Giữa “bão đạn”, bà Ngọc Anh, nữ anh hùng Lê Thị Riêng và đồng chí Trần Văn Kiểu vẫn hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”. Thế rồi, trong giây phút đó, bà còn cảm nhận được từng làn đạn sượt qua đầu mình và nghe nhịp đập yếu ớt của đồng đội trong mưa bom bão đạn.
Bắt đầu bằng “Thép đã tôi thế đấy”
Nữ biệt động Sài Gòn Phùng Ngọc Anh năm nay đã 76 tuổi (ngụ phường 8, quận 11, TP.HCM). Bà sống giản dị cùng người cháu nuôi trong căn hộ nhỏ thuộc chung cư Bình Thới. Đôi mắt tinh anh ngày nào của bà giờ đã mờ hẳn sau nhiều năm chữa trị. Đó là di chứng của những ngày bà bị đánh đập, tra tấn nơi lao tù.
Trong căn nhà nhỏ, bà kể lại: “Tôi sinh ra trong một gia đình người Hoa yêu nước. Bố mẹ tôi trước đây tham gia nuôi giấu cán bộ Việt Minh ở huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá cũ, nay là tỉnh Kiên Giang. Trước nhà tôi có con sông Cái Lớn chảy qua, êm ả, hiền hòa. Thực dân Pháp, Mỹ lần lượt tàn phá, khiến gia đình tôi phải di tản lên khu Chợ Lớn, Sài Gòn sinh sống”.
Bà Ngọc Anh bị địch giam ở Tổng nha Sài Gòn (ảnh do nhiếp ảnh người Mỹ chụp năm 1967).
Năm 1961, gia đình khá giả nên bà xin phép sang Trung Quốc để học lên cao. Để đến Trung Quốc, bà phải đi tàu sang Hồng Kông. Ở Hồng Kông, bà nghe người dân bản xứ nói ở Trung Quốc đang rất căng thẳng nên xin vào làm ở một xí nghiệp may mặc ở Hồng Kông để có tiền sinh sống. Mỗi ngày, bà đi làm rồi về nhà trọ đọc các loại sách.
“Một lần, tôi cầm một đồng bạc duy nhất để mua chục trứng gà. Đi ngang hiệu sách cũ, ông bán hàng gọi tôi và giới thiệu cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Tôi thích quá nên quyết định mua quyển sách với 8 xu tiền, 2 xu còn lại tôi mua một quả trứng ăn cầm cự qua bữa. Tôi đem quyển sách về, đọc ngấu nghiến. Tình yêu cách mạng trong tôi lớn dần theo từng trang sách”, bà nhớ lại.