Khi tiếng còi trận chung kết Copa America 2021 vang lên, người ta thấy Lionel Messi quỳ xuống sân, với hai tay ôm mặt nghẹn ngào. Những lời chỉ trích về một siêu sao bóng đá cấp CLB, nhưng không thể giúp quê hương đạt danh hiệu cuối cùng đã tan biến.
Và có thể là một cái thở phào. Bởi anh hiểu ở tuổi 34, anh không còn cơ hội để vô địch một giải đấu lớn nữa. Nhất là với đội hình của Argentina như hiện tại.
7 năm trước, Argentina mang tới World Cup 2014 một hàng công mà bất kì ai trong số đó đều xứng đáng đá chính ở các đội tuyển khác. Họ có Gonzalo Higuain, người ghi 24 bàn sau 46 trận cho Napoli, Sergio Agüero với 28 pha lập công chỉ sau 34 trận và tất nhiên là có Messi, người ghi tới 41 bàn và có 14 pha kiến tạo sau 46 trận cho Barcelona. Ngay cả những người xác định sẽ ngồi dự bị như Rodrigo Palacio cũng có 19 bàn ở mùa giải 13/14.
Trong khi đó, HLV Lionel Scaloni mang đến Copa America 2021 một hàng công với chất lượng kém hơn hẳn. Angel Di Maria và Agüero vẫn còn đó, nhưng hiện đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Những Angel Correa (9 bàn/48 trận), Joaquin Correa (11 bàn/38 trận) hay Paulo Dybala (5 bàn/26 trận) không thể sánh với những đàn anh về khả năng săn bàn. Ngay cả người có phong độ cao nhất, Lautaro Martinez, người vừa giành chức vô địch Serie A với Inter Milan, cũng chỉ ghi 19 bàn sau 48 trận.
Tìm kiếm lớp kế cận là điều chưa từng khiến họ phải đau đầu trong quá khứ, bởi từ lâu Argentina đã được coi là địa chỉ đỏ của các giải đấu lớn nhất châu Âu để tìm kiếm tài năng.
Hãy lấy Di Maria làm ví dụ. Anh nổi nhanh đến mức sau khi giúp Argentina vô địch U20 World Cup 2007 ở Canada, anh chỉ chờ chiếc máy bay chở đội hạ cánh xuống thủ đô Buenos Aires, để lập tức lên chiếc máy bay khác đang chờ sẵn với đích đến là châu Âu.
Điểm dừng chân đầu tiên của Di Maria là Benfica, chặng khởi đầu trong hành trình đưa anh tới Real Madrid, Manchester United và giờ là PSG. Anh không phải thành viên đầu tiên trong nhóm cầu thủ trẻ đó trải qua hành trình vượt đại dương. Trong vòng một năm, 11 thành viên trong đội, bao gồm cả Agüero đã được kéo ra khỏi Argentina.
Đây không phải điều khó lí giải với một đất nước từng vô địch giải U20 World Cup như cơm bữa vào các năm 1995, 1997, 2001 và 2005. Ở mỗi năm chúng ta đều có thể lấy ra vài cái tên nổi bật: Esteban Cambiasso và Pablo Aimar từ đội hình năm 1997; Nicolas Burdisso, Maxi Rodríguez và Javier Saviola năm 2001; Fernando Gago, Pablo Zabaleta và tất nhiên là Messi từ đội hình vô địch trên đất Hà Lan năm 2005. Tức là Argentina luôn có một nguồn cung cấp dồi dào những cầu thủ tài năng như những cây lúa chín, chỉ chờ người ta đến thu hoạch.
Thế nhưng, đã có những sự đổi thay. Một thập kỉ trước, 47 cầu thủ Argentina thi đấu tại Serie A của Ý; mùa này, chỉ có 19 cầu thủ được đăng kí. Năm 2014, Premier League sử dụng 23 cầu thủ người Argentina; mùa này giảm xuống còn 9.
Nguồn cơn cho câu chuyện lại đến từ một sự việc rất nhỏ nhặt: Cách đây vài năm, hai tuyển trạch viên của F.C. Copenhagen, đội bóng hàng đầu Đan Mạch, đã đến Avellaneda, một thành phố nằm ngay phía nam Buenos Aires để xem giò một cầu thủ triển vọng đang chơi cho Racing Club. Vấn đề duy nhất là họ không thể tìm ra cách, để vào sân vận động.
Ở châu Âu, có một thỏa thuận ngầm giữa các CLB để đưa ra những đặc cách nhất định cho các tuyển trạch viên: vé bổ sung nhằm cung cấp một vị trí thuận lợi, thường ở những khu vực yên tĩnh của sân vận động như phòng báo chí. Công tác tuyển trạch, trái lại luôn trở nên phức tạp hơn một chút ở đất nước Nam Mỹ.
Cuối cùng, hai tuyển trạch viên Đan Mạch - với các cuộc gọi và email của họ đến đội bóng đều không được trả lời - không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua vé và ngồi cùng những người hâm mộ phía sau khung thành. Đó không phải là nơi tốt nhất để đánh giá một cầu thủ tiềm năng.
Racing Club sau khi biết chuyện đã sửa sai, nhưng nhìn chung việc này luôn trở nên phức tạp ở Argentina. Nó trái ngược không chỉ với châu Âu, mà còn ngược hẳn với đại kình địch Nam Mỹ của họ, Brazil.
Brazil từ lâu đã trở thành đất nước xuất khẩu cầu thủ tốt nhất thế giới. Vào tháng 5/2020, báo cáo của CIES Football Observatory cho thấy có 1535 người Brazil chơi bóng đá chuyên nghiệp ngoài biên giới đất nước. Tất nhiên, Argentina chưa bao giờ đạt tới con số như vậy, nhưng cách đây không lâu, họ đã tiến rất gần tới đó.
Trên thực tế, trong năm 2014, Argentina đã bán nhiều cầu thủ ra nước ngoài hơn so với Brazil. Giờ đây, khi dây chuyền sản xuất của Argentina đã sụp đổ - CIES nhận thấy rằng họ chỉ xuất khẩu 78 cầu thủ vào năm 2019, số cầu thủ Brazil được đi ra nước ngoài thi đấu tiếp tục tăng.
Các nhà tuyển dụng ở châu Âu cho rằng có hai lí do: Một, tiêu chuẩn huấn luyện cầu thủ trẻ ở Brazil được cho là ngang bằng với tiêu chuẩn hiện có ở châu Âu, điều Argentina chưa làm được và hai, làm việc với các CLB Brazil tỏ ra dễ dàng hơn nhiều. “Họ mời bạn vào, cho bạn một chuyến tham quan học viện, mời bạn một ly cà phê, nói chuyện với bạn về các cầu thủ,” trưởng bộ phận tuyển dụng của một đội bóng lớn ở châu Âu cho biết. “Việc làm ăn trở nên đơn giản hơn“.
Sự khác biệt về kết quả giữa hai nước trở nên rõ như ban ngày. Cho đến năm 2014, có nhiều người Argentina ở Serie A hơn người Brazil, từ năm 2014 đến 2018 ở Premier League cũng vậy. Giờ đây, ngay cả ở Tây Ban Nha, nơi nhờ có ngôn ngữ chung giúp các cầu thủ Argentina ổn định cuộc sống ở đó dễ dàng hơn rất nhiều, thì người Brazil cũng đang vươn lên. Năm 2018, có 39 cầu thủ Argentina thi đấu tại La Liga và 21 cầu thủ Brazil. Mùa giải này, sự phân chia đã được thu hẹp đáng kể: 29 người Argentina và 16 người Brazil.
Thật khó tin khi khả năng tiếp cận cầu thủ lại là yếu tố quyết định phải không? Trong khi các CLB xuất sắc nhất của Brazil mời các tuyển trạch viên tham gia một chuyến tham quan; Argentina, trong một số trường hợp, thậm chí chẳng buồn trả lời email. Trên TTCN, các đội bóng sẽ ưu ái những cầu thủ họ biết nhiều hơn là theo bản năng; họ không thể đánh giá những gì họ không nhìn thấy. Sự thiếu hụt lứa kế cận của Argentina không phải vì tài năng, mà là do sự thiếu tổ chức.
Argentina chưa bao giờ ngừng sản sinh những cầu thủ giỏi. Nhưng cách thức tiếp thị của họ chẳng khác gì tổ kén, vô tình giữ chặt những chú bướm muốn cất cánh bay đi.