20 tuổi đã khét tiếng giang hồ
Phải mất rất nhiều thời gian tỉ tê trò chuyện, Yên mới tâm sự với chúng tôi về chuyện của quá khứ đắng chát của mình.
Sinh năm 1964 trong một gia đình đông anh em, Yên là người được ăn học tử tế nhất. Vốn thông minh, nhanh nhẹn và pha chút ngang ngược nên ngay từ khi trong trường cấp hai Yên đã được tôn làm "anh cả".
Ngày đấy, khi đang học năm cuối của lớp 9 thì Yên xin nghỉ học với lí do muốn đi làm kiếm tiền giúp bố mẹ. Ngày đó xã Yên có nhiều đội quân là thanh niên đi bốc vác, xẻ gỗ thuê cho các cánh buôn và khai thác gỗ lậu kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng. Trần Văn Yên xin đi làm thuê cho các chủ buôn gỗ với mong muốn đổi đời. Cũng chính từ bước ngoặt này đã khiến anh lao vào con đường tù tội.
Yên kể lại, làm thuê được hai năm, anh đã biết hết những mánh khóe làm ăn phi pháp, buôn gian bán lận từ các ông chủ. Biết được nguồn thu lợi khổng lồ nên Yên nghỉ việc và đứng ra làm chủ thuê người làm ăn riêng.
Từ khi trở thành "ông chủã", Yên làm ăn gặp vận may "phất lên như diều gặp gió". Có tiền, anh mở rộng thêm mối lái, địa bàn rồi dần thống lĩnh đường dây gỗ lậu hầu hết khắp các tỉnh Tây Bắc. Nghe đến tên anh, nhiều "đối thủ" trong nghề cũng phải kính nể.
Trong một chuyến hàng lớn, Yên chuyển gỗ từ Sơn La về Hà Tây (cũ) trót lọt, nhưng khi chuyển giao hàng cho đối tác thì khách lại chê hàng kém chất lượng nên không lấy. Yên vui vẻ chấp nhận sẽ đền lại hàng đúng như yêu cầu. Tuy nhiên, đối tác tên Sáu vẫn tức giận và kéo đàn em đến gặp Yên để... "tính sổ".
Thêm vào đó Yên bị liên lụy vào một vụ cướp diễn ra công khai và táo tợn. Bị truy đuổi gắt gao, Trịnh Văn Yên đành từ bỏ cơ nghiệp lớn và tìm đến đất khác lánh nạn.
Từ người lầm lỗi, Yên đã gây dựng cơ ngơi mới và trồng cây trả nợ rừng xanh.
20 năm trả giá cho sai lầm
Thông tin về vụ dằn mặt trả thù bằng cách thực hiện hành vi cướp tài sản đã làm liên lụy đến Trịnh Văn Yên. Yên lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an và lệnh truy nã được thông báo mọi nơi.
Yên bắt đầu những tháng ngày lẩn trốn, phiêu bạt với số tiền nhỏ nhoi. Tên tuổi của Yên dường như đã được người ta biết đến nên đi đến đâu họ cũng cung phụng và đón tiếp chu đáo.
Sống cảnh "há miệng chờ sung" Yên không đành, bởi anh còn vợ con ở nhà. Một ý định táo bạo lóe lên trong đầu Yên là bỏ trốn ra nước ngoài. Nơi đầu tiên anh đến là Trung Quốc.
Sống ở đây được khoảng 4 năm, Yên lại tiếp tục chuẩn bị cho cuộc vượt biên sang Hồng Kông. Thế nhưng ý định không thành, Yên trở về quê vợ ở Tuyên Quang để ẩn náu. Tại đây, Yên thay đổi họ tên và sống ở đó cho đến năm 1998.
Với ý nghĩ 10 năm trốn chạy chắc hẳn cái tên Trịnh Văn Yên không còn trong hồ sơ và trí nhớ của lực lượng công an tỉnh Hòa Bình nên Yên quyết định mạo hiểm về quê để sống. Tuy nhiên, ngay khi mới về đến Hòa Bình, Yên đã bị cơ quan công an phát hiện và bắt giữ. Sau đó Yên phải hầu tòa và nhận bản án 10 năm tù giam.
Ở trong tù, niềm tin duy nhất để Yên có thể sống và cải tạo tốt đó là gia đình, là người vợ và đứa con nhỏ. Họ là động lực giúp anh cải tạo tốt để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Sự đời oái ăm, Yên như chết lặng người đi khi nhận được thông tin là người vợ từng thề non hẹn biển, yêu thương anh hết mực lại thay lòng đổi dạ.
Người đàn ông từng cầm đầu những phi vụ làm ăn lớn, người được tôn làm đại ca có thể ra lệnh cho hàng chục đàn em và băng nhóm có thể làm bất cứ việc gì mà giờ đây ngã gục trước cú sốc tình cảm.
Trả nợ rừng xanh
Mười năm ngồi tù, với Yên đó là một bài học sâu sắc, đáng nhớ trong cuộc đời. Có ở trong tù mới hiểu sự chờ đợi một ngày qua đi dài đằng đẵng tựa ngàn năm như thế nào.
Nhờ cải tạo tốt, năm 2005, Yên được đặc xá trước thời hạn ba năm và được trả tự do. Ra tù với hai bàn tay trắng, cộng thêm mặc cảm về bản thân là rào cản lớn nhất để Yên làm lại cuộc đời. Yên quyết định trở về quê Hòa Bình và xin thuê lại toàn bộ 1,3ha mặt nước của hợp tác xã Đoàn Kết cùng gần 4ha ao khu 2 thị trấn Kỳ Sơn để làm trang trại.
Năm 2006 trang trại của Yên đã bắt đầu có lãi. Sau khi tình hình kinh tế tạm ổn, việc đầu tiên Yên nghĩ đến là trồng rừng. Sở dĩ Yên nghĩ đến việc trông rừng vì trước đây anh đã từng là lâm tặc, từng bảo kê cho đàn em chặt cây phá rừng, nay anh muốn làm một việc gì đó để trả nợ rừng...
Trang trại của Yên đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đặc biệt trong đó có những thanh niên cũng có quãng đời lầm lỗi như anh.
Giờ đây, người ta không còn nhắc đến cái tên Yên "đại ca", Yên "bảo kê" như trước nữa. Sự cố gắng của anh đã được nhiều người ghi nhận và thán phục.
Năm 2010, Trịnh Văn Yên là một trong 66 người dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc vinh dự nhận được bằng khen của bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Thành công trong trồng rừng, làm trang trại, kinh tế khá giả nhưng niềm vui lớn nhất bây giờ đối với Yên là người vợ mới chị Vũ Thị Ngần và hai đứa con kháu khỉnh, ngoan hiền.
Trịnh Văn Yên tâm sự: "Ngoài số diện tích trên, đến nay chỗ nào còn đồi núi trọc tôi đều xin được đấu thầu trồng rừng. Tôi phải trồng mãi thì may ra mới trả hết được món nợ với rừng".
Nhật Tân