Khát vọng sống của chàng trai bất hạnh

Khát vọng sống của chàng trai bất hạnh

Thứ 4, 20/03/2013 10:37

Chàng trai đó có tên là Đoàn Văn Thọ năm nay 27 tuổi cũng là 27 năm em phải chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo. Mặc dù đôi khi Thọ đã bế tắc và tuyệt vọng đến cùng quẫn, nhưng cho đến bây giờ, em vẫn nghĩ về cuộc sống, về những người xung quanh với niềm tin và sự biết ơn.

Cuộc đời gắn với bệnh viện

Chúng tôi nhận được bức thư của Thọ đúng vào ngày 27-2 (Ngày thầy thuốc Việt Nam), trong thư em kể: Em sinh năm 1986, trong một gia đình nông dân nghèo tại xóm Bãi 2, xã Tiền An, TX Quảng Yên. Mới được 4 tháng tuổi em đã mắc phải căn bệnh suy tim và viêm phổi. Và từ đó cho đến nay, các bệnh viện từ huyện đến tỉnh, Trung ương là “nhà” của em. Mỗi năm vài ba lần em lại phải nhập viện, nhẹ thì ở bệnh viện huyện, nặng lại chuyển lên tuyến trên, đỡ lại xin ra viện về đi học. Tuy ốm đau dặt dẹo phải nghỉ học triền miên thế nhưng em vẫn thi đỗ vào trường cấp ba công lập, học đến giữa năm lớp 12 thì bệnh tình nặng quá đành phải bỏ học.

Miền bắc - Khát vọng sống của chàng trai bất hạnh
Bác sĩ Đinh Thị Huyên, Trưởng khoa HSCC Bệnh viện Đa khoa Quảng Yên là người thường xuyên chăm sóc Thọ.

Qua lời kể của Thọ, được biết, trong ngần ấy năm có đến hàng chục lần em đã ngấp nghé cửa tử. Điển hình là năm 16 tuổi, bệnh áp xe phổi tái phát, gia đình chuyển em lên Bệnh viện Lao phổi tỉnh, sau nhiều ngày được các bác sĩ tích cực điều trị nhưng bệnh tình em ngày một xấu. Bệnh viện khuyên gia đình nên đưa em về nhà vì không còn hy vọng sống.

Thấy em đã bất tỉnh, chỉ còn thở thoi thóp, gia đình đành đưa về. Nhưng thật kỳ lạ, vừa ra khỏi bệnh viện em lại tỉnh và gia đình vội vã chuyển em lên Bệnh viện Lao phổi Trung ương. Sau một thời gian điều trị ở Bệnh viện Lao phổi Trung ương, bệnh tình Thọ đỡ hơn. Tưởng rằng số phận đã mỉm cười với gia đình em từ đây nhưng chỉ được một thời gian thuyên giảm, đến năm Thọ 20 tuổi bất hạnh lại tiếp tục giáng xuống đầu em và gia đình. Lần này Thọ được xác định là bị chứng bệnh “tâm phế mãn” giai đoạn cuối và cũng như những lần trước các bệnh viện đều bó tay.

Sau khi đọc xong bức thư dài 12 trang giấy học sinh, chúng tôi đã tìm  đến Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Yên - nơi Thọ đang nằm điều trị. Được biết hoàn cảnh của gia đình em vô cùng khó khăn, bố mẹ làm nghề nông, từ khi Thọ ốm đau, làm được chút tiền nào là đổ vào thuốc thang chạy chữa cho em.

Bà Vũ Thị Chủ là mẹ của Thọ nghẹn ngào nói với chúng tôi: Nếu gia đình có điều kiện chắc bệnh tình cháu không bi đát như bây giờ. 27 năm ròng rã hết đưa con đi từ bệnh viện này đến bệnh viện nọ, con qua cơn nguy kịch là phải xin ra viện, vì không có tiền để mua thuốc và trả viện phí. Chúng tôi có bao nhiêu tiền đều gom góp để chạy chữa cho con, bây giờ gia cảnh đã khánh kiệt mà bệnh tình con ngày càng nặng.

Đã có lần Thọ tìm đến cái chết vì em nghĩ, mình chết sẽ giải thoát cho mẹ và gia đình, và bởi vì em không còn một niềm hy vọng sống nào nữa. Nhưng khi nhìn ánh mắt buồn đau tận cùng của mẹ, em chợt bừng tỉnh và ý chí phải sống vì mẹ, vì những người đã cưu mang, yêu thương mình đã giúp em quên đi những cơn đau tưởng chừng không chịu nổi. Và điều kỳ lạ là mặc dù không ít lần Thọ được các bệnh viện trả về vì vô phương cứu chữa nhưng em lại tỉnh dậy và tiếp tục sống. Thọ cho biết: Sở dĩ em sống được đến bây giờ là nhờ tình yêu thương của gia đình và tấm lòng nhân ái của những người thầy thuốc.  
 
Ước nguyện cuối cùng của Thọ

Trong những tháng ngày đằng đẵng đi nằm viện, Thọ đã chứng kiến việc làm của rất nhiều người thầy thuốc ở các bệnh viện, những nơi em đã đến chữa bệnh. Thọ kể với chúng tôi: Quan sát việc làm và thái độ đối với bệnh nhân của họ đã giúp cháu có nhiều cách nhìn nhận về những người thầy thuốc. Điều cháu nhận thấy là đa phần những người thầy thuốc đều tốt, đều hết lòng vì bệnh nhân. Đặc biệt là tập thể y, bác sĩ của Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Yên.

Trước đây cháu vẫn nghĩ chỉ có bệnh nhân cho tiền bác sĩ chứ làm gì có chuyện bác sĩ cho tiền bệnh nhân, vậy mà khi nằm cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Yên, cháu đã chứng kiến biết bao việc làm đầy tình nhân ái của các y, bác sĩ. Từ thái độ ân cần tận tụy đối với bệnh nhân, đến nghĩa cử nhường cơm sẻ áo cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều lần cháu chứng kiến các bác sĩ, y tá ở Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Yên đã tận tình cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân, lặng lẽ quyên góp tiền để giúp những bệnh nhân nghèo phải chuyển viện, giúp bệnh nhân tiền mua thuốc, tiền ăn... Chính tấm lòng của những người thầy thuốc đó đã cho cháu niềm tin vào cuộc đời, vào cuộc sống, mang cho cháu ý nghĩa của cuộc sống.

Hiện giờ mặc dù sự sống của Thọ vẫn phải phụ thuộc vào chiếc bình ô xy ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Yên nhưng em vẫn khát khao, nếu được khỏi bệnh sẽ cố gắng học hành thật tốt để mai sau có một việc làm ổn định, có tiền giúp mẹ. Thọ cho biết, chính tấm lòng nhân hậu của những người thầy thuốc đã cho em niềm hy vọng sống “dù đau đớn và bi thương đến mấy nhưng vẫn còn được hít thở không khí, được nhìn ánh mặt trời mỗi ngày và điều quan trọng nhất sự sống của mình là niềm hy vọng của mẹ” (nhật ký của Thọ).

Hy vọng có phép màu để ước mong của Thọ không bị lụi tắt, và mong có nhiều tấm lòng sẻ chia với em như những người thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Yên. Chia tay với Thọ, trong tôi chợt nhớ tới câu thơ thuở xưa thầy tôi hay đọc “lòng tốt để duy trì cuộc sống, cho con người thực sự người hơn”.

Theo Đặng Nhung (Báo Quảng Ninh)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.