Khi cha mẹ già yếu, qua đời, trẻ tự kỷ sẽ sống ra sao?

Khi cha mẹ già yếu, qua đời, trẻ tự kỷ sẽ sống ra sao?

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 4, 29/03/2017 15:31

Là người am hiểu về hội chứng tự kỷ và có nhiều năm là Phó chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, chị Trần Thị Hoa Mai (HN) cho rằng tương lai khi lớn lên của những trẻ tự kỷ mới thật sự là điều đáng lo.

Theo chị Hoa Mai, mức độ quan tâm đối với người tự kỷ ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở một số cá nhân, đơn vị, nhóm cộng đồng sớm có sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ với người tự kỷ.

“Hướng nghiệp, việc làm, các mối quan hệ xã hội, tâm sinh lý của con phải giải quyết như thế nào? Khi cha mẹ già yếu, qua đời, con sẽ sống ra sao? đó là điều chúng tôi lo lắng nhất”, chị Mai bộc bạch.

Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, cụ thể như Philippines, người tự kỷ được coi là người khuyết tật cần hỗ trợ sớm và có chính sách hỗ trợ riêng.

Trong hai chuyến đi Philippines năm 2013 và 2016, chị đã khảo sát thị tứ Mandaluyong City, thị trấn nông nghiệp Carmona cùng vùng ngoại thành Los Banos và chị nhận thấy trẻ tự kỷ ở đây được quan tâm hỗ trợ từ rất sớm.

Theo đó, ở Philippines, các nhân viên xã hội sẽ đến từng nhà trong phạm vi vùng phụ trách của họ để khảo sát lập danh sách trẻ khuyết tật. Trẻ sẽ được chuyển đến đánh giá với bác sĩ chuyên khoa, sau đó được theo chương trình can thiệp sớm tại các trung tâm can thiệp công. Các thành viên gia đình người tự kỷ cũng được tập huấn phương pháp can thiệp và nuôi dạy con.

Gia đình - Khi cha mẹ già yếu, qua đời, trẻ tự kỷ sẽ sống ra sao?

 Chị Trần Thị Hoa Mai (Hà Nội) nhiều năm giữ vai trò là Phó chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam.

Tại trường học công lập ở Mandaluyong City, trẻ khuyết tật có các giờ học cá nhân tại trường. Chương trình của các em giảm thiểu phần kiến thức, tập trung các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và dạy nghề. Trường có căng tin do các em khuyết tật làm việc, cung cấp đồ ăn nhẹ cho học sinh, giáo viên và phụ huynh của trường. Và chính quyền cũng tạo công việc làm và thu mua những sản phẩm như túi giấy, hoa giấy, đồ thủ công...do người tự kỷ làm.

Trong khi đó ở nước ta, đa số mọi người đang hiểu nhầm rằng người tự kỷ không có ích cho xã hội, không thể làm được những việc có ích như người bình thường. Chính vì định kiến này mà những đứa trẻ tự kỷ ở Việt Nam khi lớn lên hầu hết đều không thể có việc làm để tự nuôi sống bản thân mình, trở thành gánh nặng cho gia đình. 

Trong một buổi ra mắt sách của NXB Kim Đồng, nhà văn Trang Hạ đặt ra câu hỏi nhức nhối: Lớn lên các trẻ tự kỷ sẽ làm gì? Cha mẹ các em có thể cho các em vào đời với công việc gì? Và chị tự trả lời: Nếu xã hội cứ tiếp tục nhìn người tự kỷ như bây giờ thì lớn lên các em này sẽ chẳng thể tìm được một công việc phù hợp để sống. Thực tế các em có thể làm một số công việc nào đó nhưng sẽ không có ai dám thuê một người tự kỷ làm việc.

Chị Hồng Hạnh (Bắc Ninh) có con gái 16 tuổi bị tự kỷ cho biết, vợ chồng chị "mất ăn mất ngủ" thường xuyên vì lo cho con gái. Chị từng dẫn con đến xin học nghề tại một vài trung tâm nhưng đều bị từ chối.

"Nuôi con, ai cũng đếm từng ngày mong con khôn lớn. Thế nhưng với chúng tôi, con lớn từng ngày cũng đồng nghĩa với nỗi lo của chúng tôi tăng thêm theo cấp số nhân. Ngoài nỗi lo sau này khi vợ chồng già yếu, làm sao con tự chăm sóc được cho mình, thì lại thêm nỗi lo, con lớn lên phải đối diện với quá nhiều nguy cơ, cạm bẫy. Nhiều khi ngồi ước con đừng lớn nhanh và mình đừng già đi", chị Hạnh trải lòng.

Người tự kỷ ở các nước được chăm sóc và tạo việc làm ra sao?

Khái niệm có một người tự kỷ trong nhà nghĩa là người thân sẽ phải chăm sóc, nuôi dưỡng cả đời dường như giờ đây đã không còn đúng nữa. Rất nhiều người tự kỷ trên thế giới đã nỗ lực để có được một công việc nuôi sống bản thân.

Và quan trọng hơn rất nhiều nhà tuyển dụng đã nhận ra rằng đằng sau vẻ lập dị, ngại giao tiếp của nhiều người tự kỷ là những phẩm chất rất tốt cho công việc.

Thậm chí, những nhân viên mắc tự kỷ còn làm được nhiều điều mà người bình thường khó làm được. Trong đó phẩm chất đáng kể nhất là năng lực tập trung cao hay tư duy rất tốt.

Với những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày mà phần đông mọi người xem là nhàm chán thì người tự kỷ lại có thể đảm đương.

"Tôi có một nhân viên mà ngày nào anh ta cũng phải ngồi đúng một chiếc ghế, nếu không anh ta sẽ rất khó chịu", trưởng bộ phận Duke Robertson của ngân hàng Mỹ ở Dallas cho hay.

Gia đình - Khi cha mẹ già yếu, qua đời, trẻ tự kỷ sẽ sống ra sao? (Hình 2).

Gerald Franklin, một người mắc hội chứng tự kỷ từ nhỏ hiện là nhà phát triển trang tìm kiếm việc hiệu quả cho người tự kỷ.

 Tuy nhiên, cũng theo nhà quản lý này, năng suất lao động của nhân viên tự kỷ đó rất lớn vì họ hoàn toàn tập trung cho công việc ở mức cao lý tưởng.

Cũng vì lẽ đó nên ngân hàng Mỹ tại Dallas đã rất chú ý đến việc tuyển nhân viên là người tự kỷ để xử lý giấy tờ. Chỉ với 75 nhân viên mà có thể xử lý cả khối lượng lớn giấy tờ cho cả thành phố.

"Cứ nhìn bong bóng nhà đất và tài chính đã qua thì rõ. Một người tự kỷ đã chỉ ra chính xác vấn đề sẽ xảy ra thế nào. Đó là điều người thường không dễ dàng làm được", ông Leslie Long, Phó chủ tịch nhóm hỗ trợ người tự kỷ Autism Speaks chia sẻ điều này khi nói về trường hợp của tiến sĩ Michael Burry, nhà vật lý và quản lý đầu tư từng có mặt trong sách The Big Short, sau đó được dựng thành phim vì những khả năng phi thường.

Và ngân hàng Mỹ ở Dallas cũng không phải là trường hợp hiếm hoi nhận người tự kỷ vào làm việc tại Mỹ.

Theo NPR, các công ty lớn như Microsoft, Walgreens, Capital One, AMC Theater và Procter & Gambler cũng cho tuyển nhân viên mắc chứng tự kỷ.

Giám đốc Specialisterne USA Mark Grein, chuyên hỗ trợ người tự kỷ tìm các công việc phù hợp cho biết, sử dụng nhân viên tự kỷ không hề khó khăn, chỉ cần điều chỉnh ánh sáng hợp lý để tránh kích thích quá mức và cho phép nghỉ giải lao nhiều hơn.

Tính đến năm 2016, Specialisterne đã đem lại việc làm cho hàng trăm người tự kỷ và ông Mark Grein hy vọng con số này có thể lên tới 250.000 người.

Dẫu vậy, hiện tại có tới 40% người tự kỷ ở Mỹ không có việc làm hay thậm chí hoàn thành việc học tập, theo khảo sát của nhà nghiên cứu Anne Roux, từ viện Tự kỷ A.J Drexel tại Philadelphia. Và điều này khiến nhiều nhà quản lý lao động nước này vẫn trăn trở tìm hướng giải quyết cho số người tự kỷ thất nghiệp.

Mỹ cũng không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến vấn đề việc làm cho người tự kỷ. Nhật Bản là một điển hình. Ngoài việc dành một khoản tài chính lớn để trợ cấp cho những người khuyết tật nặng (trong đó có người tự kỷ), Nhật Bản còn ban hành nhiều đạo luật quy định các doanh nghiệp phải tiếp nhận lao động là người khuyết tật.

Và các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến hỗ trợ người khuyết tật thì sẽ được giảm thuế, hoặc được sử dụng đất công, được vay vốn từ các quỹ hỗ trợ lãi suất thấp… Các tập đoàn lớn của Nhật như Toshiba, Mitsubishi, Hitachi, Sony  đều có chính sách dành cho lao động là người khuyết tật làm việc.

Xem thêm >> Mẹ đơn thân gian nan tìm trường vì con mắc chứng tự kỷ

Đào Vũ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.