Tiếng nghiến răng khi ngủ
Nghiến răng là một hoạt động cận chức năng của hệ thống nhai. Nghiến răng có liên quan nhiều đến sự căng thẳng, rối loạn giấc ngủ. Nghiến răng do nhiều nguyên nhân khác nhau phối hợp gây ra, bao gồm các yếu tố tại chỗ như rối loạn khớp cắn, yếu tố tâm lý (stress, lo âu, căng thẳng…) và yếu tố bệnh lý thần kinh.
Yếu tố bệnh học thần kinh ngày càng được lưu ý nhiều hơn và được xem là nguyên nhân chính của nghiến răng. Ví dụ như nghiến răng có liên quan đến những rối loạn giấc ngủ, những thay đổi sinh hóa trong não, một số thuốc, sau chấn thương sọ não, nghiện rượu, hút thuốc… và ngay cả yếu tố di truyền hiện nay cũng xếp vào nhóm này.
Nghiến răng tuy không quá nguy hiểm nhưng cũng gây ra một số tác hại đối với sức khỏe. Nghiến răng quá nhiều khi ngủ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ hàm răng. Răng sẽ bị mất hết lớp men, lộ ra lớp ngà vàng hơn, bị ê buốt, nứt gãy các múi răng, lung lay hoặc rụng. Ngoài ra, nghiến răng khi ngủ còn có thể gây đau cơ do các cơ hàm bị co thắt trong suốt thời gian dài. Các cơ hoạt động quá mức trong khi nghiến răng cũng có thể bị phì đại, làm khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông, rối loạn khớp thái dương - hàm với các dấu hiệu đầu tiên thường thấy là khó chịu hoặc đau ở khớp, há miệng, nhai hay nói chuyện khó, mỏi hàm…
Tiếng ngáy khi ngủ say
Sau khi trải qua một ngày làm việc căng thẳng, khi đặt lưng xuống giường nhiều người sẽ rất dễ chìm sâu vào giấc ngủ và phát ra tiếng ngáy nhè nhẹ. Nhưng đôi khi, ngủ ngáy có thể là biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ. Do đó, bạn nên chủ động đi khám nếu có người thường xuyên kêu ca về tiếng ngáy ồn ào của mình.
Nấc cụt thường xuyên
Giữa khoang ngực và khoang bụng là cơ hoành. Khi bị kích thích bởi đồ ăn lạnh, cứng hay do nhai quá vội thì cơ hoành sẽ xuất hiện những cơn co thắt, đó chính là nấc cụt.
Nấc là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhưng nếu nó xuất hiện liên tục thì đó có thể là dấu hiệu của viêm túi mật, loét đường tiêu hóa và nhiều bệnh khác. Ngoài ra, trạng thái tinh thần không ổn định như bị hồi hộp và kích thích cũng gây ra nấc cụt.
Khi bị nấc cụt, nếu thuyên giảm trong vòng 24 tiếng và tự động biến mất khi ngủ thì không phải là do bệnh gây ra. Trong trường hợp bạn bị nấc không ngừng, coi chừng bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe.
Tiếng rắc rắc ở vai khi với lên cao
Theo David Geier, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Charleston (Mỹ), hiện tượng này có thể do tình trạng viêm của Bursa (một túi chứa đầy dịch nhỏ) ở giữa các đầu xương bả vai và dây chằng gây ra. Nếu bạn cảm thấy những cơn đau kèm theo thì rất có thể khớp vai bị tổn thương, sụn dọc ở vai cũng có vấn đê.
Tiếng rắc rắc ở cổ khi nghẹo đầu sang bên
Hiện tượng này có thể do bạn bị tổn thương ở khớp giữa đốt sống cổ. Đây không phải vấn đề thường gặp nhưng nếu bạn cảm thấy đau, đặc biệt là cơn đau lan xuống một cánh tay thì rất có thể là do tác động của hệ thần kinh. Lúc này, hệ thống thần kinh có thể bị chèn ép hoặc thu hẹp khiến cho nó bị tổn thương. Ngoài ra, nếu xuất hiện thêm các triệu chứng như tê, ngứa ran ở tay, bàn tay hoặc ngón tay, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.
Tiếng rắc rắc ở hàm khi ngáp
Don C. Atkins, bác sĩ răng hàm mặt ở Long Beach, California cho biết đôi khi, hai hàm của bạn không khớp nhau và mỗi lần bạn ngáp hoặc cử động hàm có thể tạo ra những âm thanh ghê rợn và đau hàm dưới. Đó có thể là rối loạn khớp hàm thái dương. Khớp thái dương hàm là khớp nối giữa xương hàm dưới và sọ, khớp bị ảnh hưởng mỗi ngày khi bạn nói, nhai, nuốt, và ngáp. Đau xung quanh khớp gây khó chịu và ảnh hưởng đến cử động của hàm.
Có nhịp đập hoặc tiếng vù vù trong tai
Huyết áp cao gây nguy cơ đau tim và đột quỵ nghiêm trọng nếu không được điều trị. Một số triệu chứng của huyết áp cao có thể bao gồm đau đầu dữ dội, mệt mỏi hoặc nhầm lẫn, vấn đề về thị lực và đau ngực.
Những người bị huyết áp cao cũng có thể cảm thấy khó thở, nhịp tim không đều, máu trong nước tiểu và dồn nén ở ngực, cổ hoặc tai. Chính vì vậy, người bị huyết áp cao đôi khi cảm thấy có vẻ như tim đang đập ở bên tai.
Tiếng thở như tiếng huýt sáo
Tiếng thở kỳ quặc này cảnh báo đường hô hấp của bạn đang có vấn đề gì đó gây cản trở. Đó có thể là nhiễm trùng phổi hoặc sự khởi đầu của bệnh hen suyễn. Ở trẻ em, còn có thể là viêm tiểu phế quản. Để xác định và điều trị, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám.
Khớp xương kêu răng rắc
Theo Robert G. Marx, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình New York, hiện tượng này không có gì lo lắng nếu thỉnh thoảng mới xảy ra và không kèm theo các cơn đau.
Nếu mỗi khi bạn bước đi hoặc di chuyển mà thấy các khớp xương phát ra âm thanh răng rắc, đồng thời cảm thấy cơn đau thì đã đến lúc bạn cần đến gặp bác sĩ. Các cơn đau này có thể là do tình trạng viêm khớp, hoái hóa khớp, tổn thương sụn gây ra. Điều trị vật lý trị liệu, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật có thể giúp cải thiện tình hình.
Thở khò khè khi xoay người
Động tác xoay người trong tập thể dục có thể làm bạn phát ra một tiếng thở khò khè. Khi bạn xoay, không khí bị buộc đi ra khỏi phổi hoặc dạ dày bằng một đường thở hẹp, gây ra âm thanh khò khè. Trừ khi bạn cảm thấy khó thở thì đây là một hiện tượng hết sức bình thường và bạn không cần thay đổi thói quen tập thể dục.
Tiếng sôi ùng ục trong bụng dù không đói
Khi bạn đói thì việc nhìn, ngửi hoặc nghĩ đến thực phẩm có thể kích thích não bắt đầu quá trình tiêu hóa, tạo ra âm thanh ùng ục trong bụng. Uống một ly nước hoặc cà phê cũng gây ra tiếng "ùng ục" khi chất lỏng đi vào dạ dày. Thật may mắn là hiện tượng này vô hại, không liên quan đến những vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng khác như chảy máu dạ dày, đường ruột.... Nhưng nếu tình trạng sôi bụng xuất hiện ngay cả khi bạn không đói thì rất có thể đó là do bạn bị tắc ruột. Ngay lúc này, hãy tới bệnh viện để được chẩn đoán rõ hơn về tình trạng sức khỏe hiện tại.
Minh Hoa (t/h)