Bác sĩ Trần Ngọc Minh (trung tâm tư vấn tình cảm trên phố Hoàng Văn Thái, Hà Nội) cho rằng, không chỉ những người trẻ đến đây để xin tư vấn về chuyện đi bước nữa mà có nhiều người già cũng muốn nói chuyện với các chuyên gia về vấn đề tình cảm. Đa phần họ bị khúc mắc vì con cái không bằng lòng chuyện "lấy tập hai" của bố mẹ.
Mẹ kế ít tuổi hơn... con chồng
Nghe người bố 72 tuổi tuyên bố muốn đi bước nữa, mấy anh chị em trong gia đình anh Nam ở phố Đặng Văn Ngữ (Đống Đa, Hà Nội) lập tức họp khẩn. Cậu con út đang trong TP.HCM cũng bay ra để "khuyên" bố. Mặc cho con cháu có ý kiến, ông Lâm (bố anh Nam) vẫn kiên quyết đi thêm bước nữa vì lý do cô đơn. Ông cho biết, con cháu đã trưởng thành, mỗi người một nhà riêng, một mình ông sống ở căn nhà rộng, thấy buồn nên muốn có thêm người để chia sẻ. "Tập hai" của ông Lâm là một bà giáo về hưu ở phường Bách Khoa (Hà Nội). Thuyết phục không được, con cháu ông Lâm đành đồng ý làm đám cưới cho bố trước tết.
Trong quan niệm của người Việt Nam, chuyện người già đi bước nữa chưa được nhìn nhận một cách cởi mở. Nhiều người cho rằng, các cụ đã già, hãy sống vui vẻ bên con cháu là được, còn việc đi thêm bước nữa, sẽ gặp nhiều phiền toái. Chính lý do này đã khiến nhiều người già cảm thấy e dè khi muốn "thêm tập hai". Bác sĩ Trần Ngọc Minh kể cho chúng tôi nghe về chuyện cụ ông tên là Diện (75 tuổi ở quận Hà Đông, Hà Nội), vì sống cùng nhà với người con trai cả nên khi cụ ngỏ ý muốn lấy vợ, người con trai đã nhốt cụ trên phòng và không cho ra ngoài giao lưu. Con cái ông Diện cho rằng, họ không thể gọi một người phụ nữ 36 tuổi làm... mẹ được, vì người con út của ông Diện cũng đã 40 tuổi. Mới "để" bố trong phòng một buổi chiều, ông Diện đã điện thoại cho công an phường đến can thiệp, vì cho rằng "con cái ngăn cản hạnh phúc của cha mẹ". Sau đó, ông Diện tuyên bố với các con rằng, ông sẽ lấy người phụ nữ 36 tuổi kia làm vợ và sẽ sang "nhà vợ" ở, vì chị kia sống một mình.
Nhiều người già tìm được hạnh phúc thực sự sau khi tái giá. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Với số tiền tiết kiệm được từ nhiều năm nay, Ông Diện đã làm một đám cưới "tập hai" linh đình với xe rước dâu 4 bánh, bộ ảnh cưới lên đến 20 triệu đồng, nhẫn đính hôn lung linh như những cặp đôi có điều kiện khác. Ông thẳng thắn: "Đây là lần đầu cô ấy được lên xe hoa nên đám cưới phải thật "hoành tráng", không để để cô ấy thiệt thòi được". Con cháu ông Diện thì khổ sở với lời ong tiếng ve của hàng xóm: "Già rồi mà vẫn chơi trống bỏi...".
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, không phải ai cũng đồng cảm với nhu cầu tái hôn của người cao tuổi, kể cả chính những người cao tuổi. Nhiều người cho rằng, già mà còn lấy vợ, lấy chồng là "ham hố quá mức". Nhiều người thấy người già muốn tái hôn thì dè bỉu, xa lánh họ, còn con cái nghĩ rằng các cụ "tự nhiên đổ đốn" hoặc bị bùa ngải... Họ cũng ngại phải gánh thêm một người già nữa là cha dượng hay mẹ kế, nếu như chấp nhận cho cha mẹ già đi bước nữa. Đặc biệt, con cái cũng lo ngại vấn đề chia tài sản.
Nhiều trường hợp, cụ ông lấy vợ trẻ, vài năm sau sinh con, các mối quan hệ sẽ phức tạp, chồng chéo nên mới có cảnh "cha già, con cọc". Hay nhiều người lo ngại rằng, lấy vợ mới về, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người già... Đó chính là những hệ lụy mà nhiều người con phản đối khi đấng sinh thành của mình muốn "thêm tập hai".
Ngoài ra, tâm lý của con cái khi ngăn cản cha mẹ tái hôn là "ghen thay người đã mất". Nhiều người bị "sốc" khi cha, mẹ muốn đi thêm bước nữa vì họ cho rằng, mới ngần ấy năm mà bố, mẹ của mình đã quên "người đã khuất" nên kịch liệt phản đối, làm rạn nứt tình cảm trong gia đình. Nhiều người thấy bố mình muốn đi bước nữa thì "rêu rao" cho hàng xóm biết để cụ ông xấu hổ mà "từ bỏ" hay dọa sẽ cắt đứt tình cha con khi bố đưa vợ mới về. Nhưng các bác sĩ tâm lý cho biết, đây là những suy nghĩ cực đoan, làm người già cảm thấy bị tổn thương. Hơn nữa, cuộc sống vật chất, sức khỏe con người ngày càng nâng lên nhờ ăn uống, tập thể dục... nên nhu cầu tình dục, khả năng tình dục và tuổi thọ của người già cũng được kéo dài. Điều này khiến cho các cụ muốn có một người bạn để chia sẻ.
Bị nhầm lẫn là... bố con
Cách đây bốn năm, mọi người đã kể câu chuyện về "tập hai" của nhạc sĩ 70 tuổi T.N.N. với một cô gái trẻ 8X tại Hà Nội. Cuộc hôn nhân này gặp phải sự phản đối của con cái vị nhạc sĩ, khiến cho bố con họ nhiều năm không được hòa thuận. Ông dọn ra sống riêng với cô vợ trẻ ở một quán cà phê do hai người kinh doanh ở phố Chùa Láng (Hà Nội). Mới đây, cô vợ trẻ sinh năm 1983 đã sinh một cậu con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, do sự chênh lệch tuổi tác nên đi đâu họ cũng bị hỏi thăm: "Ba ông cháu đi đâu đấy?...". Hoặc trong những lần đi mua sắm, họ đều bị nhầm lẫm là "bố con". Tuy nhiên, theo những người bạn thân thiết của hai người, cặp đôi này rất hạnh phúc khi sống với nhau, mặc dù bố của cô gái trẻ kia còn ít tuổi hơn con rể!.
Theo bác sĩ tâm lý Trần Ngọc Minh, ở nước ngoài, vấn đề người già tái hôn được nhìn nhận "thoáng" hơn, bởi người ta quan tâm đến cảm xúc nhiều hơn các vấn đề về đạo đức. Ở nhiều nước châu Âu, chính phủ khuyến khích sự "tái hôn" của những người già hơn là việc đưa họ vào viện Dưỡng lão. Ở Việt Nam, về mặt pháp luật, chuyện "đi bước nữa" ở người già không vi phạm. Chuyện tái giá của người già cũng không ảnh hưởng gì đến danh tiếng, hay làm "xấu mặt" con cháu như nhiều người nghĩ. Tuy nhiên, sự tái hôn này cần sự đồng tình của con cái trong gia đình. Bởi tình yêu của người già, đôi khi có tình dục, nhưng đôi khi chỉ là nhu cầu được chăm sóc, nói chuyện và sự cảm thông, tôn trọng của chính con cháu trong nhà. Mục đích lớn nhất của hai người khi lập gia đình là tạo dựng đời sống tinh thần để nâng cao chất lượng sống. Vì vậy, con cháu hãy nhìn ở mặt tích cực để mang lại cho cha mẹ niềm vui. Đây cũng là cách báo hiếu với cha mẹ có ý nghĩa nhất.
Tại khu tập thể Vĩnh Hồ (Thái Thịnh, Hà Nội) có một phụ nữ tên Lan, là cán bộ của một trường trung cấp dược về hưu. Sau 30 năm vừa làm việc, vừa lăn lộn để nuôi nấng con cái vì chồng mất sớm thì hai cậu con trai giờ đã thành đạt, mỗi người một nhà riêng, chỉ cuối tuần mới đưa vợ con về thăm mẹ. Mới đây, hai người con trai thấy "sửáng sốt" khi bà Lan muốn tái giá vào cái tuổi 60. Đối tượng của bà là một người đàn ông 65 tuổi, cán bộ ngân hàng về hưu, cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ thể thao của phường. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của mẹ, hai người con của bà Lan đã hiểu rằng, với người già, sự chia sẻ cảm thông và thấu hiểu là quan trọng nhất. Hơn nữa, vì đều làm khoa học nên họ rất bận, có tháng mới đến thăm mẹ được một lần, còn chủ yếu là hỏi thăm qua điện thoại. Một mình bà Lan sống ở căn hộ cứ âm thầm ra vào như cái bóng khiến họ cũng không an tâm.
Chính từ sự thấu hiểu này, họ đã chủ động "kết nối" cho mẹ với người đàn ông kia. Anh Dũng (con trai cả của bà Lan) cho biết: "Bố tôi mất sớm nên 30 năm qua mẹ đã tần tảo chăm sóc hai anh em tôi. Từ khi có bạn thể tâm sự, trò chuyện, tôi thấy mẹ trẻ ra, yêu đời hơn. Điều quan trọng là hai người biết chăm sóc nhau, hàng ngày cùng nhau đi tập thể thao, đi chợ, sẽ có thêm nhiều niềm vui mới. Tôi nghĩ, việc "tái hôn" của người già không có gì là ghê gớm”.
Không có sự quan tâm nào bằng tình yêu Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, con cái chính là người hiểu cha mẹ nhất. Vì thế, nếu các cụ muốn thêm "tập hai" thì cũng phải bình tĩnh ngồi nói chuyện với bố mẹ để có cái nhìn thống nhất. Nếu thấy mối quan hệ có thể chấp nhận được thì nên chủ động tìm hiểu "nửa còn lại" cho bố mẹ để tránh gặp phải người xấu, kết hôn chỉ để lợi dụng tình cảm và vật chất của cha mẹ mình. Nhiều người cho rằng, lấy thêm "tập hai" cho bố, mẹ là phải chăm sóc thêm một người già nữa, nhưng thực tế không phải vậy, khi có thêm người quan tâm đến bố hay mẹ chính là cách san sẻ trách nhiệm "hợp lý" nhất, bởi sẽ không có sự quan tâm nào chu đáo bằng sự quan tâm nhân danh "tình yêu". |
Lạc Thành