Giải mã cá tính lạ thường
Những người từng tiếp xúc, hẳn biết Đức Tuấn có kiểu ngông, từ âm nhạc đến đời sống. Chính vì thế, anh không có nhiều bạn bè trong giới showbiz. Tuy nhiên, theo cảm nhận của riêng mình, tôi mạn phép được lý giải con người của Đức Tuấn theo cách đa chiều hơn.
Đức Tuấn sinh ra tại tỉnh An Giang. Văn hóa Nam bộ đã tạo cho anh một tính cách bộc trực, thẳng thắn, không màu mè hay rào trước đón sau,... Thế nên, có thể những phát ngôn khiến nhiều người khó chịu không hẳn là chủ ý của nam ca sĩ sinh năm 1980 này.
Nói về con đường trưởng thành và học vấn, Đức Tuấn tự hào khi theo học các ngôi trường danh tiếng. Sau thời niên thiếu tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), anh là sinh viên ưu tú của đại học Ngoại thương. Dĩ nhiên, từ những môi trường khác biệt đó đã tạo ra một con người khác biệt với cá tính và tầm nhìn khác hẳn bạn bè đồng trang lứa, như Đức Tuấn.
Suốt 4 năm ở giảng đường đại học, Đức Tuấn nghiên cứu lĩnh vực kinh tế. Nếu anh là doanh nhân, thái độ ngạo nghễ, hiên ngang có thể được xem là phong cách tự tin, bản lĩnh hơn người của riêng Đức Tuấn. Tuy nhiên, vì đã chọn con đường âm nhạc nên anh phải làm quen rằng cách sống đó sẽ dễ làm mất lòng nhiều người theo kiểu “con chim tức nhau tiếng hót”.
Song, "con chim" khác tức cũng đúng. Nếu Đức Tuấn hát dở mà lại ngạo mạn, anh đã bị đào thải. Sở dĩ anh còn chỗ đứng là vì giọng hát thật sự tốt. Đức Tuấn chưa bao giờ bước lên đỉnh cao chói lọi. Anh không phải kiểu nghệ sĩ được giới trẻ săn đón, hâm mộ cuồng nhiệt và cũng không phải rầm rộ trên thảm đỏ. Nhưng anh có một vị trí ổn định, an toàn trong âm nhạc Việt. Rõ ràng, giọng hát của Đức Tuấn khá đẹp, có bản sắc và màu chính luận. Bất cứ thời đại nào, bên cạnh trăm hoa đua nở, giữa những cách hát lai căng học đòi Kpop thì thị trường âm nhạc luôn cần những giọng chính luận như Đức Tuấn.
Nhìn vào sự phân bố nam ca sĩ hát dòng nhạc chính luận, có thể thấy phía Nam đang rất thiếu những giọng hát cao, sáng để thể hiện chất hùng cường, mạnh mẽ của các nhạc phẩm tiền chiến, cổ điển. Ở phía Bắc đã có Trọng Tấn, Việt Hoàn, Lê Anh Dũng,... để nối tiếp NSND Quang Thọ, NSND Trung Đức. Còn ở phía Nam, từ sau thế hệ của NSƯT Tạ Minh Tâm, Anh Bằng,... khán giả đang “khát” những giọng ca nam cho các sự kiện trọng đại. Vì thế, Đức Tuấn càng đáng quý hơn.
Ngoài giọng hát, Đức Tuấn cũng áp dụng đầu óc kinh doanh vào con đường âm nhạc khá hiệu quả. Những đĩa nhạc, những liveshow của anh đều có kết quả kinh doanh rất khả quan. Anh không ngại chơi trội so với đồng nghiệp khi tung sản phẩm bằng đĩa than, băng cassette,... Và thế là âm nhạc của Đức Tuấn trở thành hàng hiểm giữa những trào lưu hiện đại nhưng sớm nở tối tàn.
Sau giọng hát và tài kinh doanh, điều cốt lõi đưa Đức Tuấn trở thành nghệ sĩ chứ không phải “thợ hát” chính là tư duy và thái độ với âm nhạc. Tôi có thể nói, Đức Tuấn là người khá bảo thủ với chính mình trong âm nhạc. Tất nhiên, anh không chỉ hát một dòng nhạc hay chỉ gắn bó với một nhạc sĩ.
Nhưng anh bảo thủ về cách hát và cách chinh phục âm nhạc. Đức Tuấn liên tiếp thể hiện mình bằng những kho tàng nhạc phẩm xuất sắc của các nhạc sĩ lớn như Phạm Duy, Văn Cao, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương... và không hề có dấu hiệu dừng lại như anh đang muốn ôm trọn lịch sử âm nhạc đương đại của Việt Nam.
Nhiều người nói anh tham lam. Tôi cũng từng hỏi Đức Tuấn như thế. Và anh đáp: “Tôi hát những nhạc phẩm vượt thời gian vì đó là lẽ sống, là hơi thở của mình. Điều đó tạo nên con người của tôi khi mỗi ngày tôi đều nghe nhạc của họ. Qua thời gian, tình yêu và sự thấu hiểu cứ từ từ lan tỏa, hòa quyện trong tôi”.
Làm người tiên phong cần có bản lĩnh
Năm 2019 vẫn chưa đi hết một quý, nhưng Đức Tuấn đã liên tục ra sản phẩm “khủng” mà không hề mệt mỏi. Chào tháng 1, album “Đức Tuấn & Phú Quang in symphony - Hà Nội và em khi thu chớm đông sang” đã lập kỷ lục bán đĩa truyền thống lẫn nhạc số. Chính nhạc sĩ Phú Quang cũng thừa nhận, từ sau NSƯT Quang Lý thì Đức Tuấn là giọng ca nam khiến ông hài lòng nhất.
Sang tháng 2, Đức Tuấn mừng sinh nhật 80 năm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng đĩa đơn “Dã tràng ca”. So với phiên bản được ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện cách đây 10 năm thì sản phẩm lần này của Đức Tuấn giúp bản trường ca này đầy đủ và có sức sống hơn. Có mối thâm tình thân thiết với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh đã có nguồn lực vững chắc để được cấp phép biểu diễn lần đầu tiên cho “Dã tràng ca”.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho hay: “Khi Đức Tuấn thực hiện đĩa đơn này, chúng tôi đã cố gắng giúp em trong việc tìm lại các tư liệu của tác phẩm nhằm giúp bản nhạc được vang lên rộng rãi hơn, đến với nhiều khán giả hơn, để di sản nhạc Trịnh Công Sơn thực sự đầy đủ hơn”
Từ sự ủng hộ từ nhạc sĩ hoặc gia đình họ, Đức Tuấn luôn có được điểm tựa tinh thần để thỏa sức phiêu cùng giai điệu. Cũng vì lẽ đó nên khi có sự ồn ào giữa nam ca sĩ với gia đình cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nhiều khán giả cũng hoang mang, bối rối không kém người trong cuộc.
Khi bị vợ của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tố hát sai lời bài hát “Hoa trinh nữ”, Đức Tuấn đã khẳng định: “Tôi đảm bảo mình không sửa lời bài hát hay thiếu tôn trọng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trước khi ghi âm bất kỳ ca khúc nào, tôi cũng tìm hiểu rất kỹ về hoàn cảnh sáng tác, từng lời ca. Với nhạc xưa, tôi lại càng cẩn trọng hơn và luôn tham khảo qua rất nhiều tài liệu tham chiếu, các bản ghi cũ...”
“Tôi nghĩ, ca khúc “Hoa trinh nữ” cũng như nhiều ca khúc nhạc xưa khác, đều có những dị bản. Chính nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã có bản ghi âm cho ca khúc này trong album “Mười năm tình cũ” với lời hát "khách phong trần" đã được phát hành rộng rãi và chính thức cách đây nhiều năm. Vấn đề ở đây là tôi đã chọn hát theo phiên bản nào? Tôi đã chọn hát "khách phong trần" vì tôi nhận thấy ca từ này phù hợp với tâm tình của cá nhân tôi và những người yêu nhạc có hoàn cảnh giống tôi”, nam ca sĩ giải bày.
Phải nói thêm rằng, chính câu chuyện gia đình “mỗi người kể một kiểu” giữa vợ và các con cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nên vấn đề tác quyền đối với những sáng tác của ông rất phức tạp. Thậm chí, vì mỗi người nắm giữ bản quyền của từng ca khúc khác nhau nên việc thực hiện trọn vẹn một album là gần như không thể.
Sau khi bản quyền được quy về cùng một đầu mối, Đức Tuấn là người đầu tiên thực hiện album "Một ngày ta được yêu", để rồi trở nên ồn ào trước dư luận. Đôi khi, trở thành người tiên phong cần phải có sự bản lĩnh.
Nói thêm về cách làm mới âm nhạc Trần Thiện Thanh, nhạc sĩ Lê Thanh Tâm chia sẻ: "Nếu giai điệu chỉ đơn thuần là pop thì tôi nghĩ sẽ không có gì ấn tượng. Còn theo bolero thì lại quá quen và nếu như thế thì có khi các khán giả của bolero cũng sẽ không chọn mình. Nên tôi quyết định "phá" hết để làm nên những bản phối phù hợp nhất với giọng hát, tính cách, tâm tình của Đức Tuấn”.
“Quan điểm làm nhạc của tôi lâu nay cũng không câu nệ thể loại nhạc gì mà là bản phối đó, bản ghi đó, album đó có hay hay không. Tôi chỉ cố gắng làm một album mà người nghe phải say sưa nghe từ đầu đến cuối, không dừng hay tắt giữa chừng", nam nhạc sĩ bày tỏ.
Nhận xét dành cho Đức Tuấn, nhạc sĩ Lê Thanh Tâm nói: “Từ những năm 2000, tôi đã thấy Đức Tuấn là một người không dễ thỏa hiệp, có gì đó giống mình. Đức Tuấn thật sự rất “gai”, sẵn sàng xông pha chống lại những gì mà anh cho là không tử tế với âm nhạc. Và tôi rất thích điều này vì nếu thỏa hiệp thì chúng ta sẽ bị chai sạn, đi vào lối mòn và không thể sáng tạo nữa".
Và Đức Tuấn cũng công nhận, bản thân anh có khi mất hết bạn bè vì tính tình cực đoan, không khoan nhượng khi có tranh cãi. “Tôi bắt buộc phải làm mọi thứ tốt hơn nếu biết khả năng mình có thể làm tốt hơn”, Đức Tuấn khẳng định.
Thái độ này của Đức Tuấn không hẳn sai khi những người không thích anh cũng phải thừa nhận sức lao động nghệ thuật bền bỉ của giọng ca này. Và giữa những đổi thay liên tục của showbiz, một cá tính ngạo nghễ như Đức Tuấn là một màu sắc thú vị.