Mới đây, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng, đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) để làm rõ việc trộn cần sa vào trà sữa để bán.
Cụ thể, trưa ngày 19/4, cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra chiếc xe ôtô đang dừng, phát hiện trên xe có một thùng xốp, bên trong đựng 15 chai trà sữa. Tiến hành kiểm tra nhanh, cả 15 chai trà sữa này đều cho phản ứng dương tính với chất ma túy. Nguyễn Thị Thái Dung khai nhận, đã học cách pha chế và mua cần sa từ người bạn, sau đó về xay pha trộn với trà sữa bán kiếm lời.
Đây không phải lần đầu tiên ma túy “trá hình” trong đồ ăn, thức uống được bán một cách công khai, thậm chí, có những đồ ăn được bày tràn lan ngay trước cổng trường học. Nếu trước kia, quà vặt cổng trường chỉ tiềm ẩn những nguy hại đối với sức khỏe vì các loại bánh kẹo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thì càng nguy hiểm hơn, khi quà vặt cổng trường có thêm nhiều sự biến tướng với sự xuất hiện của các chất cấm dưới những “vỏ bọc” không ngờ.
Từ loại ma túy có tên là “Crispy Fruit Mango” dùng để pha vào nước uống, tạo ảo giác được gọi là “nước xoài” đến kẹo mút cần sa (thành phần các loại bánh kẹo này có chứa tinh dầu cần sa, làm cho người dùng có cảm giác kích thích, mơ màng); từ ma túy “tem giấy” (miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác), ma túy “nước vui” (xuất xứ từ Trung Quốc, đựng trong các lọ nhỏ khoảng 10-15ml, trộn lẫn với các loại nước có ga theo một tỉ lệ nhất định) đến nấm thần (hình dáng không khác những loại nấm thường dùng làm thực phẩm, biến đổi màu sắc kỳ ảo, gây ảo giác bay bổng, cười khóc vô cớ)…
Điểm chung của những loại ma túy này là có bề ngoài nhìn như vô hại và không phải ai cũng có thể phân biệt được. Thử tưởng tượng, đến có ngày, có một người mời chào một cái bánh ngọt, một cái kẹo dẻo, ly nước xoài, một quả bóng bay… nào đó, nhưng thực chất lại là những loại độc dược “trá hình”. Thực sự nguy hiểm biết chừng nào!
Dư luận không khỏi hoang mang trước sự thay đổi liên tục hình thức, hình dạng của các sản phẩm bánh kẹo chứa các chất cấm, chất gây nghiện đã khiến việc ngăn chăn các sản phẩm này xâm nhập và gây hại cho môi trường học đường ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Vẫn biết, sau khi bị phát hiện, những đối tượng tàng trữ, mua bán, trao đổi và sử dụng chất cấm sẽ bị trừng phạt thích đáng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, liệu khi cơ quan chức năng triệt phá được đường dây này, thì có còn đường dây khác đang trà trộn hay không?
Nguy hại nhất, chính là vì vẻ ngoài của những loại ma túy tinh vi này khi mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều người cho rằng không có khả năng gây nghiện. Chính vì sự thiếu hiểu biết đó mà đối tượng sử dụng các loại ma túy trên đa số đều đang ngồi trên ghế nhà trường. Đến khi gia đình phát hiện ra con mình có những biểu hiện lạ mới tá hỏa ra con mình đã bị nghiện ma túy từ lúc nào không hay.
Người ta thường nói: “Không có nguy hiểm nào bằng nguy hiểm ẩn mình”. Vậy nên, đây chính là hiểm họa đáng sợ nhất, khi không biết “kẻ thù” là ai thì thật khó để đề phòng và đấu tranh.
Để bảo vệ môi trường học đường, gia đình nên gần gũi để hiểu được tâm lý, cũng như nắm bắt các hoạt động vui chơi, ăn uống của trẻ, đặc biệt là hạn chế cho trẻ ăn vặt trong trường học.
Về phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần theo dõi chế độ ăn, ngủ nghỉ và sinh hoạt chung của các em để nắm bắt thông tin và can thiệp kịp thời khi có những sản phẩm lạ, biểu hiện lạ của học sinh trong lớp.
Bên cạnh đó, quan trọng nhất, chính là nhiệm vụ nâng cao nhận thức của mỗi học sinh về tác hại của các chất gây nghiện cũng như các sản phẩm chứa chất gây nghiện “đội lốt” bánh kẹo nơi cổng trường.
Khả năng “biến hóa” trà trộn của các sản phẩm nguy hại trên càng tinh vi, vai trò và trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng càng phải được nêu cao, luôn cảnh giác và cập nhật, đón đầu thông tin, hạn chế những cơ hội mà kẻ gian lợi dùng để trao đổi chất cấm.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Lê Duyên