"Chàng Trương Chi" lận đận
Vũ Ngọc Ký cao 1m60, gương mặt cũng không đạt tiêu chuẩn của một người điển trai, nhưng ở anh có sự thu hút của sự thân thiện, hài hước. Lần đầu tiên gặp mặt, Ngọc Ký đã gây ấn tượng mạnh với tôi khi anh giả giọng thuyết minh phim chưởng để "xoa dịu" nửa tiếng anh đến trễ vì tắc đường. Có lẽ chính sự hài hước, thông minh ấy đã làm nên nét đáng yêu riêng của chàng trai có chiều cao khiêm tốn này. Tham gia rất nhiều cuộc thi hát, đoạt khá nhiều giải thưởng nhưng Sao Mai mới chính là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời của Vũ Ngọc Ký. Con đường chinh phục Sao Mai đầy chông gai, thử thách của chàng ca sĩ gốc Thành nam cũng là câu chuyện mà nhiều người vẫn thường nhắc đến như tấm gương về một người "có công mài sắt, có ngày nên kim".
Với Ngọc Ký, chầu văn đã trở thành cái duyên trời định
Ngọc Ký thử sức với Sao Mai từ năm 2003 nhưng phải tới năm 2009 anh mới có giải và mới được đông đảo công chúng biết đến. Sự quyết tâm đến mức gan lỳ của Ký khiến không ít người bày tỏ sự ái ngại. Tuy nhiên, với "chàng Trương Chi" ngang bướng này thì sự ái ngại, ngăn cản của bạn bè, người thân không hề làm anh nản lòng. Ký bỏ qua những lời khuyên ngăn kiểu như: "Ký không có duyên Sao Mai đâu", "hình dáng thấp bé thế kia giám khảo không thích đâu"... với ba lần "trượt vỏ chuối" ở Sao Mai 2003, 2005 và 2007 để tiếp tục nộp đơn đi thi Sao Mai 2009.
Khác với ba lần dự thi trước với dòng nhạc thính phòng đúng chuyên ngành theo học, lần này Ngọc Ký quyết định làm mới mình với dòng nhạc dân gian. Con đường chinh phục Sao Mai đối với Ký khi ấy những tưởng đã hoàn toàn đóng lại bằng một tảng đá lớn khi anh bị loại trong đêm chung kết dòng dân gian phía Bắc. Tuy nhiên, kỳ tích đã xảy ra. Sau đêm chung kết miền Nam, Ban giám khảo thấy độ chênh giữa chất lượng thí sinh ba miền nên quyết định lấy thêm hai suất miền Bắc cho đêm chung kết. Và Vũ Ngọc Ký may mắn nằm trong hai cái tên đó.
Cuối cùng thì điều kỳ diệu đã đến với chàng sinh viên Nhạc viện lận đận trong con đường thi cử. "Vé vớt" Ngọc Ký đã làm nên chuyện khi đánh bại những đối thủ nặng ký để có mặt tại đêm chung kết xếp hạng toàn quốc, giành giải nhì Sao Mai 2009 dòng nhạc dân gian. "Khi trượt vòng chung kết toàn quốc tôi rất buồn vì năm đó là năm cuối cùng tôi còn đủ tuổi để dự thi Sao Mai. Những ngày sau đó tôi vẫn sống trong sự ám ảnh Sao Mai với những giấc mơ tràn ngập ánh đèn sân khấu. Biết là mình đã trượt nhưng ngày nào tôi cũng vẫn nghĩ bài, thử giọng... Năm đó Ban tổ chức lại quyết định ra "vé vớt" để tôi có cơ hội vào vòng chung kết", Ngọc Ký tâm sự.
Thành công cũng đã mỉm cười với Ngọc Ký khi anh nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả trên sân khấu chung kết Sao Mai 2009 với bài hát "Dời đô ngàn năm vang mãi" của nhạc sĩ Nguyễn Tiến. Bài hát không chỉ thể hiện rõ chất giọng tenor cao, sáng mà còn thể hiện sự được sự tự tin của "chàng Trương Chi" luôn muốn khẳng định mình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nam Trực, Nam Định, bố mẹ chỉ muốn Ngọc Ký theo nghề giáo viên, ra trường đi làm để giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học. Tuy nhiên, niềm đam mê âm nhạc đã khiến anh đi ngược lại ý muốn của gia đình. Anh trốn gia đình, vay tiền bạn để thi Nhạc viện, vừa học vừa làm lấy tiền đóng học phí. Mỗi khi dành dụm được chút tiền, Ngọc Ký còn tự mình đi thu một bài hát. Đó cũng là lý do vì sao album đầu tay Khát vọng tình yêu của anh, tuy ra mắt sau khi anh đoạt giải Sao Mai nhưng lại mang phong cách semi classic chứ không phải dân gian.
Ngọc Ký và Minh Đức trong album Văn ca dâng thánh mẫu
Chầu văn: Khó nhưng vẫn mê
Sau album đầu tay, Ngọc Ký tiếp tục phát hành hai album dòng nhạc dân gian hợp tác cùng một số ca sĩ Sao Mai khác là Thành Lê, Anh Dũng, Quang Hào... Tuy nhiên, khi các lứa Sao Mai cùng đổ bộ vào thị trường âm nhạc dân gian thì để làm nên sự bứt phá không phải là điều dễ dàng. Sự thông minh đã khiến chàng ca sĩ gốc Nam Định thức thời hơn trong việc lựa chọn hướng đi cho riêng mình. Hồi cuối năm 2012, Ngọc Ký làm khán giả thực sự "choáng váng" khi ra mắt album chầu văn mang tên Văn ca dâng thánh mẫu mang đầy tính tâm linh. Album này anh làm cùng người bạn thân là ca sĩ Minh Đức của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam.
Hát văn, còn gọi là Chầu văn hay Hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hiện nay, Nghi lễ Chầu văn của người Việt đã được đưa vào danh mục Di sản để nghiên cứu lập hồ sơ trình Unesco công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.
Mặc dù là một loại hình ca hát cổ truyền dân tộc nhưng việc thể hiện sao cho ra chất chầu văn không hề đơn giản. Ngoài sự đam mê thì người hát còn phải có sự trải nghiệm, sự thẩm thấu nhất định. Lợi thế đối với Ngọc Ký khi đến với Chầu văn là anh sinh ra ở vùng đất có truyền thống về loại hình nghệ thuật này. Nam Định, nơi Ngọc Ký sinh ra và lớn lên vốn là miền quê có truyền thống hát văn lâu đời.
Chính vì có nền tảng như vậy nên Ngọc Ký học hát văn rất nhanh. Ngay từ buổi đầu tiên đến lớp học của NSƯT Minh Nguyệt (Đoàn Chèo Hà Nội) anh đã được cô giáo khen ngợi về khả năng thiên bẩm đối với loại hình nghệ thuật "khó nhằn" này. Vừa học, vừa thu âm và ra mắt album chỉ trong vòng 6 tháng nhưng sản phẩm âm nhạc độc đáo này của Ngọc Ký và Minh Đức đã gây được tiếng vang lớn trong làng âm nhạc truyền thống. Ngọc Ký tâm sự: "Hát văn không chỉ khó mà là rất khó. Mọi kiến thức thanh nhạc dường như không có ý nghĩa gì nữa, đơn giản là hát bằng hơi thở và cảm nhận của mình nhưng không phải ai cũng làm được. Khó như vậy nhưng khi bắt đầu rồi thì rất hứng thú".
Chuyển hướng theo phong cách chầu văn là một quyết định mạo hiểm với Ngọc Ký nhưng sự đón nhận nhiệt tình của khán giả đã chứng tỏ sự lựa chọn của anh hoàn toàn đúng đắn. Trong đợt phát hành đầu tiên với 3.000 bản (4 CD gồm 22 giá), số đĩa phải in lên tới 1,2 vạn - một con số không nhỏ với những ca sĩ mới vào nghề như Ngọc Ký và Minh Đức. May mắn là họ nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ những anh chị, bạn bè cùng có tâm huyết lưu giữ, phát triển chầu văn. Ngọc Ký bày tỏ mục đích chính khi thực hiện album "Văn ca dâng thánh mẫu" là đem lời ca tiếng hát của mình góp phần vào việc lưu giữ văn hóa, để khán giả biết được các điệu hát hay gọi là lối hát, các nghi lễ và tính văn hóa đặc biệt của chầu văn. Sau thành công của CD Văn ca dâng thánh mẫu, Ngọc Ký và Minh Đức đang gấp rút thực hiện VCD (đĩa chầu văn có hình) để khán giả cảm nhận đầy đủ hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Đối với hát văn, càng có kỹ thuật lại càng khó học. Chính vì vậy mà những người được đào tạo chính quy về thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như Ngọc Ký và Minh Đức là một sự thử thách không hề nhỏ. Để có được một sản phẩm âm nhạc như Văn ca dâng thánh mẫu là cả một sự cố gắng không mệt mỏi của hai ca sĩ thế hệ 8X. "Nhiều lúc vì quá khó khăn mà hai anh em đã định bỏ cuộc. Ngoài vấn đề kinh tế thì có những làn điệu đặc trưng vùng, miền rất khó chinh phục, nếu bỏ đi thì coi như mất hết linh hồn của bài hát. Điều quan trọng hơn là vì đây là loại hình âm nhạc gắn liền với yếu tố tâm linh, nên nếu người nghệ sĩ hát không có sự khao khát, thật sự yêu nghề và một tấm lòng luôn hướng thiện thì sẽ khó có thể vượt qua và chinh phục được những bản văn dài ấy", Ngọc Ký tâm sự. |
Đinh Nhung