Sốt xuất huyết là gì?
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong 7 ngày. Khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như cảnh đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng...
Ở nữ giới có thể thêm hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...
Bệnh sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu như phát hiện muộn. Chính vì vậy, người dân không nên chủ quan, khi có một trong những biểu hiện trên cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết có cần kiêng tắm gội không? PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai từng chia sẻ, nếu mắc sốt xuất huyết thể nhẹ, bệnh nhân vẫn có thể tắm bình thường. Tuy nhiên cần chú ý không nên tắm và ngâm người trong nước quá lâu, cChỉ nên tắm với nước ấm vừa phải, không tắm với nước lạnh, tắm xong cần sấy khô tóc.
Trong trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, khi tắm cần chú ý không nên kỳ cọ mạnh để tránh chảy máu dưới ra hoặc trong cơ. Nếu bệnh nhân có tình trạng xuất huyết dưới da, giảm tiểu cầu thì không nên tắm gội mà chỉ nên dùng khăn ấm, lau qua người.
Khi bị sốt xuất huyết cần làm gì để tránh bệnh nặng hơn
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn gây nên. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong trường hợp mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần lưu ý không nên làm những điều sau.
Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc hạ sốt: Với những người mắc sốt xuất huyết, tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt aspirin và ibuprofen. Bởi hai loại thuốc này sẽ càng khiến cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trở nên trầm trọng hơn, có thể dẫn tới tính trạng xuất huyết dạ dày dữ dội gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol, sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng liều thuốc.
Không tắm và ngâm người trong nước quá lâu: Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân hoàn toàn có thể tắm rửa bình thường. Tuy nhiên, cần tránh tắm và ngâm người trong nước quá lâu. Tuyệt đối không sử dụng nước lạnh để tắm và gội đầu bởi nó có thể làm cho tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn.
Với trường hợp sốt xuất huyết hạ tiểu cầu, người bệnh cần tránh kỳ cọ mạnh khi tắm bởi điều này có thể gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ, cực kỳ nguy hiểm.
Trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, nên hạn chế việc tắm gội bởi nó sẽ làm cho thành mạch giãn mạnh, tình trạng xuất huyết có thể trầm trọng hơn. Tốt nhất bạn chỉ nên dùng khăn ấm để lau người.
Không uống nước ngọt: Bệnh sốt xuất huyết cần kiêng gì? Đồ uống ngọt như nước soda hay mật ong, các loại đường tự nhiên,... đều không nên sử dụng. Việc tiêu thụ đường sẽ khiến cho các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm hơn, bệnh càng nặng hơn, lâu khỏi. Bên cạnh đó, caffeine, rượu bia, thuốc lá,... cũng là những thứ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nên tránh.
Không ăn đồ cay nóng: Khi bị bị sốt xuất huyết sức đề kháng của bệnh nhân sốt xuất huyết bị suy giảm, năng lượng cơ thể vì thế mà cũng bị hao hụt đi phần nào. Việc ăn các món đồ cay nóng không chỉ khiến cho cơ thể của bạn mệt mỏi hơn, bệnh thêm nặng mà còn ảnh hưởng đến khả năng hồi phục sức khỏe.
Hạn chế ăn các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ: Khi bị sốt xuất huyết, các thực phẩm hay thức uống có màu sẫm đi vào cơ thể sẽ khiến cho phân người bệnh có thể bị nhuộm màu tối. Điều này sẽ khiến các bác sĩ khó phân biệt với phân có lẫn máu trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa.
Một số lưu ý "vàng" khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
- Nên uống nhiều nước. Có thể uống nước Oresol để bù điện giải cho cơ thể.
- Thường xuyên đo thân nhiệt để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt.
- Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton.
- Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể. Nếu sốt cao, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt.
- Tránh dùng các loại thuốc như Aspirin hay Ibuprofen để hạ sốt vì những hoạt chất trong các loại thuốc này có khả năng gây xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm. Thay vào đó, bạn nên dùng Paracetamol theo chỉ định của bác sĩ.
- Chỉ trong trường hợp bệnh nhân sốt trên 38.5 độ C mới nên dùng thuốc hạ sốt. Mỗi lần uống thuốc cần cách nhau ít nhất 4 đến 6 tiếng.
Trúc Chi (t/h theo VTC News, Lao Động, Phụ Nữ Việt Nam)