Cách đây 63 năm, ngày 16/6/1957, Bác Hồ đã về thăm Quảng Bình. Bác dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi đoàn đại biểu các dân tộc, đại biểu nhân sĩ, trí thức, đại biểu tôn giáo. Tình cảm sâu sắc, những lời căn dặn và dạy bảo của Bác là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, lâu dài và trở thành phương châm hành động, ý chí quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng quê hương.
Ghi nhớ và tri ân sâu sắc những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình, nằm trong khuôn viên Quảng trường Hồ Chí Minh tại trung tâm TP.Đồng Hới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: "Tượng đài Bác Hồ với nhân dân Quảng Bình là công trình đặc sắc có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc, biểu tượng thiêng liêng, thể hiện niềm tin yêu kính trọng của nhân dân Quảng Bình đối với Bác kính yêu, đồng thời cũng là tình cảm sâu nặng Bác Hồ dành cho nhân dân Quảng Bình".
Ông Trần Quốc Vượng đề nghị tỉnh Quảng Bình phải thường xuyên chăm lo, bảo vệ làm đẹp, phát huy giá trị to lớn của tượng đài Bác gắn với đền thờ Bác và anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Bình, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc...
Tại buổi lễ, ông Trần Quốc Vượng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Bình cắt băng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình và dự chương trình nghệ thuật “Chúng con hát về người” chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình được đặt trong khuôn viên tại quảng trường trung tâm TP.Đồng Hới có diện tích 6,8ha với nhiều hạng mục như quảng trường trung tâm, cụm tượng đài, lễ đài, thảm cỏ, cây xanh cảnh quan, công viên, đồi cỏ, bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, khu dịch vụ-phụ trợ, hệ thống giao thông...
Trong đó, diện tích đất xây dựng tượng đài rộng khoảng 2.000 m2, tượng đài gồm 7 nhân vật được làm từ chất liệu hợp kim đồng, có chiều dày 2,5cm, bệ tượng cao 3m. Bác Hồ là nhân vật trung tâm, chiều cao tượng Bác Hồ 5,4m; các nhân vật còn lại cao từ 3,2-5,31m, gồm: nhân vật thiếu nhi đại diện cho thế hệ trẻ, nhân vật nữ đại diện cho nông nghiệp, nhân vật nam đại diện cho ngư nghiệp, nhân vật nam (bộ đội) đại diện cho LLVT, nhân vật nam (công nhân) đại diện cho công nhân, trí thức, nhân vật nữ người dân tộc Bru-Vân Kiều đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.
Nhóm nhân vật đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Bình được thể hiện tập trung hướng nhìn về Bác Hồ với tấm lòng thành kính.
Sau lưng cụm tượng là biểu trưng cánh buồm, với ý nghĩa thể hiện Quảng Bình đang căng buồm vượt sóng ra khơi, vươn ra biển lớn, thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy. Cánh buồm làm bằng chất liệu đá xanh cao 20m, lõi kết cấu bê tông cốt thép.
Trước đó vào chiều 13/6, Đoàn Đại biểu Trung ương Đảng do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu cũng đã đến dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ Quảng Bình ở TP.Đồng Hới.
Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Quảng Bình nằm trong khuôn viên quần thể Quảng trường Hồ Chí Minh ở đường Hùng Vương. Công trình xây dựng theo lối kiến trúc mái đình làng Việt cổ, có tháp chuông, tháp bia ghi lại lời căn dặn của Bác Hồ với quân và dân Quảng Bình ngày Bác về thăm.
Đền thờ có 8 gian tượng trưng 8 huyện, thành phố, thị xã ở Quảng Bình, gian thứ 9 nằm giữa trung tâm thờ bài vị Bác Hồ. Tại 8 gian có 8 tấm bia lớn khắc tên liệt sĩ của 8 huyện, thị với chi tiết liệt sĩ ở từng xã, phường. Dưới mỗi tấm bia lớn có tráp gỗ đựng bài vị của các liệt sĩ, trước 8 bia lớn là 8 đỉnh đồng.