Khi công lý chỉ... có hiệu lực trên giấy

Khi công lý chỉ... có hiệu lực trên giấy

Thứ 7, 17/08/2013 09:06

Theo thống kê của Tổng cục thi hành án dân sự (THADS), hiện tại có tới trên 300 nghìn việc chưa thi hành dứt điểm, trong tổng số đó có tới 50 nghìn việc không có điều kiện thi hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, do tòa tuyên không sát với thực tiễn, đương sự không có tài sản để thi hành, người phạm tội không có khả năng để chi trả... Bên cạnh những lý do khách quan, đâu đó còn có sự sách nhiễu khó, dễ thậm chí đòi ăn chia của chấp hành viên.

Tòa tuyên cứ... tuyên!

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, do hệ thống pháp luật chưa thống nhất và đồng bộ. Chưa có cơ chế pháp lý quản lý tài sản của người phải thi hành án, dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn, không thi hành được hoặc thi hành không dứt điểm.

Hẳn dư luận còn nhớ vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giết người yêu và cướp tài sản. Bản án hình sự sơ thẩm số 281/2010/HSST, ngày 14/7/2010, TAND Hà Nội, tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, thường trú tại tổ 9 cụm 8, phường Quán Trữ, quận Kiến An, TP. Hải Phòng) phạm tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Tổng hợp hình phạt chung của 2 tội là tử hình. Sau đó xử phúc thẩm vẫn y án.

 Theo đó, về trách nhiệm dân sự, HĐXX sơ thẩm buộc bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa phải bồi thường cho gia đình bị hại là Nguyễn Phương L. do ông Nguyễn Văn Ba là đại diện, tổng số tiền là 113.646 triệu đồng. Mặc dù khối tài sản phải thi hành là không nhiều, song đối với một người như Nghĩa, là một tử tù, bản thân là người đã trưởng thành, không có tài sản riêng. Vậy cơ quan THADS lấy tài sản ở đâu để thi hành án?

Trở lại hồ sơ vụ án "Vợ cùng tình nhân lập mưu giết chồng". Ngày 26/6/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm hai bị cáo Văn Thị Thủy (32 tuổi, trú tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) và Trần Tuấn Thanh (28 tuổi, trú tại Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) về tội "giết người". Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Trần Tuấn Thanh mức án tử hình, Văn Thị Thủy nhận án tù chung thân. Ngoài ra về trách nhiệm dân sự bị cáo Trần Tuấn Thanh và Văn Thị Thủy hàng tháng phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng cho hai con của bị hại mỗi tháng 1.050.000 đồng/hai cháu.

Pháp luật - Khi công lý chỉ... có hiệu lực trên giấy

Phần lớn việc thi hành án gặp khó khăn trong việc phân định tài sản của bị án. Ảnh minh họa.

Theo luật sư Nguyễn Khánh Toàn, đoàn luật sư Hà Nội: "Trong vụ án này, tôi nhận thấy tòa không xác định tài sản riêng của Văn Thị Thủy trong khối tài sản chung của Thủy và anh Trần Văn N. để thi hành án dân sự trong vụ án hình sự. Hay như việc phải phong tỏa tài sản đối với bị cáo Thanh, do luật không quy định rõ việc phong tỏa tài sản là trách nhiệm của tòa án, hay cơ quan thi hành án (THA), khi mà người phải thi hành án không có tài sản riêng, chỉ có tài sản chung.

Câu hỏi là việc xác định tài sản riêng trong khối tài sản chung của đương sự là trách nhiệm của tòa hay của cơ quan THA?  Trên thực tế để xác định quyền và trách nhiệm của chấp hành viên trong trường hợp nào thì có quyền hoặc nghĩa vụ yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án là điều còn có nhiều bàn cãi. Trong trường hợp này tòa tuyên bị cáo Thanh về mức chu cấp hàng tháng khi Thanh là một tử tù, liệu có thiếu thực tế, trong trường hợp Thanh không có tài sản?".

"Tắc" vì chấp hành viên?

Bên cạnh luật pháp còn chưa đồng bộ và thống nhất, đâu đó còn có sự làm phiền, sách nhiễu của một số bộ phận cán bộ thi hành án, dẫn đến việc THADS  kéo dài nhiều năm gây bất ổn trong đời sống xã hội, ví dụ dưới đây là một minh chứng.

Ngày 02/01/1997, ông Mai Công Ích thuê nhà có diện tích 20m2 của bà Đặng Thị Lâm tại số 10 (nay là 194) Kim Mã - Hà Nội.  Sau đó, bà Lâm có vay tiền của ông Ích và của 6 người gồm các ông bà Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Văn Giáp, Vũ Thị Hồng Việt, Phạm Thị Tuyết Trinh, Hồ Nguyên Quang và Nguyễn Thị Kim Oanh. Năm 1998, 7 người trên đã làm đơn ra TAND quận Ba Đình đòi nợ bà Lâm.

Khi bản án có hiệu lực, đội Thi hành án quận Ba Đình đã giữ 50 triệu đồng tiền đền bù dự án đường Kim Mã và kê biên phát mại căn nhà nói trên của bà Đặng Thị Lâm. Tại Quyết định số 27/CNHGT ngày 10/11/1998 của TAND quận Ba Đình công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Ông Ích và bà Lan, ông Giáp, bà Việt, bà Trinh, bà Quang, bà Oanh (cùng là nguyên đơn) đều nhất trí với quyết định trên và nhận tiền từ cơ quan THA, không ai thắc mắc, khiếu nại gì. 

Việc thi hành án đã hoàn tất từ năm 1999. Tuy nhiên, ngày 29/8/2001, quận Ba Đình ra thông báo số 05/TB-THA về việc thu hồi nhà số 10 (194) Kim Mã - Hà Nội với những căn cứ sau: Căn cứ bản án số 50/PTDS ngày 10/4/1998 của TAND TP.Hà Nội; Các quyết định công nhận hoà giải thành số 02 ngày 31/01/1998, số 12 ngày 22/06/1998, số 27 ngày 10/11/1998, số 28 ngày 12/11/1998 của TAND quận Ba Đình đã xét xử và hòa giải thành việc đòi nợ giữa các nguyên đơn: Bà Nguyễn Kim Oanh, ông Nguyễn Văn Giáp, bà Vũ Thị Hồng Việt, ông Mai Công Ích, bà Hồ Nguyên Quang với bị đơn là bà Đặng Thị Lâm.

Để đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nêu trên; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đội Thi hành án quận Ba Đình thông báo: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 29/8/2001, ông Mai Công Ích có nghĩa vụ tự nguyện giao lại nhà số 10 (194) phố Kim Mã - Hà Nội cho đội THA quận Ba Đình để đội THA tiến hành định giá và uỷ quyền cho Trung tâm bán đấu giá tài sản sở Tư pháp Hà Nội bán đấu giá để lấy tiền thi hành toàn bộ các bản án, quyết định mà bà Lâm phải có trách nhiệm thi hành.

 Ngày 21/9/2007, ông Ích nhận được thông báo của đội THA quận Ba Đình, yêu cầu ông giao nhà số 10 Kim Mã cho chấp hành viên thi hành án lại bản án (với lý do là thi hành lại cho đúng trình tự - PV). Đây là lý do 15 năm, vụ việc vẫn chưa được thi hành dứt điểm.

Phóng viên đã liên lạc với một chấp hành viên của đội THA quận Ba Đình được biết: Tại thời điểm đó VKS có kiến nghị, cho nên phía đội THA phải ra thông báo đối với gia đình ông Ích. Tuy nhiên, kiến nghị đó căn cứ không rõ ràng. Chính vì sự phức tạp của vụ án nên đội THA quận Ba Đình đã gửi toàn bộ hồ sơ của ông Mai Công Ích  lên cục THA Hà Nội....

Có nhiều ý kiến của cán bộ thi hành án cho rằng: Cần coi trọng công tác vận động, thuyết phục trong THADS. Hòa giải là thể hiện sự tôn trọng quyền tự thỏa thuận giữa các đương sự. Như vậy VKS có kiến nghị lúc đó có phải là nguyên nhân làm phức tạp khiến cơ quan THA không thể thi hành được? Mặt khác, khi mà các bên đương sự đã thống nhất thỏa thuận, hòa giải thành, như vậy VKS kiến nghị có đúng với quy định của pháp luật, đúng với tinh thần tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự?!

Ngày 1/8, PV trao đổi với ông Phạm Quang Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ và tổ chức THADS Hà Nội cho biết: "Hồ sơ số nhà 194 Kim Mã của ông Mai Công Ích đã được rút lên đây từ lâu, qua nhiều người giải quyết, nhưng chưa đi đến thống nhất. Hiện tôi là người kế nhiệm giải quyết tiếp theo. Và đã có tới 2-3 cuộc họp với ban ngành, nhưng chưa giải quyết được, nếu quá phức tạp chúng tôi sẽ gửi lên cấp cao hơn".       

1001 lý do khiến quyết định có hiệu lực "chết đứng"

Theo ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên trưởng THA quận Ba Đình): Trên thực tế có vô số lý do khiến nhiều vụ án không thể thi hành án dân sự (THADS). Một trong những vấn đề chính để thực hiện việc THADS đó là tài sản. Thế nhưng việc phong tỏa tài sản của người phải thi hành án lại không được pháp luật quy định một cách cụ thể (điều tra viên, tòa án hay cơ quan THA). Mặt khác tòa không kê biên tài sản, không định đoạt tài sản riêng của người phải THADS trong khối tài sản chung của gia đình hoặc người phải THADS không có tài sản, nhưng tòa vẫn tuyên... để đấy.

BTV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.