Chúng tôi về xã Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) khi không khí đã ngập tràn sắc xuân trên những ruộng đào, quất đang nở rộ hai bên đường. Thấy khách vào tới cổng, nhiều người già ở trung tâm Thiên Đức hướng mắt về phía chúng tôi xem có phải người quen không... Nhiều cụ phải len lén với những giọt nước mắt tủi thân khi không gặp được người quen.
Ngày Tết ngóng... con
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức rộng 900m2 với một khu hoàn chỉnh gồm 45 phòng ở, ba hội trường và một phòng tập phục hồi chức năng, 150 giường với gần 200 người cao tuổi đang sống tại đây. Ngoài trung tâm Thiên Đức, tại Hà Nội có thêm một Trung tâm dành cho người cao tuổi nữa ở huyện Sóc Sơn. Đây là trung tâm được xây dựng theo mô hình của Nhật Bản và của Đức với các khu nhà ở cao cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Ngày giáp Tết, một số người cao tuổi đã trở về cùng con cháu, nhưng cũng còn rất nhiều người già vẫn ở lại đón Tết cùng Trung tâm. Cụ Trần Thị M. (70 tuổi) cho biết: "Tôi quê gốc ở Thanh Hóa, ra Hà Nội ở với con, nhưng chúng bận bịu công việc lắm, cứ sáng 7h đi, tối 7h mới về. Có hôm còn chẳng gặp mặt con. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi chủ động bảo con đưa vào đây, bởi ở đây còn có bạn, lúc ốm đau được các bác sĩ, y tá chăm sóc kịp thời. Ba đứa con tôi lúc đầu lưỡng lự lắm, vì sợ mang tội "bất hiếu" với mọi người, nhưng tôi vẫn quyết tâm vào đây. Hàng tuần, con cháu vẫn đến thăm nên tôi không thấy buồn. Năm nào, tôi cũng về nhà vào ngày 23 tháng Chạp và lại quay trở lại Trung tâm vào mùng 5 Tết. Người cao tuổi ở đây sống với nhau tình cảm lắm, coi nhau như chị em trong nhà…".
Không may mắn như cụ M., đã ba năm nay, cụ Trần Văn H. (quê Vĩnh Phúc) chưa được về nhà ăn Tết. Cụ ngậm ngùi bảo tôi: "Vào được 5 năm thì hai năm đầu tôi được con cháu đưa về ăn Tết, hồi đó vui lắm, vì xa gia đình cả năm trời mới được gặp mặt, các cháu ríu rít với ông suốt ngày. Mùng 4 Tết, tôi còn được các cụ trong hội Người cao tuổi địa phương tặng quà mừng thọ 70 tuổi. Đã ba năm nay, tôi vẫn luôn… ngóng con đến đón về ăn Tết. Con trai tôi là một hiệu trưởng trường cấp ba, thấy bảo bận lắm. Ngày thường thì không sao, nhưng ngày Tết tôi cũng muốn con cháu đón về để quây quần bên mâm cỗ giao thừa".
Những người già trong trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức
Các y tá ở đây cho biết, người cao tuổi ở Trung tâm được chăm sóc rất tận tình. Hàng ngày, các cụ được ăn uống, tập thể dục, kiểm tra sức khỏe định kỳ nên nỗi lo về bệnh tật cũng đỡ. Các buổi sáng, các cụ được xoa bóp, bấm huyệt và trò chuyện cùng nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà. Tâm lý chung của người cao tuổi là ngày Tết muốn được gần con cháu nên trong Trung tâm có cụ được người nhà đón về mà mình chưa được về, có cụ nước mắt rơm rớm tủi thân. Vì thế, các y tá phải động viên các cụ, tạo không khí vui vẻ để những người già trong trung tâm không thấy chạnh lòng.
Ngoài những người già được đưa vào trung tâm do con cháu không có điều kiện chăm sóc thì cũng có rất nhiều đại gia đưa bố mẹ đẻ vào trung tâm dưỡng lão để trốn tránh trách nhiệm. Như cụ Nguyễn Thị A. (65 tuổi), nhà cụ có bốn người con, thì hai người ở nước ngoài, hai người còn lại là những người có địa vị trong xã hội, thế nhưng đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc mẹ. Họ đành gửi mẹ vào Trung tâm dưỡng lão, ba tháng mới vào thăm một lần. Hai năm nay thì "bặt tin", tiền đóng góp hàng tháng, họ gửi qua tài khoản của Trung tâm…
Vẫn "thèm" những bữa cơm gia đình
Chúng tôi có mặt tại trung tâm Thiên Phúc vào lúc 5h chiều, cũng là giờ ăn cơm của người cao tuổi. Tại nhà ăn, các cụ được phục vụ theo nhu cầu, có cụ ăn cơm với thức ăn bình thường, có người ăn cơm nát, người ăn cháo, người lại dùng cháo xay thành nước để ăn bằng ống hút… Các cô y tá trẻ lần lượt đeo những chiếc yếm màu xanh lá cây cho những cụ phải ngồi hoặc nằm trên xe lăn. Một số cụ không thể tự ăn được nên các cô y tá kiên nhẫn đút từng thìa cháo…
Để nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi, vào những ngày lễ như 20/10, 8/3 hay 20/11, người cao tuổi ở đây được giao lưu với học sinh mầm non và các sinh viên đại học, trung cấp trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, trung tâm cũng tổ chức các hoạt động như: Mừng sinh nhật các cụ theo tháng, các câu lạc bộ thơ, đánh cờ, khiêu vũ, câu lạc bộ sống vui - khỏe - có ích hay buổi đi dã ngoại, đi lễ chùa.... Đây chính là các liệu pháp tâm lý giúp các cụ hòa mình với cộng đồng và giảm thiểu chứng trầm cảm.
Ngoài khu vui chơi, khu chăm sóc tích cực của trung tâm được đầu tư thiết bị y tế đầy đủ với hệ thống ôxy trung tâm, máy tạo ôxy, máy hút đờm…, đảm bảo xử lý ban đầu cho các cụ khi có tai biến thứ phát xảy ra và chuyển tới các bệnh viện chuyên khoa điều trị kịp thời. Ở đây, người cao tuổi sẽ được theo dõi 24/24h và chăm sóc một cách tốt nhất để có thể mau chóng hồi phục sức khỏe. Trung tâm còn thiết kế một căn hộ nhỏ dành cho một cặp vợ chồng cao tuổi tên T., đó là gồm một phòng ngủ, một phòng khách, phòng ăn, một buồng tắm có bồn thư giãn. Phòng của ông bà T. có một cô y tá riêng luôn ở bên cạnh. Ông T. bảo, nhà ông bà có sáu người con, thì ba người đi nước ngoài, ba người ở Việt Nam. Ban đầu, hai vợ chồng ông ở riêng, thuê người về giúp. Về sau, hai ông bà lên ở với cậu con trai út ở Hưng Yên. Tuy nhiên, cậu này đối xử với bố mẹ không tốt, vì thế hai vợ chồng ông quyết định vào trung tâm để sống nốt quãng đời cuối cùng. Ông bà T. cho biết, dù ở đây có được chăm sóc tận tình, nhưng vẫn thèm một bữa cơm sum họp gia đình ngày Tết.
Mỗi người già vào Trung tâm là một hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên khi đã vào đây họ đều nhận được những tình cảm chân thành từ phía ban giám đốc và các y, bác sĩ. Nhiều người cao tuổi cho chúng tôi biết, họ không muốn về nhà, bởi đây chính là ngôi nhà thứ hai khiến họ sống có ý nghĩa hơn. Cộng đồng người già ở Trung tâm luôn quan tâm, sẻ chia mọi vui buồn khiến cho nhiều y tá ở đây cũng rất cảm động.
Cụ Trần Văn P. (73 tuổi) cho biết: "Một khi đã vào đây thì đa phần người già đều có nỗi khổ riêng và ít hay nhiều thì cũng cảm thấy cô đơn khi tuổi "xế chiều" mà không được quây quần bên con cháu. Tuy nhiên, vào đây một thời gian thì sẽ thấy quen với những người bạn già ở đây. Hồi đầu vào đây, tôi cũng "sốc" lắm, vì con làm giám đốc một công ty lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau này tôi hiểu là chúng quá bận, không có thời gian chăm sóc nên tôi cũng nguôi ngoai, ngày giỗ, hay lễ tết, con cháu đều mang ô tô đến đón về nhà là vui rồi. Nhiều cụ ở đây mấy năm rồi còn không về thăm nhà…".
Tại các nước phát triển, việc đưa người già vào các viện dưỡng lão là chuyện bình thường, nếu con cái không còn đủ thời gian lo cho cha mẹ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các Trung tâm dưỡng lão đúng nghĩa chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại mới chỉ dừng lại ở quy mô là nơi trông giữ người già bệnh tật, đau yếu, cô đơn, không nơi nương tựa… Vì thế, nên hay không nên đưa cha mẹ già đến viện dưỡng lão là tùy hoàn cảnh, nhận thức của từng gia đình. Bởi mục đích cuối cùng của chúng ta là muốn cha mẹ già sẽ được sống thoải mái, nhất là sau những năm mưu sinh nuôi con cái khôn lớn…
Người già thường rất nhớ con cháu Ông Nguyễn Tuấn Ngọc (Giám đốc trung tâm Thiên Đức) ví nơi đây giống như một xã hội thu nhỏ. Ông cho biết, ở trung tâm có rất nhiều cụ có hoàn cảnh đáng thương và hầu hết những người vào đây đều muốn có một chỗ dựa tinh thần, bởi họ rất cô đơn. Nhiều cụ bà ngày mới vào trung tâm, cứ chiều đến là nhớ con, nhớ cháu chảy nước mắt, khiến các cô y tá phải dỗ dành. Trung tâm không chỉ là ngôi nhà thân thiết của người cao tuổi mà còn là một "bệnh viện trực chiến" mỗi khi có cụ "trái gió trở giời". |
Lê Anh - Lạc Thành