Một khi đã quyết phát đi lá đơn khiếu nại, không khó để hình dung rằng cả trưởng ban trọng tài Dương Vũ Lâm, lẫn phó ban Đoàn Phú Tấn đã không cần muốn ngồi trong ngôi nhà VFF nữa rồi. Hoặc chí ít, họ đã còn muốn làm việc chung với những nhân vật chóp bu hiện tại ở VFF, vốn bị đánh giá là thiếu cấp tiến.
Trước đó, chính ông Lâm đã thẳng thừng từ chối nhiệm vụ Trưởng ban trọng tài ở hội nghị BCH VFF hôm 29/9. Trước nữa, khi có người gợi ý ngồi vào ghế Trưởng BTC V-League thay ông Trần Duy Ly, ông Lâm cũng kiên quyết lắc đầu.
Chuyện lẽ ra đã chẳng có gì ầm ĩ, nếu như VFF biết cách xử lý khéo trong vấn đề của ông Lâm và ông Tấn. Từ thời điểm VFF ra quyết định đình chỉ công tác 2 ông này cách nay hơn 3 tháng, người ta đã thấy có gì đó không ổn.
Đấy là cách mà ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký quyết định đình chỉ công tác ngay trong ngày nghỉ, dù cũng trong thời điểm đó, ông Lâm cho biết đang ngồi giải trình với người được VFF giao trực tiếp xử lý vụ việc trên là PCT VFF, kiêm phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn.
Ông Dương Vũ Lâm (giữa) cho rằng VFF hành xử cạn tình
Tức là khi việc giải trình của trưởng Ban trọng tài còn chưa xong, thì họ đã vội vã vô hiệu hóa công tác của ông trưởng và phó ban. Một quyết định được ký vội vã khiến dư luận đánh giá rằng VFF cố mượn cớ để nhổ đi “cái ga” trong mắt, hơn là phản ứng nhanh với tiêu cực.
Chuyện cũng đã chẳng có gì ầm ĩ nếu như trong quyết định đình chỉ công tác của mình, VFF xác định chính xác nơi phát xuất nguồn tin, xác định đúng chức năng của Ban trọng tài, cụ thể là chức năng của 2 ông Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn, thay vì cứ loạn xà ngầu hết cả lên.
Trong đơn khiếu nại được phát đi, ông Lâm và ông Tấn tiết lộ chính trưởng BTC giải Trần Duy Ly là người nắm thông tin trước, sau đó báo với Ban trọng tài nhờ xác minh chuyện một số trọng tài có cầm tiền của người lạ hay không, chứ không phải Ban trọng tài biết trước, rồi chủ động xử lý nội bộ.
Rồi chuyện VFF hiểu sai (hay cố tình hiểu sai?) chức năng của Ban trọng tài cũng là điều đáng nói. Nếu VFF hiểu sai chức năng của Ban trọng tài, thì e rằng người ký quyết định đình chỉ công tác ông Lâm, ông Tấn là chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng chẳng hiểu gì về quy trình làm việc.
Còn trong trường hợp họ cố tình hiểu sai chức năng của ban này (rằng ban trọng tài không hề có chức năng điều tra tiêu cực), thì điều dư luận nghi ngờ về chuyện VFF cố tình mượn cớ “nhổ đi cái gai trong mắt” không phải là không có cơ sở.
Và chuyện lẽ ra cũng chẳng có gì ầm ĩ, nếu như sau khi sự việc qua đi, sau khi cơ quan chức năng cho biết không đủ chứng cứ để điều tra tiếp, VFF chủ động nói đến chuyện khôi phục vị trí cho ông Lâm và ông Tấn.
Đằng này, một lời dễ nghe cũng không có, trước khi VFF tiếp tục tuyên bố ông Lâm cần thận trọng trong cách phát ngôn.
Không phủ nhận chuyện Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm lắm lúc phát ngôn thiếu thận trọng, nhưng cách ra tuyên bố của VFF chẳng khác nào như một gáo nước lạnh nữa dội vào mặt người vốn 3 tháng nay đã chịu nhiều thị phi của dư luận.
Và cũng nhân nói chuyện phát ngôn của VFF, người ta có lẽ không thể kể siết các câu nói chẳng giống ai của ngay chính các nhân vật chóp bu trong tổ chức này. Mới nhất là vụ ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói trong lễ tổng kết mùa giải.
Trong khi cả làng cầu nội yêu cầu phải siết chặt các quy định đối với các CLB chuyên nghiệp, quy định phải siết chặt chất lượng, không thể chạy theo số lượng nữa, thì người đứng đầu VFF lại phát biểu đại loại rằng “có nên giảm số lượng đội đá V-League hay không, các quy định để siết các CLB có chặt quá không?”. Rằng “có cần phải giúp đỡ các đội chưa đủ tiêu chuẩn để họ được thi đấu hay không”.
Dường như chính người đang đứng đầu nền bóng đá nội vẫn chưa tỉnh ra, chưa nhận thức được rằng chính sự buông lỏng quản lý trong nhiều năm qua đã dẫn đến tình trạng mất kiểm soát ngày nay.
Ngay đến chuyện các cầu thủ K.Kiên Giang vài ba lần kêu cứu lên VFF mà VFF vẫn không có phản ứng gì, thì chẳng hiểu ông chủ tịch VFF sẽ giúp đỡ các đội bóng không đủ tiền đá ở V-League theo kiểu nào?
Người đứng đầu VFF dường như đang mất phương hướng, trong khi trong lòng tổ chức này bắt đầu xuất hiện sóng ngầm và những lá đơn khiếu tố nhau. Tất cả cho thấy VFF trước thềm đại hội khóa 7 chẳng khác rắn không đầu.
Và đã đến lúc VFF cần được cải tổ gấp, đặc biệt là phải cải tổ về mặt nhân sự, trước khi cách làm việc của những con người hiện nay có nguy cơ đưa bóng đá nội đến chỗ không thể cứu vãn.
Theo Dân trí