Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng

Thứ 2, 03/02/2025 19:34

Lễ hội Lồng tồng không chỉ là dịp cầu mong mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, gắn bó và gợi nhớ về quê người của dân tộc Tày, Nùng.

Nét văn hóa đặc sắc

Cứ vào ngày mùng 6 Tết Nguyên Đán hàng năm, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng tại xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) lại rộn ràng tổ chức Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng.

Lễ hội Lồng Tồng không chỉ là dịp cầu mong mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà, năm mới làm ăn thuận lợi, mà còn thể hiện tín ngưỡng phồn thực, khát vọng sinh sôi nảy nở.

Trước ngày lễ, người dân ở các thôn, làng trên địa bàn xã Cư M’gar cùng nhau chuẩn bị vật phẩm từ nông nghiệp để dâng lên thần linh, gửi gắm những ước nguyện về cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 1.

Người dân xúng xính trong trang phục truyền thống để đến lễ hội.

Ngoài việc chuẩn bị các lễ vật tươm tất, bà con địa phương còn đặc biệt chú trọng chọn lựa những thửa ruộng đẹp nhất, thuận lợi nhất để tổ chức Lễ hội Lồng tồng.

Lễ hội Lồng tồng được chia thành 2 phần gồm phần nghi lễ cúng và phần hội. Phần nghi lễ cúng bắt đầu với việc thầy cúng thực hiện các lễ khấn cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Các nghi thức cúng tế diễn ra tại một thửa ruộng đẹp và rộng rãi, với lễ vật gồm đầu thịt heo, gà luộc, xôi ngũ sắc, chè lam và nhiều hoa quả trang trí sặc sỡ. Mâm cỗ được bày biện trang trọng, thể hiện lòng thành kính của người dân đối với thần linh.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 2.

Lễ hội Lồng tồng thu hút hàng nghìn lượt người dân, du khách đến tham dự.

Tại đây, thầy mo (hay còn gọi là thầy cúng) sẽ đại diện cho cộng đồng, thực hiện nghi lễ cúng tế, đọc các bài khấn cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, muôn vật sinh sôi nảy nở, cuộc sống của người dân no đủ, sung túc, nhà nhà hạnh phúc.

Vừa khấn, thầy cúng vừa vung "nước thánh" – nước này được những cô sơn nữ đẹp nhất trong bản mang về từ đầu nguồn. Theo quan niệm, người nào hứng được "nước thánh" sẽ gặp may mắn trong cả năm.

Ngay khi kết thúc phần nghi lễ cúng là phần hội diễn ra sôi động hơn với các trò chơi dân gian đặc sắc. Người dân cùng nhau tham gia các hoạt động như đánh yến, ném còn, kéo co, thi cày ruộng, bịt mắt đánh trống, đi câu kiều, lày cỏ...

Không giấu được niềm vui khi có mặt tại lễ hội, bà Triệu Thị Thính (SN 1969, người dân tộc Nùng, trú tại thôn 2, xã Cư M’gar) tâm sự: "Gia đình tôi từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1992. Đến với vùng đất đầy nắng và gió, chúng tôi đã cùng với nhiều bà con Tày, Nùng tại địa phương chăm chỉ lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống".

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 3.

Phần nghi lễ cúng được diễn ra trong không khí trang nghiêm.

Tuy nhiên, cuộc sống trên vùng đất đại ngàn Tây Nguyên không ít khó khăn đã khiến gia đình bà Thính ít có dịp về thăm quê. Để gợi nhớ về quê hương, cứ đến ngày mùng 6 Tết, cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Lồng tồng. Đây không chỉ là dịp vui chơi mà còn góp phần gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

"Tôi đã tham gia lễ hội Lồng Tồng rất nhiều lần, nhưng mỗi lần lại để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên. Điều ấn tượng nhất với tôi là các trò chơi dân gian và các tiết mục văn nghệ đàn tính, hát then. Đàn tính, một nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, Nùng, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Tiếng hát then hòa quyện cùng đàn tính, phản ánh tâm tư tình cảm của người chơi và người nghe, tạo nên cảm giác bâng khuâng lưu luyến", bà Thính chia sẻ.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 4.

Nghi thức đánh trống khai hội.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 5.

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 6.

Những dụng cụ truyền thống để sản xuất lúa của người dân tộc Tày, Nùng.

Mục sở thị những món ăn truyền thống

Cùng với những tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian, bà con các dân tộc Tày, Nùng đã mang đến Lễ hội Lồng tồng những món ăn truyền thống độc đáo như bánh khảo, cốm, bánh dày, xôi cẩm, rượu nếp, khau nhục và lạc sườn...

Bà Trịnh Thị Yến (SN 1972, trú tại thôn 4, xã Cư M’gar) chia sẻ: "Đây là những món ăn đặc trưng mà bà con dân tộc Tày, Nùng làm ra để thưởng thức trong dịp lễ, Tết. Mỗi món ăn đều được chế biến rất kỳ công".

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 8.

Bà con các dân tộc Tày, Nùng đã mang đến Lễ hội Lồng tồng những món ăn truyền thống để giới thiệu cho người dân và du khách.

Khi nhắc đến món khau nhục, bà Yến không giấu được niềm tự hào: "Khau nhục được xem là món ăn cầu kỳ nhất trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Tày. Để chế biến món khau nhục, đầu tiên, thịt heo ba chỉ, với ba tầng thịt rõ ràng được luộc chín khoảng 70%. Sau đó, chúng tôi dùng que nhọn châm lỗ nhỏ vào lớp da. Châm càng nhiều, khi ăn lại càng đậm đà hương vị".

Sau khi châm xong, miếng thịt sẽ được chiên ngập dầu cho thật vàng, rồi thái thành từng miếng để ướp gia vị. Công đoạn tiếp theo là lấy khoai lang xắt miếng bằng miếng thịt rồi đem chiên. Khi gia vị đã thấm đều, thịt và khoai lang chiên sẽ được xếp xen kẽ và hấp cách thủy trong hơn 1 tiếng.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 9.

Món khau nhục để lại nhiều ấn tượng cho du khách đến lễ hội.

Bên cạnh đó, món bánh dày của dân tộc Tày, Nùng cũng để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng. Để tạo ra những chiếc bánh dẻo thơm, người dân nơi đây cẩn thận chọn lựa loại lúa nếp nương.

Sau khi ngâm trong nước qua đêm, gạo nếp được vo sạch và xóc kỹ, rồi tiến hành đồ thành xôi. Khi xôi đã chín, công đoạn tiếp theo là giã xôi để tạo ra độ mềm mịn và dẻo dai cho bánh. Đây chính là công đoạn khó khăn và tốn sức nhất, quyết định chất lượng của bánh dày.

Khi xôi đã được giã nhuyễn, người dân sẽ múc ra mâm để bắt tay vào việc nặn bánh. Bánh được nặn thành hình tròn, sau đó ấn dẹt lại, cho nhân vào giữa, rồi khéo léo gói vỏ bánh lại, bọc kín lớp nhân bên trong, tạo thành những chiếc bánh trắng muốt, thơm phức, thể hiện sự tinh tế và tâm huyết của người Tày, Nùng trong từng công đoạn chế biến...

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 10.

Món bánh dày của dân tộc Tày, Nùng.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 11.

Mâm cơm đậm đà bản sắc dân tộc.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 12.

Đàn tính, một nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, Nùng, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 13.

Người dân và du khách thích thú với trò chơi ném còn.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 14.

Trò chơi lạy cỏ thu hút nhiều người tham gia.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 15.

Trò chơi bịt mắt đánh trống.

Ông Trần Đăng Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết, Lễ hội Lồng tồng là một hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc về xây dựng một cộng đồng đoàn kết và gắn bó, có những tình cảm tốt đẹp được thể hiện bằng tình yêu thương và sự kính trọng, sự biết ơn, hướng về cội nguồn và cùng sum họp, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.

Lễ hội không chỉ có vai trò quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc Tày, Nùng, mà còn là cơ hội để mọi người gặp gỡ bạn bè, thăm người thân và tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần linh.

Khát vọng sinh sôi nảy nở trong Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng- Ảnh 16.

Ông Trần Đăng Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar nói về ý nghĩa của Lễ hội Lồng tồng.

Việc duy trì tổ chức lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Nùng tại xã Cư M’gar nhằm từng bước khôi phục những nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Clip toàn cảnh Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Nùng.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.