“Rút ruột” hồ sơ
Trong quá trình kinh doanh, Cty của ông Phi vay tiền của Ngân hàng Công thương tỉnh Thái Bình đầu tư cho nông dân địa phương trồng hơn 700 ha kê vàng để xuất khẩu sang Nhật Bản. Đến hạn phải thanh toán, do chưa tới kỳ thu hoạch nên ông Phi khất nợ ngân hàng. Ngân hàng chưa kiện ông Phi nhưng ngày 1-5-1998, Công an tỉnh Thái Bình đã “nhanh nhảu” bắt giam ông vì cho rằng đã có hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN.
Ông Lương Ngọc Phi. Ảnh: PLXH
Nhưng sự việc không dừng ở việc hình sự hóa một quan hệ dân sự vay nợ giữa chủ doanh nghiệp và ngân hàng. Ông Phi không chỉ bị tuyên 14 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN mà còn bị khép vào tội Trốn thuế. Điều đáng nói, tờ hóa đơn nộp thuế của ông Phi đã bị một cán bộ tiến hành tố tụng rút khỏi hồ sơ vụ án, cố tình làm sai lệch hồ sơ để kết thêm cho ông Phi tội Trốn thuế, “đẩy” thêm doanh nhân này vào vòng oan lao lý… Oan khiên đã được giải, ông Phi cũng đang gây dựng lại “cơ đồ” từ chính nơi vướng oan sai, nhưng “dư âm” của việc làm sai trái và thiếu trách nhiệm của những người trực tiếp đẩy ông Phi vào xoáy tố tụng còn rất nhiều điều đáng bàn.
“Nhập nhằng” kết luận mất khả năng thanh toán nợ
Cũng giống như ông Phi, ông Nguyễn Văn Tiếp (SN 1955, trú tại phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cũng đang từ một giám đốc doanh nghiệp bị “đẩy” vào tù vì vài khoản nợ, trong đó có cả khoản nợ mà chủ nợ “chưa kịp” đòi.
Tháng 2-1993, ông Tiếp lúc này đang là Tổ trưởng Tổ hợp tác Gia Lộc đã ký hợp đồng vận chuyển cho Xí nghiệp liên doanh xi măng Hoàng Thạch và Xí nghiệp dịch vụ vật tư tổng hợp quân khu 3 vận chuyển 3463,26 tấn clinke và xi măng với giá hơn 367 triệu đồng. Sau đó, ông Tiếp thuê Cty vận tải biển 3 Hải Phòng vận chuyển số hàng trên từ cảng Hải Phòng đến cảng Đà Nẵng với giá hơn 329 triệu đồng. Cty này đã vận chuyển theo đúng hợp đồng, nhưng đến ngày 20-3-1995, ông Tiếp còn nợ hơn 62 triệu đồng.
Sau đó, Tổ hợp tác Gia Lộc được cấp giấy phép thành lập Cty TNHH vận tải thủy bộ Hải Phòng và ông Tiếp là giám đốc. Ngày 14-2-1995, ông Tiếp ký hợp đồng thuê Xí nghiệp vận tải biển pha sông Hà Nội vận chuyển 1000 tấn thép đi TPHCM với giá 95 triệu đồng. Ngày 12-9-1995, hai bên thanh lý hợp đồng và ông Tiếp còn nợ lại hơn 13,2 triệu đồng.
Ngày 4-4-1995, ông Tiếp ký hợp đồng với Xí nghiệp giao nhận vận chuyển Bộ Năng lượng, vận chuyển một số hàng hóa đến chợ Đồn (tỉnh Bắc Thái cũ) với giá 35 triệu đồng. Ngày 16-8-1995, ông Tiếp trả cho Xí nghiệp này 17 triệu đồng và nợ lại 18 triệu đồng.
Tổng cộng qua các hợp đồng làm ăn trên, tính đến ngày 25-4-1996, trước khi bị khởi tố, ông Tiếp còn nợ của Xí nghiệp giao nhận vận chuyển Bộ Năng lượng, Xí nghiệp vận tải biển pha sông Hà Nội và Cty vận tải biển 3 Hải Phòng số tiền 93 triệu đồng. Sau hai lần yêu cầu ông Tiếp cung cấp tài liệu về việc nợ tiền ba cơ quan nói trên, CQĐT công an TP Hải Phòng đã mời ông Tiếp đến làm việc và ra lệnh tạm giữ luôn. Sau 55 ngày tạm giam thì ông Tiếp được tha. Lúc này, gia đình ông Tiếp đã chạy vạy, bán đi tất cả những gì có thể bán được và vay mượn, nộp đủ 93 triệu đồng tiền nợ nhưng ông Tiếp vẫn bị truy tố về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngày 1-8-1996, ông Tiếp bị đưa ra xét xử. TAND TP Hải Phòng đã tuyên ông bản án 6 năm tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Một năm sau, TAND TC mở phiên tòa phúc thẩm, xét ông Tiếp đã khắc phục hậu quả nên giảm án xuống còn 3 năm tù.
Ông Tiếp tiếp tục kêu oan. Ông nghĩ mình không thể vướng tù tội vì những điều vô lý như thế. Thực tế, ông Tiếp nợ tiền công vận chuyển của ba cơ quan nói trên hơn 93 triệu đồng, nhưng ông không trốn tránh trách nhiệm trả nợ (dấu hiệu đặc trưng của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản), mà vẫn điều hành Cty làm ăn và sinh sống tại nơi cư trú bình thường. Bên cạnh đó, giữa Cty vận tải thủy bộ Hải Phòng và ba cơ quan nói trên khi ký hợp đồng vận chuyền đều có thỏa thuận là nếu có tranh chấp mà không thương lượng được thì vụ việc sẽ được chuyển ra Tòa án kinh tế giải quyết. Lẽ ra, khi có tranh chấp (đòi nợ) xảy ra giữa hai bên, vụ việc phải do Tòa kinh tế giải quyết theo thỏa thuận. Nhưng mọi chuyện lại không như lẽ thường ấy, đáng ngạc nhiên nữa là sau khi ông Tiếp bị khởi tố, Xí nghiệp liên hiệp vận tải biển pha sông Hà Nội mới có đơn đề nghị thu hồi nợ!
Điều đáng nói là theo hồ sơ, sổ sách của Cty ông Tiếp thì tuy ông Tiếp còn nợ 93 triệu đồng nhưng Cty mía đường Tuyên Quang lại còn nợ ông Tiếp hơn 200 triệu đồng chưa trả. Do đó, việc CQĐT kết luận Cty vận tải thủy bộ Hải Phòng mất khả năng thanh toán nợ là không hợp lý.
Bản án được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Nhờ sự giúp đỡ của luật sư, và các chứng cứ gỡ tội rất khách quan nói trên, phiên tòa giám đốc thẩm của TAND TC đã trả lại sự công bằng cho ông Tiếp, khẳng định ông không có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tuyên vô tội, chấm dứt chuỗi ngày oan sai. Nhưng điều mà không chỉ ông Tiếp, những người giúp ông minh oan, mà ngay cả chúng tôi cũng day dứt là do bị hết thời hiệu yêu cầu, mà ông Tiếp không được xin lỗi công khai và bồi thường oan sai!
“Lạm dụng tín nhiệm” là tội danh… dễ bị oan sai nhất!
Có thể nói, trong số những vụ án oan, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi “gây oan” nhiều nhất. Trong làm ăn, sinh sống, không tránh khỏi việc vay mượn, và trong nhiều trường hợp, cùng với sự “cẩu thả” của người tiến hành tố tụng, những khoản vay này đã đẩy người vô tội vào vòng lao lý…
Sau gần 2 năm bị bắt giam và kết án oan với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vợ chồng ông Trần Văn T (54 tuổi) và vợ là bà Lê Thị L (49 tuổi, cùng trú tại khu phố 7, phường 15, quận 10, TP HCM) mới được TAND TP HCM minh oan.
Tại buổi xin lỗi công khai, đại diện TAND TP HCM đã thẳng thắn nhìn nhận việc xét xử oan sai đối với vợ chồng T là do lỗi của Tòa án TP. Năm 2003, do nhận được lá đơn tố cáo của một Việt kiều cho rằng đã bị vợ chồng ông T, bà L chiếm đoạt 27.000 USD và 160 triệu đồng khi mua bán nhà đất, CQĐT đã khởi tố đối với Trần Văn T và Lê Thị L và bắt tạm giam ông T. Cuối năm 2005, Tòa án TP HCM đã tuyên phạt bà L 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Ông T bị lãnh án 1 năm 9 tháng 3 ngày tù (bằng đúng thời hạn tạm giam) cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngay sau đó, ông bà T đã kháng cáo kêu oan và tòa phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án trên để điều tra xét xử lại. Đến năm 2007, CQĐT nhận thấy không đủ chứng cứ buộc tội nên đã quyết định đình chỉ bị can đối với vợ chồng ông T.
Vụ việc của ông Lê Duy Nam khiến những người thân của ông vô cùng bất bình. Là chủ cơ sở sản xuất rượu Duy Nam (tại số 224N, đường Lý Thường Kiệt, phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), năm 2005, do cần vốn sản xuất kinh doanh, ông Nam vay trên 300 triệu đồng với mức lãi suất 6%/một tháng. Đến hạn thanh toán nhưng chậm trả nợ, chủ nợ trình báo đến UBND phường 6 và được ông Nam cam kết xin trả nhiều lần.
Nhưng sự việc không dừng ở đó, chủ nợ tiếp tục tố cáo ông Nam và CQCA TP Cà Mau đã khởi tố ông Nam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tạm giam ông. Ngày 9-11-2007, TAND tỉnh Cà Mau đã đưa vụ án ra xét xử. HĐXX nhận định đây là quan hệ dân sự vay mượn bình thường và tuyên bị cáo Lê Duy Nam vô tội. Viện kiểm sát đã kháng nghị lên cấp phúc thẩm nhưng cũng bị bác. Sau đó, ông Lê Duy Nam đã được đại diện VKSND tỉnh Cà Mau tổ chức xin lỗi công khai tại nơi cư trú.
Phương Thảo (PLXH)