Ngày 29/4, UBND quận 4 phối hợp với trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tổ chức lễ khánh thành tượng luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong khuôn viên nhà trường.
Được sự đồng ý của gia đình luật sư Nguyễn Hữu Thọ và sự giúp đỡ của UB MTTQ Việt Nam Tp.HCM, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã xây dựng và khánh thành tượng luật sư Nguyễn Hữu Thọ đặt tại sân trường, nhằm giúp các thế hệ học sinh nhà trưởng mãi ghi nhớ công ơn một nhà lãnh đạo tài năng.
Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu Trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ: “Nhà trường vinh dự được mang tên nhà trí thức, nhà yêu nước, nhà cách mạng lỗi lạc là luật sư Nguyễn Hữu Thọ nên việc khánh thành công trình này là hết sức ý nghĩa”.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng hạ, quận Trung Quân, tỉnh Chợ Lớn; nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Thuở nhỏ ông theo học tại Trường Tiểu học Long Mỹ (thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Đến 1 tuổi, năm 24 tuổi, ông được gia đình cho sang Pháp học tại trường Trung học Miguet. Sau đó năm 1932, ông tốt nghiệp cử nhân luật tại trường Đại học Luật Aix En Provence.
Năm 1933, ông về nước tập sự hành nghề luật sư. Năm 1939, ông thi đỗ kì thi sát hạch của Luật sư Đoàn và trở thành một luật sư thực thụ, bằng uy danh và tài năng của mình ông dã mở văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Năm 1940 ông lập gia đình với bà Dương Thị Chung, một nữ sinh trưởng Áo Tím (ngày nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai) và đến năm 1947 thì ông tham gia hoạt động cách mạng.
Ngày 19/3/1950, ông tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình tuần hành chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Sài Gòn. Tháng 06/1950, ông bị thực dân Pháp bắt giữ và đưa đi lưu đày, quản thúc tại Lai Châu.
Tháng 11/1952, ông được trả tự do và tiếp tục hoạt động phong trào yêu nước. Tháng 8/1954, ông tham gia thành lập phong trào bảo vệ hòa bình ở Sài Gòn (Tp.HCM hiện nay), Chợ Lớn, đòi chính quyền Sài Gòn thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Geneve.
Tháng 11/1954, ông bị địch bắt giam, đến năm 1955 địch đưa ông đi quản thúc tại Cũng Sơn, Sơn Hòa, Phú Yên. Ngày 30/10/1961, ông được lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Phú Yên giải thoát và đưa về chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh.
Đến tháng 2/1962, tại Đại hội Mặt trận lần thứ nhất, luật sư Nguyễn Hữu Thọ dược bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Ngày 6/6/1969, tại Đại hội Đại biểu Quốc dân toàn miền Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách Mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Tháng 4/1976, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VI rồi tháng 7/1976 được Quốc hội Khóa VI bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tháng 4/1980, ông được phân công giữ chức quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tháng 7/1981, ông được Quốc hội khóa VII, bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước.
Tháng 11/1988, tại Đại hội lần thứ 3 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông mất ngày 24/12/1996 tại Tp.HCM.
Với công lao đóng góp to lớn, luật Sư Nguyễn Hữu Thọ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác cả trong và ngoài nước.