Người dân địa phương đã được chứng kiến sự vào cuộc quyết tâm và có trách nhiệm của cơ quan điều tra, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương.
Gỗ lậu phát hiện ngổn ngang trong rừng.
Khi phó chủ tịch tỉnh vào rừng...
Câu chuyện mổ xẻ vụ phá rừng chấn động dư luận này được bắt đầu vào một cuộc "vi hành" bất ngờ của ông tân phó chủ tịch UBNB tỉnh. Trước cảnh rừng đầu nguồn Hương Sơn bị tàn phá không thương tiếc, ngày 20/6/2011, ông Lê Đình Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bí mật huy động lực lượng quân đội, biên phòng, công an tháp tùng, rồi đi thẳng vào khu rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Dịch vụ (LNDV) Hương Sơn quản lý nằm trên địa bàn xã Sơn Hồng (Hương Sơn).
Tại đây, đoàn đã phát hiện có 370 lóng phiến gỗ khai thác trái phép được lâm tặc đưa ra khỏi rừng để tiêu thụ. Đoàn đã lập biên bản, giao số gỗ này cho lực lượng kiểm lâm xử lý.
Ngay sau đó, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lập đoàn thanh tra liên ngành giao ông Nguyễn Huy Lợi, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh làm trưởng đoàn. Sau hơn 1 tháng, ông Lợi đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Báo cáo cho rằng, rừng của Công ty LNDV Hương Sơn vẫn sạch, không có gỗ lậu trôi nổi. Thấy báo cáo chưa trung thực, UBND tỉnh tiếp tục lập mới đoàn thanh tra khác và vẫn chính ông Lợi làm trưởng đoàn. Cũng như lần trước, báo cáo của đoàn này vẫn khẳng định là rừng xanh tốt, yên ổn...
Thuê đầu nậu thu gom gỗ lậu?!
Trong thời gian hai đoàn thanh tra trên làm việc, UBND huyện Hương Sơn đã chỉ đạo cơ quan công an huyện, hạt kiểm lâm, phối hợp Đồn biên phòng 565, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.
Cụ thể, ngày 29/6/2011, lực lượng này phát hiện được 34m3 gỗ. Tiếp đến, ngày 21/7/2011, hạt phát hiện thêm 50m3 gỗ trong rừng của Công ty LNDV Hương Sơn. Sự việc này có sự giám sát của ông Lê Anh Tuấn, phó phòng Thanh tra Pháp chế của chi cục.
Ngày 9/8/2011, 54m3 gỗ lậu tiếp tục được phát hiện tại xã Sơn Hồng. Từ ngày 9 - 15/2/2012, Hạt kiểm lâm Hương Sơn phối hợp với lực lượng BĐBP và các cơ quan chức năng của huyện Hương Sơn phát hiệp tiếp 130m3 gỗ lậu tại Tiểu khu 12 thuộc Công ty LNDV Hương Sơn quản lý. Hạt kiểm lâm huyện Hương Sơn đã giao Công ty LNDV vận chuyển số gỗ này ra khỏi rừng để kiểm đếm và xử lý.
Thay vì dùng lực lượng nhân công tại chỗ, Công ty đã ký hợp đồng với một chủ đầu nậu gỗ lậu tên là T. trú tại xã Sơn Lĩnh để đưa gỗ ra khỏi rừng. Theo dư luận, số gỗ lậu bị phát hiện thu giữ không phải của ai khác mà chính là của ba đầu nậu nổi tiếng trong vùng là Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Hữu Huân và T. Rõ ràng, đây là một cách làm mờ ám, có chủ ý của Công ty LNDV, khiến nhiều người lo ngại gỗ lậu sẽ bị biến mất trong quá trình vận chuyển.
Nhận được thông tin này, ngày 1/3/2012, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định giao lực lượng bộ đội biên phòng đóng cửa rừng. Trung tá Võ Trọng Hải, phó chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh nhận nhiệm vụ tổng chỉ huy công tác rà soát, kiểm đếm, thu gom và báo cáo UBND tỉnh xử lý. Đến thời điểm này, số gỗ do lực lượng BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ là 487m3.
Sự vào cuộc đồng bộ
Sau khi báo chí phản ánh về vụ phá rừng trên, ngày 19/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1768/VPCP - KTN gửi Bộ Công an, đề nghị điều tra, xử lý vụ khai thác gỗ trái phép trên theo pháp luật.
Sáng 20/3, đại tá Bùi Đình Quang, phó giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh, thủ trưởng cơ quan CSĐT đã thông báo các văn bản của cấp trên về việc chỉ đạo điều tra việc chặt phá rừng nghiêm trọng tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn. Đồng thời, công bố quyết định của giám đốc công an tỉnh về việc thành lập ban chuyên án với các cơ quan chức năng có liên quan. Chiều cùng ngày, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Sau 50 ngày đêm làm việc tích cực, ban chuyên án đã triệu tập gần 400 đối tượng liên quan để thẩm vấn, đấu tranh. Đến ngày 9/5/2012, CQĐT xác định có 7 đối tượng rõ nhất liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này.
Khoảng 7h sáng cùng ngày, cơ quan CSĐT tiếp cận trụ sở Công ty LNDV Hương Sơn, khởi tố và bắt khẩn cấp Phan Nhật Tân, trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Lét (thuộc Công ty LNDV Hương Sơn) về hành vi vi phạm các qui định về quản lý rừng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo CQĐT, Tân đã có hành vi thông đồng và cho phép Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thanh Bình tổ chức vận chuyển 23m3 gỗ xẻ tương đương 36, 8m3 gỗ tròn ra khỏi rừng trái quy định của pháp luật.
Từ nửa cuối năm 2010 và nửa đầu năm 2011, Tân đã cùng với Phạm Anh Tuấn (SN 1969), nguyên phó ban quản lý rừng Hồng Lĩnh (thuộc Công ty LNDV Hương Sơn), để xảy ra 58 vụ với khối lượng 277, 813 m3 gỗ bị khai thác trái phép trên địa bàn mình quản lỏ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng hành vi với Tân và Tuấn là ba cán bộ kiểm lâm địa bàn: Trần Văn Khoa (SN 1974 - nguyên trạm trưởng), Lê Quý Ly (SN 1971 nguyên trạm phó) và Phạm Văn Cẩn (SN 1960 kiểm lâm viên) thuộc Trạm kiểm lâm Hồng Lĩnh.
Trong thời gian được giao nhiệm vụ chốt chặn cửa rừng ở trạm này, các đối tượng Khoa, Ly và Cẩn đã nhận bồi dưỡng của các đầu nậu Huân, Bình và T. cho hàng trăm khối gỗ tuồn ra khỏi rừng.
Trong 3 đầu nậu này, Nguyễn Thanh Bình (SN 1965) và Nguyễn Hữu Huân đã bị khởi tố về tội khai thác lâm sản trái phép. Riêng đối tượng T., CQĐT đang củng cố hồ sơ để truy cứu theo quy định của pháp luật.
Xuân Hồng