Một năm học mới lại sắp bắt đầu. Trong khi các học sinh đầu cấp đang háo hức đi may đồng phục, mua sách, vở in tên ngôi trường mới mà chúng sẽ gắn bó trong suốt cấp học thì đâu đó các bậc phụ huynh lại... nhớn nhác tìm lớp học thêm cho con hoặc ngấm ngầm rủ nhau mở lớp để mời thầy cô đến dạy. Tất cả sẵn sàng vì một năm học rực rỡ điểm 9, 10 của con và không thể phủ nhận, phần nào đó cũng vì... sự hãnh diện của cha mẹ.
Nhiều phụ huynh không ngần ngại nói thẳng với con rằng “học sao đừng để điểm thấp làm mất mặt cha mẹ”, thậm chí có nhà còn ra giá cụ thể hơn như “đạt học sinh tiên tiến thì hè được đi du lịch trong nước, học sinh giỏi thì đi du lịch nước ngoài” hay mỗi điểm 10 tương xứng với bao nhiêu tiền...
Đưa ra giá như vậy, tìm đủ cách để con có điểm cao để cuối năm học họ lại có thể nở mặt mày với bạn bè, họ hàng vì bảng điểm “khủng” của con. Không lạ khi hàng năm, cứ mỗi khi năm học kết thúc, trên facebook lại tràn ngập những status khoe thành tích học của con từ những phụ huynh ở đủ mọi độ tuổi, thế hệ, vị trí công việc trong xã hội. Vì lẽ đó nên không ngoa khi có ý kiến cho rằng với nhiều người, giờ đã qua thuở khoe xe sang, nhà lầu, giờ muốn sang phải... khoe con học giỏi.
Có con học hành giỏi giang, ai cũng tự hào. Tuy nhiên, việc quá coi trọng điểm của cha mẹ, đặc biệt quan niệm “học kiếm điểm” của nhiều phụ huynh là vô cùng phản cảm và làm hại cho quá trình phát triển của một đứa trẻ.
Chưa kể đến việc luôn được điểm cao khiến con trẻ ngộ nhận về khả năng thực sự của mình và sẽ cố gắng mọi cách để có được điểm thay vì hiểu thực chất vấn đề, việc cha mẹ quá coi trọng điểm số cũng sẽ dẫn đến những áp lực không đáng có với con trẻ. Đã có rất nhiều đứa trẻ trở nên trầm cảm thậm chí tìm đến cái chết chỉ vì điểm thấp hay không đỗ vào trường chuyên, lớp chọn. Đã có bao mâu thuẫn gia đình bắt đầu từ sự kỳ vọng về điểm số...
Việc xem thành tích của con như một món trang sức tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi lẽ vì món trang sức ấy có thể dẫn đến những hành vi phản giáo dục như tình trạng “mua điểm”, chạy thành tích của cha mẹ và có thể sẽ tạo nên những thế hệ hữu danh vô thực.
Hãy nhìn vào thực tế, có bao nhiêu sinh viên ra trường với tấm bằng khá/giỏi nhưng không thể trụ lại làm việc lâu dài ở một công ty nào. Có bao nhiêu người điểm ngoại ngữ trong học bạ toàn 9, 10, nhưng sau 12 năm học tốt nghiệp với vốn từ chỉ dừng lại ở 2 từ "hê lô", "gút bai"… Đã đến lúc cần phải giải thoát cho lớp trẻ khỏi tư duy điểm số và xóa bỏ căn bệnh thành tích của người lớn. Hãy xem việc trẻ ứng dụng kiến thức học được vào đời sống thực tế là mục tiêu và chỉ có như vậy bản chất của việc học mới có ý nghĩa.
Đạt điểm cao trong một kỳ thi, kỳ kiểm tra chưa phải là tất cả với một đứa trẻ. Tương lai phát triển của một đứa trẻ còn phụ thuộc vào rất nhiều kỹ năng mà gia đình cần hun đúc cho trẻ như kỹ năng quản lý thời gian, khả năng tự lập, ý thức trong việc học tập, làm việc... Điểm số cao mới chỉ là điều bắt đầu nhỏ nhoi mà thôi.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả