Ở “thủ phủ đá quy” huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái có một ngôi làng chuyên chế tác tranh đá quý. Người ta thường gọi nơi này là “làng họa sĩ nông dân”. Bằng bàn tay khéo léo, tài hoa, trí tưởng tượng phong phú, họ đã biến những viên đá thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao cả trong và ngoài nước.
Phân loại đá
Từ “thủ phủ đá quý” thành làng giã đá
Những năm 1980-1990, dòng người từ khắp nơi đổ về vùng đất Lục Yên để khai thác đá quý. Những ông chủ cỡ “bự” người Thái cũng mò đến “thủ phủ đá quý” làm giàu. Những cơ sở chế tác tranh đá quý của người Thái thường giấu nghề. Sau nhiều lần đến bán đá lẻ một người có tên “Cường Bạc” đã “học mót” được bí kíp làm tranh đá quý của người Thái. Ông đã tích lũy được kinh nghiệm để về dạy lại nghề này cho người dân vùng.
Sau thời hoàng kim, kiếm hàng trăm, nghìn đô nhờ đá quý, người dân nơi đây đành nhặt những hòn đá còn sót lại làm tranh đá. Hiện nay, làng Lục Yên có gần 50 cơ sở sản xuất tranh, tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Thế. Dù mới thịnh hành khoảng mấy năm nay, nhưng tranh đá quý Lục Yên đã trở thành một trong những sản phẩm có thương hiệu lớn trên thị trường trong nước và thế giới. Đây là loại tranh “dệt” từ 100% nguyên liệu đá nên có màu sắc rất đẹp, được nhiều khách hàng ưa thích.
Đến Lục Yên, bên cạnh những âm thanh mua bán ở chợ đá quý còn có những âm thanh đập đá quen thuộc của cánh giã đá làm nguyên liệu vẽ tranh đá quý. Công việc chính của họ là cho đá vào cối rồi dùng chày để đập đến khi vỡ vụn. Họ đập, giã liên hồi để những cục đá lớn thành những viên đá nhỏ nhưng không bị tan thành bột. Trong một xưởng sản xuất tranh đá quý, mỗi người làm một công việc hoàn toàn khác nhau. Họ chia thành phân xưởng giã đá, phân xưởng phân loại đá và phân xưởng ghép tranh. Mỗi người chuyên môn hóa một việc.
Anh Thịnh, một người giã đá tâm huyết với nghề gần chục năm, chia sẻ: Giã đá phải theo quy trình. Khâu đầu tiên là rửa đá. Sau đó, cho đá vào cối giã. Giã xong dùng một que gỗ để gạt lọc từng viên đá, viên nào đã đạt thì để riêng, viên nào to, chưa đạt yêu cầu thì cho vào giã lại. Mỗi ngày trung bình một người thợ lành nghề giã được 1kg đá. Nhìn đôi bàn tay các anh đập đá chai sạn mới hiểu hết công việc này vất vả biết nhường nào.
Nỗi lòng người chế tác tranh
Sau khi giã đá thành công, những nguyên liệu này được đem đến bán cho các xưởng sản xuất tranh để làm nguyên liệu làm tranh đá.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, 36 tuổi, tổ 11, Thị trấn Yên Thế, Lục Yên, Yên Bái, chủ cửa hàng tranh đá quý Giếng Ngọc cho biết: “Kỹ thuật làm tranh đá quý hết sức công phu. Từ việc sơ chế đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, chốt đá, ghép đá... đều thể hiện sự tài hoa, khéo léo. Đá quý đã giã và keo dán 502 là hai chất liệu chủ yếu. Mỗi một bức tranh 1 đến 2 mét cần sử dụng đến 100 lọ keo dán. Chọn nguyên liệu là khâu quan trọng nhất. Những viên chuẩn, đẹp mới tạo thành những bức tranh có giá trị. Những viên đá quý được ngâm qua axit sẽ làm dậy màu đặc trưng, long lanh, sắc sảo hơn.
Sau khi họa sỹ vẽ mẫu bằng bút chì hay phấn mầu trên tấm gỗ hay phóc-mi-ca, người khác phải rắc đá, bột đá với độ mầu chuẩn xác để tạo hình, rồi nhỏ keo cho chúng kết dính. Phía dưới đá mầu luôn có một lớp bột đá cẩm thạch làm nền để cho tranh vừa bền chắc vừa khỏa lấp những khiếm khuyết. Cái khó nhất là biến những viên đá mầu nhỏ li ti thành những hình ảnh sinh động, có thần thái riêng biệt.
Chị Hoàng Thị Hương, tổ 6, thị trấn Yên Thế, là nghệ nhân ghép tranh đá quý cho hay: Mỗi bức tranh thành công là sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng và đôi bàn tay tỉ mẩn, tinh tế, chăm chút công phu từng họa tiết của người họa sĩ. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, chị Hương rút ra kinh nghiệm quý báu: “Làm tranh chân dung khó nhất. Việc cân đối tỉ lệ của các bộ phận cơ thể, độ đậm, nhạt của da, sự pha trộn gam màu sáng tối. Vì thế chỉ những nghệ nhân cao tay mới rải được những viên đá vô tri vô giác thành người có hồn. Cái quan trọng nhất của nghệ thuật làm tranh phong cảnh là sự phối cảnh. Người nhìn phải có con mắt tinh tế, cảm thụ sâu sắc. Những người làm tranh phải có sự am hiểu về nghệ thuật điện ảnh như cận cảnh, viễn cảnh, sự phối cảnh. Màu sắc là điều quan trọng nhất trong phong cảnh. Giới làm tranh cho hay, họ đá lông công lấy từ Lào để làm lá, đá opan (mua tận Gia Lai, Đắc Lắc), màu đen dùng đá tác tít (đá cut sao, đá nham thạch), màu vàng là chất liệu opan miền Nam. Những nghệ nhân còn mách nước, khi bị bẩn có thể tháo từng miếng nhỏ đem rửa rồi lại ghép lại như cũ. Thỉnh thoảng lấy dầu bóng tóc, màu sơn để rửa.
Tuy nhiên, hiện nay, người ta đã đem cả máy móc để khai thác triệt để đá quý, chưa kể những đội quân mót đá cũng săn lùng tận hang cùng ngõ hẻm. Nguyên liệu đang dần cạn kiệt, vì thế các xưởng tranh đá quý đã nhập nguyên liệu đá từ Quỳ Hợp, Đăk Nông, thậm chí từ xứ sở đá quý xa xôi như Myanmar. Trong khi đó, khách hàng đến với chợ đá quý ngày càng thưa thớt. Khách Tây thưa thớt dần, khách du lịch người Việt vãng lai cũng ít. Trên tường một số cửa hàng có rất nhiều tranh ế đã thành tranh bày mẫu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Đức Trường, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lục Yên cho hay: Ngày trước tranh đá quý được làm bằng đá quý thật. Do cơn lốc khai thác đá quý mấy chục năm nên đá quý đã khan hiếm dần. Do vậy, một số cơ sở sản xuất đã dùng các loại đá màu khác để thay thế.
Hoàng Thế Tào