Cảnh báo hành động trả đũa
Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét nghiêm túc việc rút khỏi NATO, vì mối quan hệ với liên minh quân sự lớn nhất thế giới tiếp tục xấu đi, theo Pravda.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cảnh báo về các hành động trả đũa nếu quyết định cấm bán vũ khí của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ trở thành sự thật.
Vào cuối tuần trước, các thành viên Hạ viện Mỹ đã công bố chi tiết về dự luật ngân sách quốc phòng thường niên trị giá 717 tỷ USD. Trong đó có đề nghị tạm thời ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Ngoại trưởng Cavusoglu đã chỉ trích ý định trên khi nói rằng đó sẽ là sai lầm khi áp đặt một lệnh cấm như vậy đối với đồng minh NATO.
"Nếu Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với chúng tôi hoặc thực hiện các bước đi tương tự như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có phản ứng thích đáng", ông Cavusoglu gửi thông điệp đến Washington.
Dự luật gây tranh cãi mà phía Mỹ đang thảo luận nhắm tới thỏa thuận bán 116 chiến đấu cơ F-35 Lightning II thế hệ thứ năm, mà Washington hứa sẽ chuyển giao cho Ankara.
Quyết định cấm vận của Mỹ được cho là phản ứng đối với việc mua hệ thống phòng không S-400 gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga.
Mặc dù mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga không hẳn là đối tác thân thiết, nhưng thỏa thuận này đã gây ra nhiều mối quan ngại đối với các nước NATO, cũng như bản thân Mỹ.
Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với người đồng cấp Cavusoglu rằng, Mỹ có một sự “quan ngại nghiêm trọng” về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, nhưng không nhắc gì về lý do chính các nhà thầu quốc phòng của Mỹ không mặn mà trong việc bán các hệ thống phòng không cho Ankara.
Đáp lại, Ngoại trưởng Cavusoglu chỉ trích những lo sợ của NATO về việc mua vũ khí của Nga là hành vi cố gắng kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ và xâm phạm chủ quyền của nước này.
"Thổ Nhĩ Kỳ không phải chịu trách nhiệm với họ, đây là một quốc gia độc lập... Dạy chúng tôi cái gì có thể và không thể mua, không phải là cách tiếp cận phù hợp cũng như không tuân thủ các quy tắc của liên minh", ông nói.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời NATO, đó sẽ là dấu hiệu đầu tiên của việc NATO rơi vào tình trạng sụp đổ, tờ Pravda nhận định.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump cũng từng nhiều lần làm nản lòng các thành viên trong khối, khi chỉ trích tính hiệu quả của liên minh quân sự và các thành viên không đóng góp chi phí quốc phòng hợp lý.
Thổ Nhĩ Kỳ đã sớm bắt đầu quá trình rời NATO?
Theo Phó Chủ tịch Đảng Vatan (Thổ Nhĩ Kỳ) Yunus Soner, trên thực tế Ankara đã nằm trong quá trình dần dần tách khỏi liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu quá trình ly khai khỏi NATO. Một ví dụ của việc này là Ankara đã phản đối cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành ở khu vực Kurdistan thuộc Iraq, cho đó không phải nằm trong khuôn khổ sứ mệnh của NATO, mà là trong sự phối hợp với Nga, Iran và Iraq”, Soner nêu quan điểm.
Ví dụ khác về khoảng cách ngày càng xa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO là chính sách Syria, không phù hợp với chiến lược của NATO, mà lại gắn bó hơn với Nga, Iran.
Một ví dụ nữa là cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh-Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối tham gia vào việc tạo ra một “NATO của người Sunni”, với sự hỗ trợ của Mỹ.
Nói tóm lại, mặc dù việc hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trong lĩnh vực quân sự và công nghệ vẫn tiếp tục, chính sách đối ngoại hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ không xác định mình là thành viên trong liên minh quân sự.
“Vì lý do này, câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể rút khỏi NATO đã quá cũ. Hiện nay, câu hỏi phù hợp đặt ra sẽ là: Quá trình ngừng hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đang diễn ra như thế nào", Soner cho biết.
Soner nhấn mạnh việc Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của Liên minh:
"Thổ Nhĩ Kỳ có sự lựa chọn thay thế đáng kể chẳng hạn như tham gia vào Tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào tổ chức này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên.”.
Thứ hai, khoảng cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO cho thấy có sự chia rẽ trong liên minh. Xét cho cùng, không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà còn nhiều nước châu Âu đang xa cách dần khỏi NATO.
Soner cũng chỉ ra thực tế ở Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhiều người ủng hộ việc nước này đứng trong NATO, trong khi những người ủng hộ thì không thể đưa ra những lý do quan trọng biện minh cho sự hiện diện của đất nước trong tổ chức này.
"Môi trường chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đi ngược lại ý tưởng hợp tác với NATO và Mỹ", ông Soner kết luận.