Platini, hãy nghĩ kỹ trước khi nói!
Platini không thiếu ý tưởng, thậm chí là rất nhiều. Chỉ là đôi khi ông đề xuất chúng mà không suy nghĩ kỹ càng. Do vậy, bằng nhiều cách khác nhau, ông làm mọi chuyện rối tung lên, để lại hậu quả mà người khác phải khắc phục.
Chuyện xảy ra vào sáng thứ 6 ở Monaco. Khi được hỏi về vụ chuyển nhượng Gareth Bale từ Tottenham sang Real Madrid, Platini mô tả nó như một “vụ cướp”. Tại sao lại là “vụ cướp”? Real Madrid đã cướp Bale từ tay một Spurs mù lòa, vì Bale thực tế giá trị hơn nhiều? Hay ngược lại, Tottenham đã cướp tiền của Real Madrid vì Bale không xứng đáng với cái giá đó?
Cả hai đều sai. Trong suy nghĩ của Platini, khi một cầu thủ nghĩ đến việc chuyển CLB, thì anh ta chẳng khác gì một tên trộm. Sau đó ông giải thích rằng, ông chưa từng chuyển CLB kèm theo một khoản phí chuyển nhượng khi làm cầu thủ, mà chỉ ra đi khi hết hạn hợp đồng (không khó để cho rằng ông chuyển CLB chỉ 2 lần vì… đã giải nghệ ở tuổi 32). Và ông nói rằng, cầu thủ giờ không còn là cầu thủ nữa, mà là hàng hóa, với một đống người xung quanh cố gắng kiếm tiền từ anh ta. Hầu hết những gì ông nói về chuyển nhượng đều có vẻ rất “không lành mạnh”.
Sau khi nhận ra mình đã hơi quá đà, Platini sửa sai vài phút sau: “Xin lỗi, đôi khi Platini nói chuyện với bạn không phải Platini – chủ tịch UEFA”, ông nói. “Có thể “Vụ cướp” là một từ quá mạnh”.
Ngụ ý rõ ràng: Platini – cầu thủ bóng đá không thoải mái với các vụ chuyển nhượng, người đại diện và phí chuyển nhượng. Platini – chủ tịch UEFA nhận thức được rằng, khi giám sát bóng đá châu Âu, gọi thị trường chuyển nhượng là các “vụ cướp” và “không lành mạnh”, là một cách để tạo làn sóng phản đối. Và nó cho thấy rằng, Platini sẽ cố cải cách thị trường theo cách ông cảm thấy thoải mái nhất.
Ý tưởng của Platini là bất khả thi
Sau đó, suy nghĩ của Platini hướng tới thị trường chuyển nhượng vốn kéo dài trong vòng 3 tháng, mà trong suy nghĩ của ông là “quá lâu”: “Thị trường kéo dài quá và chúng ta sẽ phải rút ngắn nó”, Platini nói. Và ông định kiến nghị lên FIFA yêu cầu các giải bóng đá châu Âu khởi tranh vào cùng một thời điểm.
Một lần nữa, Platini nói mà không nghĩ trước. Ông thừa nhận rằng các giải vô địch quốc gia trên thế giới khởi tranh vào những thời điểm khác nhau, nghĩa là ý tưởng về một kỳ chuyển nhượng toàn cầu là không khả thi. Nhưng thực tế bắt các giải vô địch châu Âu khởi tranh cùng lúc cũng khó không kém. Một loạt giải đấu ở châu Âu như Na Uy, Thụy Điển, Ai Len, chơi trong suốt mùa Hè. Và thậm chí cả những quốc gia khởi tranh cùng một quãng thời gian cũng không thống nhất về ngày, ở Thụy Sỹ là 13/7, Italia vào 25/8, sau tới 6 tuần. Và đó là những nước láng giềng.
Có một kịch bản rằng các giải vô địch châu Âu có thể thống nhất tổ chức thời gian ít nhất vào mùa Đông? Có vẻ rất hợp lý. Nhưng bạn cần phải đưa ra một kế hoạch thống nhất trước đã. Để giải Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia đá vào đầu tháng 8 là một sự tự sát về mặt kinh tế, vì đây là khoảng thời gian mọi người đi nghỉ Hè, và các điều kiện rất bất tiện (khí hậu nóng, các trận đấu sẽ phải tổ chức vào ban đêm, không thuận lợi để các khán giả là những khách du lịch đến xem trận đấu).
Bạn có thể có quan điểm riêng của bạn về thị trường chuyển nhượng, rằng chúng phải được cắt ngắn thời gian để thay đổi hệ thống “không lành mạnh” hiện tại. Nhưng ở nơi tôi ngồi đây, mọi chuyện vẫn rất tốt đẹp.
Không ai có quyền buộc các CLB phải làm ăn vội vàng trên thị trường chuyển nhượng. Một kỳ chuyển nhượng dài vào giai đoạn đầu mùa giải, hoặc thậm chí trong mùa giải, sẽ cho phép các CLB bổ sung lực lượng và đánh giá đội hình. Rút ngắn thị trường sẽ dẫn đến việc các CLB cố gắng đàm phán với cầu thủ trước khi thị trường mở cửa, và họ phải làm sao nghĩ cách đăng ký cầu thủ thật sớm cho kịp thời hạn. Bây giờ không phải chưa có tiền lệ này, nhưng nếu rút ngắn kỳ chuyển nhượng, chuyện này sẽ xảy ra với quy mô lớn.
Cần kế hoạch, không cần ý tưởng
Mỗi cầu thủ thời nay đều là một món hời, kéo theo một phi hành đoàn những kẻ hám lợi đi sau. Và chuyện các CLB, người đại diện tham nhũng, thổi phồng giá trị thật của cầu thủ để ăn hoa hồng là có thật. Thậm chí một số CLB còn dùng chuyển nhượng để che giấu hoạt động rửa tiền.
Nhưng tham nhũng và rửa tiền, bản thân chúng đã là bất hợp pháp, xuất hiện không chỉ trong bóng đá, nên lỗi không thể thuộc về một hệ thống chuyển nhượng “không lành mạnh”, mà của những kẻ phạm tội. Với việc thổi phồng giá trị cầu thủ, nó là một thiểu số rất nhỏ. Một cách thẳng thắn, họ chỉ đang cố gắng đánh bóng tên tuổi cầu thủ trong sự nghiệp thi đấu, giống như các diễn viên, ngôi sao ca nhạc.
Do vậy, những gì Platini nói cũng chỉ là những thứ vô nghĩa. Tranh cãi hiển nhiên là rất tốt, vì có tranh cãi mới tìm ra giải pháp. Nhưng ở cương vị Chủ tịch UEFA, Platini đáng ra phải đưa ra một kế hoạch cụ thể, cùng thảo luận về kế hoạch ấy để đưa quyết định, chứ không phải ném ra một ý tưởng rồi sau đó tạo nên sự rối loạn.
Hãy nhìn Luật công bằng tài chính, “con đẻ” của Platini. Ban đầu, phạm vi của nó nhắm đến tất cả các khoản nợ và tài sản của các CLB châu Âu. Sau đó, nó trở thành quy định rằng bao nhiêu phần trăm doanh thu của CLB được chi cho tiền lương. Và giờ, nó trở thành một quy định “hòa cả làng”, với “thời gian theo dõi” và “độ chênh lệch thu chi chấp nhận được” – những quy định quá mơ hồ mà các CLB dễ dàng lách luật.
Theo ESPN/Thể thao Văn hóa