Nhập hàng gì cũng được?
Mới đây, chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư (cục Hải quan TP.HCM) phối hợp với Công an TP.HCM phát hiện và tạm giữ lô hàng nhập lậu hàng trăm chiếc máy lạnh.
Theo đó, đối tượng buôn lậu lợi dụng chữ ký số của một doanh nghiệp uy tín trên địa bàn TP.HCM để đứng tên tờ khai nhập khẩu. Thậm chí, đối tượng này còn giả mạo chữ ký của đại lý để làm thủ tục khai báo. Hiện vụ việc này đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Vụ việc điển hình nhất về tình trạng này xảy ra tại công ty TNHH MB Việt Nam (địa chỉ tại TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Theo đó, công ty này tiến hành mở tờ khai hải quan tại chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư (cục Hải quan TP.HCM) để nhập lô hàng là nguyên liệu may mặc, trị giá hơn 250 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra thực tế thì đó là hàng điện tử, điện gia dụng, phụ tùng ô tô, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... với tổng giá trị lên tới 6 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, Đoàn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của công ty đã lợi dụng việc được giao quản lý và sử dụng chữ ký số, con dấu của chi nhánh công ty MB tại TP.HCM để mở tờ khai, nhập các mặt hàng nói trên.
Từ những vụ việc trên cho thấy, chiêu thức tinh vi trong lợi dụng chữ ký số để trục lợi. Để làm rõ những lỗ hổng trên, trong vai một doanh nghiệp đang cần làm thủ tục hải quan cho lô hàng chuẩn bị nhập về Việt Nam từ Nhật Bản, PV liên lạc với người tên Khoát ở quận 10.
Khoát cho biết: “Nếu hàng là máy lạnh, máy giặt, nồi cơm điện thì phải có giấy chứng nhận hợp quy. Tuy nhiên, hiện có thể nhập về kho (của cảng - PV) rồi mình đưa chứng nhận này sau cũng được, miễn là trong vòng 30 ngày”.
Biết ý định của PV là nhờ một đơn vị khác nhập hàng, Khoát nói: “Cái đó em cũng lo được, khi đó sẽ dùng chữ ký số của đại lý mà em quen đứng ra nhập hàng nhưng anh phải làm các giấy tờ ủy thác. Thủ tục này cũng lôi thôi lắm”.
Nói rõ thêm, PV muốn nhập hàng điện máy, điện lạnh đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu), Khoát cho biết: “Để em suy nghĩ và tìm cách, nếu ok sẽ báo lại. Nhưng làm như thế này rất nguy hiểm”.
Một lát sau, Khoát nói dạng tư vấn: “Tốt nhất anh nên đưa chữ ký số cho một đại lý nào đó hoặc thuê người đứng ra nhập hàng cho. Nếu bị phát hiện thì cứ đổ lỗi là bị họ nhập hàng đó mà anh không biết”.
Tương tự, để tìm đại lý hay các dịch vụ hải quan, xuất nhập khẩu thì không hề khó khăn. “Bên em sẽ lo trọn gói, anh cứ gửi toàn bộ thông tin lô hàng, đưa về đâu, hình thức vận chuyển thế nào rồi em sẽ báo giá cho anh cụ thể. Anh muốn gì cứ nói rõ để bên em xem có xử lý được hay không”, người tên Hùng nhận làm dịch vụ hải quan ở quận 7, TP.HCM cho biết.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của tình trạng dễ bị lợi dụng chữ ký số hiện nay là các doanh nghiệp thường giao cho các đại lý thiếu uy tín, không chuyên nghiệp và nhất là đối với các dịch vụ thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu “ma”, không được cấp chứng nhận là đại lý...
Dễ giao trứng cho ác
Hiện nay, dịch vụ xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan xuất hiện tràn lan nhưng để tìm kiếm đại lý “chính hãng” làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cũng không hề dễ dàng. Thực tế, trong vai một doanh nghiệp đang cần tìm đại lý, PV đã liên hệ với người tên Hải, ở công ty TNHH H.H (quận 1, TP.HCM).
“Để nhập lô hàng như anh yêu cầu cần phải có tờ khai nhập khẩu, chuẩn bị các mẫu tờ khai, biểu thuế, phụ lục tờ khai... Đã giao cho bên em thì anh cứ yên tâm về các khoản này nhé”, Hải khẳng định.
Tương tự, PV liên hệ với đại lý M.N ở quận Tân Bình, được người tên Toàn cho biết: “Anh chỉ cần đưa ra chủng loại hàng hóa, số lượng nhập, xuất khẩu, thời gian, địa điểm, nếu cần kho bãi, tôi cũng đáp ứng luôn. Sau khi có thông tin, tôi sẽ báo giá cho anh ngay”.
Tuy nhiên, khi hỏi có phải đại lý được hải quan cấp phép hay không, Toàn nói: “Nói thật tôi làm một mình, làm lâu năm rồi nhưng anh cần đại lý thì tôi cũng lo cho anh. Nếu làm ở cấp đại lý thì phải ký hợp đồng và phí cao hơn, tùy vào thủ tục anh cần làm như thế nào”, Toàn tư vấn.
Cũng trong vai một doanh nghiệp, khi liên hệ với trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin (cục Hải quan TP.HCM), PV được cho biết: “Nếu em đang ở TP.HCM thì tìm kiếm đại lý trên google, bên chị không thể cung cấp danh sách này”.
PV hỏi lại, vậy làm sao để biết đâu là đại lý được hải quan cấp chứng nhận, người này nói: “Dữ liệu này là không thể cung cấp ra ngoài, nếu muốn thì em liên hệ với tổng cục Hải quan”.
Liên lạc đến tổng cục Hải quan, qua tổng đài hỗ trợ về thông tin này, PV được người trực điện thoại trả lời: “Nếu anh ở TP.HCM thì liên hệ với cục Hải quan TP”.
PV trình bày Hải quan TP.HCM yêu cầu liên hệ với Tổng cục thì người này cho biết: “Nếu Hải quan TP.HCM trả lời như vậy thì anh làm công văn gửi cho Tổng cục, sau đó lãnh đạo sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan trả lời. Còn dữ liệu này chúng tôi không thể cung cấp”.
Khi xác minh một số công ty tự nhận mình là “đại lý” được hải quan cấp chứng nhận, PV cũng không biết căn cứ vào đâu. Thực tế, tìm kiếm trên trang website của cục Hải quan TP.HCM thì không thấy danh sách các đại lý. Còn truy cập vào trang website của tổng cục Hải quan, PV tìm thấy “danh sách đại lý hải quan” nhưng rất cũ, chỉ “tính đến ngày 31/10/2013”. Theo đó, tại TP.HCM có hơn 100 cơ sở được công nhận là đại lý.
Rõ ràng, ngay cả doanh nghiệp muốn tìm được đại lý hải quan “chính hãng” cũng khó khăn. Điều này có đi ngược lại với chủ trương của ngành hải quan là “nên sử dụng dịch vụ của đại lý làm thủ tục hải quan thông qua hợp đồng đại lý, nếu không trực tiếp thực hiện thủ tục hải quan”. Hơn nữa, tổng cục Hải quan cũng lưu ý “doanh nghiệp không nên sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân không có chức năng làm đại lý thủ tục hải quan”, một khuyến cáo mới đây của ngành hải quan nhấn mạnh.
Theo thông tin mà PV có được, đến nay, tổng cục Hải quan đã cấp chứng nhận cho hơn 600 đại lý hải quan. Trên cả nước, việc các đại lý đứng tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan là chưa cao, chỉ mới ở mức trên 10%. Tuy nhiên, các tờ khai xuất nhập khẩu có bóng dáng của các đại lý, môi giới, “cò” dịch vụ lại chiếm đến 80%. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là khi các doanh nghiệp giao chữ ký số cho các tổ chức, cá nhân này.
“Nhiều doanh nghiệp thuê đại lý nhưng lại chưa nắm rõ vai trò của đại lý, thậm chí có doanh nghiệp giao cả chữ ký số cho đại lý dẫn tới những rủi ro. Nhất là bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng nó để thực hiện hành vi phạm pháp như buôn lậu, gian lận thương mại.
Điển hình như đại lý khai báo sai tên lô hàng hay doanh nghiệp không nhập lô hàng đó. Hoặc ngay cả đối với đại lý, khi giao chữ ký số cho nhân viên nhưng quản lý không chặt đã dẫn đến hậu quả là bị sử dụng sai mục đích, đặc biệt là dùng cho hành vi buôn lậu. Thực tế, thời gian qua, cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện và xử lý một số vụ buôn lậu và gian lận thương mại theo hình thức này”, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết.
Không để bỏ lọt tội phạm Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Việc lợi dụng chữ ký số để buôn lậu thực chất là thủ đoạn của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng này nắm rõ công nghệ, đặc biệt là các kẽ hở của pháp luật để tìm cách tuồn hàng lậu vào Việt Nam nhằm trục lợi bất chính. Việc mạo danh, lợi dụng chữ ký số của các doanh nghiệp uy tín hoặc doanh nghiệp FDI vẫn đang diễn ra, cơ quan hải quan cũng đã và đang phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành điều tra. Qua đó, ngăn chặn các vụ việc buôn lậu và tránh bỏ lọt tột phạm”. |