Chiều 18/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự lễ khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Sự kiện được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa kết nối với điểm cầu tỉnh Bình Thuận.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ Tp.HCM - Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận nói riêng; kích cầu du lịch góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và đất nước nói chung.
Theo Thủ tướng, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước.
Để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố; đã hoàn thành đưa vào khai thác 804km.
Với việc đưa vào khai thác 2 Dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với tổng chiều dài hơn 150km đã nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam là 954km và nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729km; tới đây, sẽ hoàn thành thêm 123km vào cuối năm 2023 và tập trung triển khai thực hiện xây dựng để hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết được khởi công trong năm 2020 và 2021, cũng như các dự án khác của giai đoạn 1 đang triển khai xây dựng, trong quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.
Đặc biệt, đối với Dự án Nha Trang-Cam Lâm được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), triển khai trong bối cảnh pháp luật về đầu tư PPP chưa hoàn thiện.
Dự án được lựa chọn Nhà đầu tư trước khi Luật đầu tư PPP được ban hành, “làn sóng” phản ứng các dự án BOT giao thông xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến tâm lý của các nhà đầu tư và e ngại của tổ chức tín dụng tài trợ vốn.
Đã có 5/8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây buộc phải báo cáo Quốc hội xem xét, cho chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư công.
Việc kêu gọi đầu tư PPP tại dự án cao tốc Bắc-Nam có lúc tưởng chừng khó thực hiện. Nhưng với sự đồng hành tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan, các dự án thành phần: Nha Trang - Cam Lâm, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm- Vĩnh Hảo lần lượt lựa chọn được các nhà đầu tư uy tín.
Hợp đồng PPP dự án Nha Trang - Cam Lâm được ký kết, đánh dấu sự thành công đầu tiên của mục tiêu cụ thể hóa cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại dự án cao tốc huyết mạch đầu tiên của cả nước.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, sự vào cuộc quyết tâm cao của Nhà đầu tư và các đơn vị liên quan, Dự án Nha Trang - Cam Lâm đã rút ngắn thời gian về đích trước 3 tháng.
Nêu 6 bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai dự án, Thủ tướng nhấn mạnh phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả;
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bám sát thực tiễn, chủ động nắm bắt tình hình và nâng cao tính dự báo để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, thực hiện các giải pháp để kịp thời xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai các dự án.
“Các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm rồi, cần quyết tâm cao hơn nữa; đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra,” Thủ tướng chỉ rõ.
Cũng theo Thủ tướng, trong quá trình thực hiện phải chủ động giải quyết các công việc trong thẩm quyền; xác định đường cao tốc là tài sản chung của quốc gia mà địa phương trực tiếp được hưởng lợi để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả; linh hoạt xử lý theo thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…; đặc biệt, xử lý vấn đề nguyên vật liệu xây dựng.
Cùng với đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ, đảm bảo về hạ tầng, y tế, giáo dục, dịch vụ; từ đó người dân tin tưởng, sẵn sàng nhường đất, di dời nhà phục vụ xây dựng các dự án.
Ngoài ra, phải không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; đảm bảo các yếu tố về kỹ - mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý.
Đặc biệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành, khai thác bảo đảm an toàn dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam vào khai thác đúng tiến độ; phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các Dự án cao tốc trục Đông - Tây, các Dự án Vành đai đô thị tại Tp.HCM và Hà Nội, các dự án kết nối liên vùng theo hình thức PPP.