Vào giữa những năm 90, các kỹ sư người Nga sống ở vùng ngoại ô Moscow đã quyết định tạo ra một loại súng ngắn với thiết kế gọn nhẹ nhưng lại vô cùng mạnh mẽ. Thời kỳ đó, những mẫu súng Beretta nổi tiếng của Italy vẫn được sử dụng rộng rãi không chỉ bởi các đơn vị đặc nhiệm hoạt động ở khu vực đô thị, mà còn bởi sĩ quan bảo vệ các nhà lãnh đạo đất nước.
Các nhà sáng tạo Nga đã quyết định sản phẩm của họ phải có uy lực và hiệu quả hơn trong chiến đấu tầm gần. Kết quả đã vượt qua sự mong đợi, khi SR-1 Vektor (còn được gọi là Gurza ở Nga) vừa mới xuất hiện đã ngay lập tức được Cơ quan Bảo vệ Liên bang (chuyên trách bảo vệ các tổng thống Nga) chấp nhận. Nhưng điều thú vị nhất là nó lại bị cấm ở Mỹ chỉ vì hỏa lực quá đáng gờm.
Ưu nhược SR-1
Khẩu súng mới được thiết kế phù hợp cho băng đạn 9x21mm, cung cấp hỏa lực mạnh hơn, vượt trội so với các mẫu 9x19mm hiện có, thường được các mẫu súng ngắn Beretta châu Âu và súng ngắn Glock 17 sử dụng. Thậm chí, SR-1 còn hiệu quả hơn cả súng ngắn hiện đại của Nga như Yarigin và Mararov.
Cụ thể hơn, loại đạn xuyên giáp tiêu chuẩn được sử dụng bởi SR-1 có thể xuyên thủng 30 lớp kevlar – loại chất liệu làm áo giáp được sử dụng rộng rãi nhất trong thập niên 90. Nó cũng có thể xuyên thủng một tấm thép 4 mm từ khoảng cách 50m. Băng đạn cung cấp cho các vệ sĩ bảo vệ tổng thống Nga lợi thế hơn trước các vụ xả súng trong không gian đô thị tầm gần.
Tuy nhiên, lợi thế vượt trội của SR-1 cũng chính là nhược điểm. Băng đạn có đủ hỏa lực xuyên thủng cả những tấm áo giáp hiện đại thì cũng có khả năng gây thương tích cho người đi đường vô tội hoặc thậm chí bắn xuyên qua người địch thủ.
“Quy tắc của Cơ quan Bảo vệ Liên bang nghiêm cấm các trường hợp bắn nhầm có thể xảy ra. Những vệ sĩ phải vượt qua các khóa đào tạo để tránh những thương vong như vậy, nhưng vẫn phải đảm bảo trọng tâm chính là bảo vệ nhà lãnh đạo đất nước bằng mọi giá, bất kể điều gì. Do đó, sẽ có một cuộc điều tra nội bộ trong trường hợp thương vong bất ngờ xảy ra trong trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng và nhà lãnh đạo an toàn”, tổng biên tập tạp chí Homeland Arsenal - Viktor Murahovsky, nói với RBTH.
Theo chuyên gia này, lượng hỏa lực dư thừa của khẩu súng không phải là mối lo ngại đối với các sĩ quan Nga trong nội địa, nhưng lại trở thành một vấn đề trong các chuyến đi nước ngoài, vì một số quốc gia đã cấm khẩu súng này sử dụng trên lãnh thổ của họ.
Murahovsky cho biết, người Mỹ không cho phép đặc nhiệm Nga sử dụng SR-1 trên lãnh thổ của họ do hỏa lực quá lớn và các nhân viên của Cơ quan Bảo vệ Liên bang phải chuyển sang sử dụng súng ngắn băng đạn 9x19 mm trong các chuyến đi nước ngoài.
Cận cảnh SR-1
Theo các chuyên gia, xem xét về mặt công thái học và thiết kế, có thể nói rằng khẩu SR-1 của Nga không trở thành một biểu tượng về phong cách và sự thanh lịch như Beretta của Italy. SR-1 được làm bằng hợp kim kim loại nặng, hình dáng thô với các góc cạnh vát nhỏ. Một tay súng sử dụng SR-1 cũng sẽ không nhanh tay bằng một tay súng có khẩu Glock 17 hoặc Beretta, do hành trình cò súng của SR-1 dài hơn.
Nhưng ngược lại, nó có lợi thế rất lớn về độ tin cậy so với các khẩu súng châu Âu thanh lịch. SR-1, giống như AK-47, được tạo ra để hoạt động trong mọi điều kiện khắc nghiệt đến mức không thể tưởng tượng được.
Mỗi khẩu súng đều vượt qua các bài thử nghiệm môi trường gắt gao, bao gồm hoạt động suốt một giờ trong môi trường mô phỏng bão cát, mưa nhiệt đới, sau đó tiếp tục hoạt động trong môi trường mô phỏng Bắc cực với nhiệt độ xuống đến -65 độ C. Nếu một khẩu SR-1 không vượt qua được bất kỳ bài thử nghiệm nào trên đây, nó sẽ trở thành phế liệu.