Trong show thứ 5 của cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy 2016 diễn ra tối ngày 3/12 vừa qua, giám khảo Khánh Thi đã khiến cho khán giả xem truyền hình phải mắt tròn mắt dẹt khi thản nhiên gọi cặp thí sinh Hoàng Anh – Gia Huy là con điên, thằng điên.
Để giải thích cho việc sử dụng ngôn từ chợ búa như vậy, vị giám khảo này bao biện: “Nói thật là ở ngoài Bắc, người ta dùng từ con điên. Con điên có hai nghĩa, một để chê, hai là để khen. Nếu thân thì người ta bảo con điên này sao mà hay thế. Lúc nãy chị Thi thấy, ủa sao con điên, thằng điên này nhảy gì mà hay vậy. Hai đứa hôm nay rất điên”.
Câu vạ miệng này của Khánh Thi sau đó phải nhận không ít những lời xì xèo từ khán giả truyền hình khi họ cho rằng, việc gọi thí sinh là con điên, thằng điên hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh sự kiện đang diễn ra. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp thân thiết nhất, việc sử dụng từ này cũng phải cân nhắc chứ không hề giống như lời giải thích của Khánh Thi ở đoạn trên.
Minh chứng cho lo ngại này là sau đêm thi, tất cả những đoạn video của chương trình đều đã bỏ đi phần nhận xét không hay trên. Và đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, ban tổ chức chương trình cũng e ngại dư luận trái chiều khi lời nhận xét được công khai rộng rãi.
Nếu đặt trong bối cảnh bùng nổ các gameshow như hiện nay mà xét, chuyện lỡ lời của một vị giám khảo nào đó vốn chẳng có gì quá lạ lẫm. Bởi lẽ trong việc nhận xét, đánh giá một hiện tượng, khen bao giờ cũng khó hơn chê. Thử nghĩ mà xem, sự thành công của một gameshow trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với những gameshow khác đâu chỉ đến từ những thí sinh? Phong thái, cách nhận xét, đánh giá của đội ngũ ban giám khảo cũng chiếm vai trò quan trọng.
Thế nên mới có chuyện Trấn Thành quỳ lạy sống thí sinh để bày tỏ sự thán phục; Văn Mai Hương từng bị “lộ hàng” vì những hành động thái quá nhằm thể hiện sự ngưỡng mộ thí sinh … Có vẻ như nhiều giám khảo truyền hình hiện nay cũng chạy theo xu hướng nhận xét độc, dị, lạ để thu hút khán giả. Chê thì không nói nhưng khen cũng phải khen khác người, khác giám khảo ở những chương trình khác. Có như vậy mới tạo hiệu ứng với người xem để tăng độ hấp dẫn của chương trình.
Vậy nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi mà thời gian gần đây, nhiều vị giám khảo bị chỉ trích là quá lố, lỡ lời … trong những phần bình xét. Bởi họ thực chất cũng là nạn nhân trước áp lực hút view ở những chương trình mà mình tham gia.
Cũng chính vì vậy chúng ta đừng tin vào cái lý thuyết mà Khánh Thi giải thích là, ở ngoài Bắc, người ta dùng từ con điên theo hai nghĩa khen, chê. Tất cả chỉ vì mục đích mà người viết đề cập ở trên, khen làm sao cho khác người, cho vừa hay vừa độc, lạ. Sự cố gắng đó rõ ràng cần phải được ghi nhận, chỉ tiếc rằng Khánh Thi đã không gặp may.
Cô có thể là một vũ sư nổi tiếng của Việt Nam nhưng cô không phải là một nhà hùng biện có văn tài đủ để diễn đạt tốt mọi vấn đề. Cô có thể từng có kinh nghiệm ngồi ghế nóng ở nhiều chương trình nhưng cô không phải một học giả có đủ sức mạnh ngôn từ để diễn đạt đầy đủ và phong phú một vấn đề cụ thể.
Và trong bối cảnh phải đối thoại trực tiếp, sự bốc đồng thường trực của nội tâm có thể tiếp tay cho những sai lầm. Ai cũng hiểu Khánh Thi muốn khen ngợi thí sinh, muốn thể hiện sự thán phục của mình trước màn trình diễn ấn tượng của các em. Nhưng tiếc rằng khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng điều tiết cảm xúc của cô chưa đủ điêu luyện để diễn đạt những nội dung đó.
Vì thế chúng ta đừng trách Khánh Thi vạ miệng, cũng đừng trách cô không có tâm. Chúng ta chỉ nên trách văn tài thô lậu, chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi của cô mà thôi.
Phạm Văn
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết