GS Hà Đình Đức có những nhận định nhẹ nhàng hơn: "Thế hệ trẻ ngày nay được tiếp cận với kiến thức khoa học hiện đại của thế giới nhờ công nghệ thông tin toàn cầu nên trình độ được nâng cao phục vụ tốt cho công việc của họ trên các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Đó là điều đáng mừng. Nhưng cũng không ít bạn trẻ lại dựa vào đó cho rằng mình hơn những người xung quanh, đánh giá mình quá cao và cho rằng mức lương Nhà nước trả cho mình là chưa xứng đáng với công sức bỏ ra. Từ đó dẫn đến tình trạng coi thường mọi người nên dễ bị cô lập".
GS Đức cũng đưa ra góp ý: "Theo tôi các bạn trẻ đó nên biết rằng mình có được vốn kiến thức đó chính là từ những bài học đầu tiên khi bước vào trường học và cả một quá trình được đào tạo của biết bao nhiêu thầy cô ở các bậc giáo dục, đó là chưa kể những gì mình thụ hưởng từ xã hội.
Vì vậy nên đặt câu hỏi mình đã đóng góp gì cho xã hội để đền đáp công ơn đó thì sẽ tự kiềm chế được sự tự đánh giá mình quá cao. Còn những người có tài năng vượt trội có đóng góp lớn cho đất nước tôi tin chắc Nhà nước sẽ trả lương một cách xứng tầm với những đóng góp đó. Đây là ý kiến cá nhân đóng góp chân thành với các bạn trẻ".
GS Hà Đình Đức
Vì "cái tôi" quá lớn, nó dần lấn át "cái ta" người trẻ đã quên đi trách nhiệm của mình với cộng đồng. Sự ích kỷ, lối sống vì bản thân, không biết hy sinh thể hiện khá rõ, dần dần, "cái tôi" trở thành "cái... thôi" đáng xấu hổ. Đã nhiều lần báo chí đưa tin về các vụ học sinh đánh nhau, nạn nhân chịu trận dưới sự quát tháo, chửi mắng và đánh đập của bạn mình, một số bạn khác ở xung quanh đứng nhìn hoặc... cổ vũ, một số khác quay clip đăng lên mạng. Hoặc không ít trong chúng ta đã gặp cảnh một đám người xúm xít quanh một vụ tai nạn. Không ít nam thanh nữ tú đứng chỉ trỏ, bàn luận hoặc hững hờ bỏ đi mặc cho người bị nạn (nhiều khi là người lớn tuổi) đau đớn nằm dưới đường.
Hay khi nghe tiếng kêu "ăn cắp, ăn cắp" vang lên lạc lõng giữa phố đông, người đi đường (trong đó có không ít bạn trẻ) nhìn nạn nhân với con mắt thương hại, nhưng không ai có một hành động khả dĩ nào để ngăn chặn tên tội phạm hoặc giúp đỡ. Người trẻ ngại va chạm, ngại nêu chính kiến ở những chỗ cần thiết, ngại đứng ra bảo vệ lẽ phải, ngại…làm đúng (khi tất cả cùng sai, theo đúng phương châm: "Xấu đều còn hơn tốt lỏi"). Chính sự thỏa hiệp đó đã làm cho cái xấu ngày càng lộng hành và các giá trị chuẩn mực dễ dàng bị đảo lộn.
Chia sẻ về vấn đề này, GS Hà Đình Đức nói: "Hiện nay khá nhiều bạn trẻ sống theo kiểu gió chiều nào xoay chiều ấy, lười lao động, dễ dàng chấp nhận cái sai, chỉ cốt để yên thân với phương châm "ta không đụng đến mi, mi đừng đụng đến ta". Đây là điều tệ hại sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội, bởi vì thế hệ trẻ là tương lai của xã hội. Xã hội phát triển hay trì trệ có phần quyết định bởi thế hệ trẻ".
Đồng cảm với người trẻ, NSND Thanh Hoa phân tích: "Các bạn trẻ hiện nay bị động trong việc lựa chọn, các bạn có quá nhiều lựa chọn và loay hoay không biết chọn thế nào cho đúng. Điều này có nguồn gốc từ gia đình, khó có thể trách các bạn trẻ, các bạn phải đón nhận "ồ ạt" quá nhiều thứ cùng một lúc nên rất dễ có sai sót. Nhưng tôi nghĩ, các bạn ấy đủ thông minh để nhận ra và trở về đúng hướng nếu có đi sai".
Cần phải biết mình là ai Chuyên viên tâm lý Ngô Toàn chia sẻ: "Từ thực tế cuộc sống, mọi người đều cảm nhận được một điều là không có ai thực sự thành công hay hạnh phúc chân chính cho đến khi người đó đạt được một mức độ nhất định của sự tự chấp nhận bản thân. Có lẽ những người khốn khổ nhất và bị hành hạ nhất trên thế giới là những kẻ không ngừng phấn đấu để chứng minh với bản thân họ và với người khác rằng, họ là một cái gì đó khác hơn những gì họ cơ bản có được. Thành công, đến từ sự tự biểu đạt, thường lảng tránh đối với những người nỗ lực và căng thẳng để được là ai đó; trái lại, nó quay về với người có sự hoà hợp riêng khi người đó ước ao thư giãn và là chính mình". |
Thanh Xuân