Nguy cơ bệnh tật vì thiếu... nước sạch
Sông Đập Đình (hay còn gọi là rào Đập Đình) đi qua địa bàn thôn Đồng Kim và Đình Cương, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đang trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
Theo quan sát, tại nhánh sông này, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm xả thải trực tiếp. Đáng bàn ở chỗ, nhánh sông này cũng đang là nơi mà 147 hộ dân bơm lấy nước để dùng phục vụ sinh hoạt, tắm giặt.
Bà Nguyễn Thị Chung (SN 1960, trú thôn Đồng Kim, xã Trung Lộc) cho hay, nhiều năm qua, gia đình bà đều phải sử dụng nước sông ô nhiễm bơm lên để sinh hoạt. Biết là bẩn nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước nào hơn để thay thế.
"Chúng tôi phải xây 2 bể xi măng chứa nước mưa dùng để ăn uống, còn tắm rửa sinh hoạt đều phải sử dụng nước sông bơm lên. Có những thời điểm hạn hán không có nước cũng phải bơm lên lọc qua để nấu ăn. Cả xóm nước thải nuôi trâu, bò, lợn đều xả ra sông này hết", bà Chung nói.
Cũng như nhiều hộ khác, gia đình bà Chung đăng ký lắp nước sạch cách đây 2 năm nhưng chờ mãi đến nay vẫn chưa có. Để có nước sử dụng, gia đình bà phải lắp ống giếng giữa sông, bên trong dùng cát, sỏi lọc thủ công, sau đó bơm theo đường ống dẫn lên bể chứa. Mặc dù có cháu nhỏ nhưng gia đình bà Chung cũng không còn sự lựa chọn ngoài dùng nước sông ô nhiễm.
Được xem là may mắn vì ở một mình, lượng dùng không nhiều nên bà Trần Thị Thiện (SN 1952) không phải dùng nước sông ô nhiễm để sinh hoạt như những hộ trong thôn. Tuy nhiên, để trữ đủ nước sinh hoạt, bà Thiện đã phải đầu tư xây hẳn 3 bể chứa nước dung tích lớn, hứng nước mưa dùng dần.
"Dân ở đây đa phần đều phải dùng nước từ sông bơm lên. Nước ăn thì trữ nước mưa. Nước thải chăn nuôi cũng là nước sinh hoạt nên người dân đều rất mong chờ có nguồn nước sạch về. Chứ dùng lâu dài chắc chắn sẽ sinh bệnh tật", bà Thiện nói.
Mỏi mòn chờ đợi nước sạch
Nói về thực trạng "khát" nước sạch, ông Trần Viết Quản, Bí thư chi bộ thôn Đồng Kim xác nhận, hơn 100/147 hộ dân trong thôn đã và đang phải sử dụng nguồn nước sông ô nhiễm để tắm rửa, giặt giũ. Một số hộ vào mùa nắng hạn, nguồn nước mưa tích trữ không đủ phải bơm nước sông lên dùng hóa chất để xử lý để ăn uống.
Cũng theo Bí thư chi bộ thôn Đồng Kim, từ xa xưa, người dân trong thôn đều sử dụng nước sông Đập Đình để sinh hoạt nhưng trước đây không bẩn. Nay, mật độ dân cư đông đúc, chăn nuôi, đồng ruộng phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều, tất cả đều xả ra sông khiến nguồn nước ngày càng ô nhiễm. Hiện, có khoảng 10 hộ dân xả nước thải chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… ra sông Đập Đình. Ngoài ra, nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình cũng đều đổ ra dòng sông này. Hơn lúc nào hết, người dân tha thiết, mong mỏi có một nguồn nước sạch để sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Ngoài thôn Đồng Kim thì thôn Minh Hương cũng là một trong những thôn ở xã Trung Lộc đang rất "khát" nước sạch. Nước ngầm ở thôn này nhiễm phèn, đục, không thể sử dụng ăn uống. 100% hộ dân phải đầu tư xây bể xi măng, chứa nước mưa để dùng. Nguồn nước của người dân nơi đây gần như phụ thuộc vào "ông trời".
"Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri với xã, huyện, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về dự án nước sạch. Bà con rất mong mỏi sớm có nguồn nước sạch", bà Phan Thị Phương, trú thôn Minh Hương nói.
Ông Phạm Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Trung Lộc, cũng cho hay, hầu hết người dân trên địa bàn đang sử dụng nước từ kênh mương, giếng và bể tích trữ nước mưa để sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước mưa nhiều thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, trên địa bàn chưa có công trình cấp nước tập trung nào nên nước sạch là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.
"Trước có dự án nước sạch tập trung giai đoạn 2 nối từ xã Mỹ Lộc, chúng tôi đã lấy ý kiến dân thì rất đồng tình, nhưng mãi đến nay dự án chưa triển khai nên chưa biết đến khi nào dân mới có nước sạch sử dụng", ông Đạt nói.
Theo tìm hiểu, không chỉ riêng những hộ dân ở xã Trung Lộc, Kim Song Trường mà Khánh Vĩnh Yên và một số xã tại huyện Can Lộc cũng đang trong tình trạng "khát" nước sạch. Người dân đều phải "nhắm mắt" sử dụng nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo.
Theo số liệu rà soát từ chính quyền địa phương, tại huyện Can Lộc có tổng 18 xã thì có đến 14 xã người dân chưa được sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Để có nước cho người dân, chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực vận hành các công trình cấp nước nông thôn quy mô nhỏ song hiệu quả thấp.
Kỳ cuối: Đừng để người dân phải chờ đợi thêm nữa