua các triều đại, các nhà nước Đại Việttrong suốt hàng ngàn năm lịch sử cho đến tận hôm nay.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Trong đời sống văn hóa – xã hội Việt nam, mẹ là hình ảnh thiêng liêng, vĩ đại nhất; là biểu tượng của sự sâu sắc thủy chung, sự hy sinh, lòng bao dung và tình yêu cao cả muôn đời. Mẹ là hậu phương vững chắc, là cội nguồn của tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước và nghĩa đồng bào.
Để xây dựng Đất Mũi Cà Mau trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cần có những công trình không những ghi dấu về tính lịch sử - văn hóa mà còn mang trên mình những giá trị tinh thần, truyền thống quý báo dân tộc, cần được truyền lại mai sau.
Nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn với tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm với lịch sử, với lòng kính trọng tri ân đối với bậc phước tổ, tỉnh cà Mau đã vận động và được sự ủng hộ hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân để xây dựng cụm công trình đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ tại Mũi Cà Mau”.
Theo ông Hải, cụm công trình trên được hoàn thành góp phần tạo nên điểm nhấn rất quan trọng và là một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Đất Mũi – Cà Mau.
Hình tượng người mẹ cạnh đền thờ cha Lạc Long Quân tại vùng đất cực Nam Tổ quốc - “nơi đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” là sự tri ân của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã lên rừng, xuống biển mở mang bờ cõi.
Từ nay, đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ sẽ mãi là điểm tựa tinh thần để thế hệ con cháu người Việt luôn giữ mãi niềm tin và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nền độc lập và sự phát triển trường tồn của dân tộc.
Đất Mũi Cà Mau đã trở thành điểm đến thiêng liêng của người dân mọi miền đất nước, gắn với vị trí địa lý của vùng đất cực Nam của Tổ quốc, những năm qua, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, nhằm phát huy giá trị, tiềm năng du lịch tại vùng Đất Mũi.
Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ được khánh thành và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu du lịch và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương cũng như du khách gần xa.
Bên cạnh đó, cụm công trình sẽ góp phần quy tụ các giá trị văn hóa thuộc thời đại Hùng Vương về hội tụ tại mảnh đất này. Từ nay, khi đến với Mũi Cà Mau, đồng bào cả nước và du khách bốn phương có điều kiện thắp hương, tưởng nhớ quốc tổ.
Đây không chỉ là hoạt động tâm linh cầu cho quốc thái dân an mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa, nhắc nhở kết nối tình đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung cội nguồn.
“Sau buổi lễ này, ban Quản lý khu di tích và Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau có trách nhiệm triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo quản giữ gìn và phát huy giá trị công trình để hàng ngày nhân dân và du khách khắp nơi đến thắp hương tri ân, thể hiện tình cảm nguyện vọng của người dân Cà Mau nói riêng và đồng bào cả nước nói chung hướng về cội nguồn dân tộc”, ông Hải nhấn mạnh.