Khi con cái trở thành nơi để bố mẹ viết tiếp tương lai còn dang dở của mình
Sinh con ra dù bất cứ ông bố bà mẹ nào ít nhiều cũng có những kỳ vọng nhất định vào con cái của mình. Nhiều gia đình vẫn có suy nghĩ cha mẹ có quyền quyết định tất cả mà không để các con tự quyết định cuộc đời, tương lai của mình. Họ tin rằng nghề nghiệp mà họ định sẵn cho con là sự lựa chọn tốt nhất.
Có nhiều lí do để cha mẹ không cho con quyết định tương lai của mình. Nhiều bậc phụ huynh không thích công việc mà các em theo đuổi. Họ cho rằng công việc đó không kiếm được nhiều tiền, hay điều kiện kinh tế gia đình không cho phép con theo đuổi đam mê. Nhiều người lại muốn con mình giỏi việc này, việc nọ, làm ông to, bà lớn để bố mẹ được nở mày, nở mặt. Họ chỉ muốn cái hư vinh trước mắt mà không cần biết con mình thích gì và thực sự muốn gì.
Một số khác vì kỳ vọng mà đặt ra những mục tiêu, ước mơ còn dang dở của chính mình lên con. Những công việc chưa hoàn thành khi còn trẻ, những thành công chưa thể chạm tới, những dự định còn ấp ủ bấy lâu nay. Tất cả những điều đó được gửi gắm vào các con mà bố mẹ quên mất rằng con cũng có ước mơ, niềm dam mê và dự định của chính bản thân mình.
Những ước mơ ấy chưa chắc đã giống với niềm đam mê còn dang dở của bố mẹ. Điều gì sẽ xảy ra khi con dành cả thanh xuân để thực hiện ước mơ của bố mẹ mà không thể thực hiện được đam mê của mình? Tôi dám chắc rằng con bạn sẽ không thể nào sống hạnh phúc và cuộc đời nó cũng chẳng khác gì với bố mẹ. Dành cả thanh xuân để theo đuổi giấc mơ của người khác là một sự lãng phí nhất trong cuộc đời mỗi người.
Để con tự vấp ngã, tự đứng lên thì mới trưởng thành được
Nhiều bậc phụ huynh vì luôn có suy nghĩ “Bố mẹ ăn muối nhiều hơn con ăn cơm”. Họ tin vào kinh nghiệm đi trước của mình và vẽ sẵn cho con lối đi mà họ cho là đúng đắn. Một số khác không muốn con mình phải chịu khổ, chính vì thế họ luôn muốn che chở, bao bọc không muốn con thoát ra khỏi vòng tay của bố mẹ. Nhưng họ quên mất rằng những quyết định dù đúng hay sai cũng chính là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi con người.
Dẫu biết rằng những gì bố mẹ làm cũng chỉ là xuất phát từ tình yêu thương và muốn mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con mình. Họ không muốn con đi vào vết xe đổ của mình ngày trước, không phải vật vã chống chọi với cuộc đời thế nhưng không phải vậy. Muốn con trưởng thành thì phải để con tự vấp ngã, tự đứng dậy. Muốn con lớn khôn thì phải để con tự quyết định mọi thứ. Bố mẹ chỉ nên góp ý, định hướng chứ không nên toàn quyền quyết định, áp đặt cuộc đời của con vì mình không thể sống với chúng được cả đời và trưởng thành là điều cần thiết với các con.
Khi con chọn sai, đứa trẻ sẽ mắc sai lầm lúc đó đầu óc chúng sẽ được thử thách để đối diện giải quyết, xử lý hậu quả của vấn đề như thế nào và phải bắt đầu lại từ đâu. Nếu không ít nhất cũng học hỏi được một bài học kinh nghiệm gì đó. Sau này, khi gặp lại những tình huống tương tự đầu óc chúng sẽ linh hoạt hơn những đứa trẻ chưa từng được thử thách rất nhiều. Thay vì quyết định mọi việc cho con, bố mẹ nên đưa ra những lời khuyên chân thành, cho con được trải nghiệm nhiều hơn để va vấp với cuộc đời. Tự ngã tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình thì con mới trưởng thành được.
Nếu thật sự yêu con hãy để con tự quyết định cuộc đời mình
Tôi có một cô bạn thân năm cấp 3 tên là Hà. Lúc đi học, ngoài việc học giỏi nhất nhì lớp cô ấy rất thích vẽ và thường thêu thùa làm đồ handmade. Hà bảo “Mình muốn thi vào ngành thiết kế thời trang. Mình thấy rất hạnh phúc khi được tự tay may những bộ áo quần thời trang để mọi người mặc lên cũng cảm thấy vui vẻ”. Cũng lâu rồi chúng tôi chưa gặp lại nhau, những tưởng cô ấy theo đuổi niềm đam mê của mình vậy mà cho đến lúc gặp lại gần đây tôi mới biết bạn tôi lại là một bác sĩ răng hàm mặt.
Tôi ngạc nhiên hỏi “Sao cậu không học thiết kế thời trang? Cậu yêu thích nó lắm kia mà.” Hà cười nhạt bảo: “Yêu thích là một chuyện nhưng bố mẹ mình lại kỳ vọng mình làm bác sĩ chứ không thích may vá, thêu thùa. Bố mẹ mình già rồi, mình không muốn làm bố mẹ phiền lòng”. Tuy hiện tại Hà có công việc ổn định với mức thu nhập khá nhưng cô vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Lòng cô vẫn hướng về thiết kế thời trang và cảm thấy mơ hồ với con đường mà mình đã chọn.
Lúc rảnh rỗi, Hà vẫn thường tự ngồi may những bộ áo quần do chính cô thiết kế hoặc xem những mẫu thời trang của các nhà thiết kế nổi tiếng. Những lúc như vậy tôi lại thấy ánh mắt Hà sáng lên, cô vui vì được đắm chìm trong đam mê của mình dù đó chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi.
Yêu con không có nghĩa phải quyết định, bao bọc che chở cho con mọi thứ mà phải để con tự quyết định. Mỗi người sinh ra đều có quyền tự quyết định tương lai, cuộc sống của bản thân. Kể cả bố mẹ cũng không có được phép tước đi giấc mơ của các em và lấp vào đó là giấc mơ của bố mẹ. Nếu cả đời chỉ bắt con làm những gì mình quyết định thì con mãi chỉ sống một cuộc đời tầm gửi. Khi bố mẹ không còn lo nổi cho các con chỉ cần một chút sóng gió của cuộc đời chúng cũng không thể nào chống cự, vượt qua được. Hơn hết, khi được tự quyết định cuộc đời dù kết quả có ra sao con cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc chứ không phải chịu áp lực nặng nề, mệt mỏi.
Định hướng trong thời đại 4.0 chỉ nên dừng lại ở mức độ góp ý cho con
Bản thân chúng ta không ai có thể đoán trước được tương lai sau này sẽ như thế nào, thế giới sẽ thay đổi ra sao. Nếu như trước đây những ngành như sư phạm, kế toán… được người người, nhà nhà thi vào thì giờ đây những ngành đó lại thất nghiệp nhan nhản. Sau cách mạng 4.0, tương lai lại càng mờ mịt vì mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng. Vậy tại sao bạn lại cố “định hướng” cho con những gì mà bạn cho là khả thi trong vài năm tới?
Cứ đến kỳ thi đại học là có cả hàng nghìn thí sinh mông lung trước sự định hướng nghề nghiệp của bố mẹ. Các em không hiểu được ngành đó là như thế nào, ra trường làm gì. Cùng lúc đó, hàng nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp. Tất cả tạo thành vòng luẩn quẩn của xã hội mà mãi cho đến nay chúng ta chưa thể thoát ra được. Bao nhiêu năm trôi qua như vậy thử hỏi chúng ta đã vô tình làm hỏng tương lai của bao nhiêu đứa trẻ?
Con được thành đạt là mong muốn hoàn toàn chính đáng của bất cứ bậc làm cha, làm mẹ nào. Tuy nhiên, đó nhiều khi chính là nguyên nhân dẫn đến những quyết định theo cảm tính và những áp đặt vô căn cứ. Nhiều khi những thứ bố mẹ ép con cái nghe lời để có một cuộc sống ổn định lại chính là dập tắt gọn lửa đam mê và cắt đi đôi cánh ước mơ của con trẻ. Yêu con không có nghĩa là toàn quyền quyết định cuộc đời con vì chính các con mới thực sự biết mình muốn gì và cần gì.
Định hướng của bố mẹ là điều cần thiết nhưng nó chỉ thực sự tốt khi dừng lại ở mức độ góp ý và là lời khuyên chân thành cho con trẻ.
Hãy để các cọn tự quyết định cuộc đời mình!