Hành vi rải đinh trên đường của các đối tượng nhằm mục đích khiến ô tô, xe máy gặp nạn rồi “đinh tặc” xuất hiện và đóng vai người tốt diễn ra phổ biến, tại bất cứ đâu, từ quốc lộ đến huyện lộ, từ thành thị đến nông thôn.
Mục đích “đinh tặc” thực hiện việc làm vô lương tâm, vô đạo đức, trái pháp luật này không có gì khác là nhằm kiếm lời từ các khổ chủ gặp nạn, buộc phải thay săm, thay lốp với giá cao.
Khổ chủ cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt chi tiền thay, vá, bởi trên cung đường mà “đinh tặc” tung hoành thì gần như địa chỉ sửa chữa của chúng là duy nhất.
Tuy nhiên, các đối tượng này không nghĩ được rằng, hành vi của bọn chúng sẽ khiến người điều khiển phương tiện nếu gặp nạn, nhẹ thì chỉ bị thủng săm lốp, nặng thì sẽ bị ngã dẫn đến chấn thương, thậm chí phải mất mạng, khi di chuyển với tốc độ cao, nhất là trên đường cao tốc.
Cũng có thể “đinh tặc” có nghĩ đến tình huống này nhưng chỉ vì những món lợi nhỏ nhen, bọn chúng sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà bất chấp tất cả. Vì vậy, không thể giáo huấn những kẻ này bằng những câu chuyện lương tâm, đạo đức.
Mới đây nhất, phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.Hải Phòng đã triệu tập đối tượng Lê Trung Hiếu (SN 1998, trú tại xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng) về hành vi rải đinh trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Lê Trung Hiếu đã phải thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
Thế nhưng việc xử lý đối tượng vẫn khiến dư luận băn khoăn, chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Bởi lẽ, theo cơ quan điều tra, để xử lý hình sự thì phải tìm được bị hại và phải căn cứ vào hậu quả xảy ra có liên quan đến việc rải đinh.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện tại chưa có điều khoản xử lý hình sự hành vi này.
Nhiều ý kiến từ cộng đồng, dư luận xã hội cho rằng, nếu chỉ xử lý “đinh tặc” ở mức độ phạt hành chính là không đủ sức răn đe, Những kẻ rải đinh là những kẻ thực hiện hành vi phạm tội để đạt mục đích thu lời cá nhân, xử phạt hành chính chỉ là đòn roi giơ cao đánh khẽ, không có sức thuyết phục.
Hiện vẫn chưa ghi nhận được vụ việc người điều khiển phương tiện bị dính đinh của “đinh tặc” dẫn đến thương tích hay tử vong, nhưng liệu có ai cam đoan rằng việc này sẽ không xảy ra? Đến khi hậu quả đau lòng xảy ra, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Gia đình nạn nhân phải bỏ mạng oan uổng liệu có cam lòng khi “đinh tặc” chỉ bị xử phạt hành chính?
Đã đến lúc các cơ quan ban hành và thực thi pháp luật cần nghiên cứu kỹ càng, và có biện pháp xử lý cứng rắn, để người tham gia giao thông cảm thấy yên tâm khi lưu thông trên các cung đường. Để “đinh tặc” phải chùn bước, không nhởn nhơ ngày ngày đóng vai người tốt!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!