* Giá nước ngọt gấp 50 lần giá nước ở đất liền
Để có nước ngọt, những người thợ “săn” nước ở đây đã tỏa đi khắp nơi tìm kiếm rất vất vả.
Nước ngầm cạn kiệt
Đứng bên giếng nước trong một hẻm đá vừa “khoét” xong trên Hòn Ngang, bà Phạm Thị Dung nói giếng này vừa được đào sâu 17m, rộng 23x8m do tám người thợ làm với giá 22 triệu đồng. Đây cũng là giếng nước lớn nhất nhì trên đảo Hòn Ngang. Mỗi ngày giếng này cung cấp khoảng 2m³ nước ngọt cho cả gia đình. Bà Dung nói thêm: “Giếng này không thể đào sâu thêm được nữa. Trong 25 năm qua, gia đình tôi đã mất 300 triệu đồng chỉ để đào tìm mạch nước ngầm”.
Ngay cả những giếng nước ở vùng trũng trên đảo cũng cạn kiệt. Ông Huỳnh Văn Tâm ở Hòn Dầu cho biết mới đầu tư 100 triệu đồng để đào thêm giếng lớn như cái hồ bơi rộng 23x5m, sâu 7m. Thế nhưng mỗi ngày giếng này chỉ thu được 1,5m³ nước có màu vàng chanh chứ không bình thường. “Đáy giếng đã nằm dưới mực nước biển rồi. Nếu đào sâu nữa sẽ bị nhiễm mặn” - ông Tâm cho biết.
Giếng nước Cây Mù U của ông Mười Đô
Hiện trên xã đảo Nam Du có bảy giếng lớn cung cấp nước cho dân. Tuy nhiên các giếng này ít nước do mạch nước ngầm chảy rất yếu. Giá nước trên đảo đang ở mức 150.000-200.000 đồng/m³, tức gấp 50 lần so với ở đất liền.
Nghề “săn” nước ngầm
Vì quanh năm sống trong cảnh thiếu nước ngọt nên nhiều người dân ở đảo Nam Du đã chọn nghề mưu sinh là đi tìm mạch nước ngầm. Nếu tìm được mạch và khoan giếng lấy nước đổi cho người dân, họ sẽ... đổi đời ngay. Theo ông Lê Quốc Lịnh - trưởng Công an xã Nam Du, hiện trên đảo có một số hộ như ông Huỳnh Luân, ông Mười Đô, Sáu Đủ... chuyên đi “săn” các mạch nước ngầm để đem nước ngọt về đổi cho dân xài. Tuy nhiên, việc tìm ra mạch nước ngọt rất khó bởi mới đây ở Hòn Ngang đã có một người thuê một công ty từ trong đất liền ra đảo khoan sâu hàng trăm mét xuống đáy biển vẫn không có mạch nước ngầm nào.
Những ngày này, ông Văn Sơn đang cất công đi “săn” mạch nước ngầm. Chúng tôi theo ông đến khu vực thung lũng Bãi Ngự, núi Hòn Lớn, cách Hòn Ngang 10km. Sau hai giờ xuyên rừng, ông thấy một hòn đá to có vệt nước thấm loang ra ngoài.
Sau hàng giờ vã mồ hôi đào xới vẫn không tìm được mạch nước, ông Sơn thở dài: “Đây chỉ là nguồn nước từ hơi sương được ngấm tụ sót lại sau một đêm chứ không phải mạch ngầm có nước từ trong lòng núi”. Nhưng không hiểu sao ông không bỏ cuộc mà tiếp tục đào ở một chỗ khác cạnh hòn đá.
Ông Sơn giải thích: “Nếu khô hạn tiếp diễn mà ao đầy nước thì nhiều khả năng đây sẽ là mạch nước ngầm đang chịu áp suất lớn từ bên trong để đẩy nước ra ngoài. Cần phải theo dõi hàng tháng trời mới biết chắc chắn được”. Đào xong ao, ông lấy nhánh cây che lại, đánh dấu rồi đi tiếp. “Mình đánh dấu như vậy thì người đến sau sẽ biết có người “giữ chỗ” rồi và không đụng tới nữa” - ông Sơn giải thích.
Cuộc chiến sinh tồn của ông Mười Đô
Năm 1997, sau cơn bão số 5, đảo Nam Du bị khô hạn nghiêm trọng. Tất cả giếng nước đều cạn khô. Hằng ngày hai vợ chồng Mười Đô phải đi luộc tôm thuê nhưng vẫn thiếu thốn khó khăn, có lúc trong túi không có 3.000 đồng để mua một can nước ngọt.
Ông Mười Đô bàn với vợ đi vay tiền mua chiếc xuồng làm nghề đổi nước lấy công làm lời. Có xuồng, hằng ngày vợ chồng ông đi đổi nước cho người dân với giá thấp hơn thị trường 10.000 đồng/m³ nên được lòng người mua nhưng mất lòng ông chủ giếng. Nhiều lần chủ giếng nước ở Hòn Lớn yêu cầu ông phải nâng giá bán để ông chủ nâng giá theo nhưng Mười Đô cương quyết không làm. Do không nâng giá bán nên chủ giếng nước không đổi nước cho Mười Đô nữa.
Buồn bực, Mười Đô quyết tâm đi tìm cho được mạch nước ngầm để tự khai thác và đổi cho người dân. Ông tìm gặp các thợ rừng già dặn kinh nghiệm để hỏi cách tìm mạch nước ngầm. Theo các thợ rừng, Mười Đô ngày đêm đi săn tìm, đào xới mạch nước ngầm ở khắp các hòn đảo hoang.
Có lúc ông tìm thấy vệt nước rỉ ra từ hốc đá hay rễ cây mục, nhưng khi khoanh vùng đào xới nhiều ngày vẫn không thấy gì. Ròng rã suốt hai tháng trời ông vẫn không tìm thấy mạch nước ngầm có dòng chảy mạnh để có thể lấy nước.
Trong một lần đi từ thung lũng núi Hòn Lớn xuống gần mép biển ở bãi Lá Cháy, Mười Đô tìm thấy một cục đá to như cái đĩa bị ố vàng và còn ẩm nước.
Ông cố sức đẩy tảng đá qua một bên thì thấy bên trong có nước rỉ ra. Đào sâu thêm dưới đất theo hướng nước chảy thì bất ngờ một tia nước từ trong hốc đá bắn vào người. “Lúc đó tôi mừng như bắt được vàng. Ngay hôm sau tôi và vợ mang cuốc xẻng đến bãi Lá Cháy đào tìm mạch nước cả ngày lẫn đêm.
Trời tối, hai vợ chồng chong đèn đào giếng. Cứ thế sau hai tháng miệt mài đào, tôi đã tìm được mạch nước ngầm chảy mạnh nên tạo một giếng rộng 7x3m, sâu 3m để lấy nước về đổi cho dân. Tôi đặt tên nó là giếng Cây Mù U” - ông Mười Đô kể.
Khi đã có chút ít kinh nghiệm tìm mạch nước ngầm, ông Mười Đô tiếp tục đi tìm và khai thác thêm được bốn giếng nước có trữ lượng lớn hơn cả giếng Cây Mù U. Giá nước ngọt mà ông Mười Đô đổi cho dân là 170.000 đồng/m³. Mức giá này người dân chấp nhận được, mà những thợ “săn” nước ngọt như ông Mười Đô cũng sống được.
Ông Mười Đô nói thêm: “Tui biết mỗi ngày trên xã đảo Nam Du có hàng chục ghe chở nước từ các nơi đem về phục vụ người dân trên đảo nhưng vẫn không đủ. Đã đến lúc Nhà nước cần xây hồ tích nước mùa mưa và bảo vệ rừng để giữ nước ngọt bền lâu cho dân trên đảo. Nếu không, vài ba năm nữa các mạch nước ngầm sẽ cạn khô thì nguy hiểm lắm”.
Cần một hồ tích nước 30.000m3 Ông Lê Minh Công - bí thư Đảng ủy xã Nam Du - cho biết hiện nay xã Nam Du có 15 hộ làm nghề đổi nước, hằng ngày đến các đảo xa chở về khoảng 200m³ nước ngọt. Lượng nước trên sẽ không đủ cho trên 5.000 người dân trên đảo và hàng trăm ghe tàu đánh bắt cá. Hiện nay người dân phải mua thêm bình nước lọc từ đất liền mang ra đảo uống. Cũng theo ông Công, tỉnh Kiên Giang đã khảo sát và thống nhất địa điểm đầu tư tại Hòn Ngang một hồ tích nước có dung tích 30.000m³ để tích nước mùa mưa, đồng thời có kế hoạch trồng và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng trên quần đảo Nam Du. |
Theo Tuổi Trẻ Online