Đạo văn được xem là hành vi thiếu trung thực về mặt học thuật và vi phạm đạo đức nghiêm trọng khi cố ý “ăn cắp chất xám” của người khác, có thể coi là “ăn cắp bản quyền”. Đáng buồn thay, có những vụ đạo văn làm chấn động giới học thuật lại được thực hiện bởi chính những cá nhân tên tuổi, có học hàm học vị cao, được xem là có uy tín xã hội...
Mới đây nhất, tháng 4/2021, dư luận được phen xôn xao khi hai giảng viên trường đại học Văn Lang bất ngờ bị tố đạo văn trong cuốn sách “Báo chí và Truyền thông: Những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại” do TS. Đỗ Văn Biên chịu trách nhiệm xuất bản và nội dung.
Cụ thể, đó là bài viết “Mối quan hệ giữa chuyên viên PR và nhà báo: Dưới góc nhìn đạo đức truyền thông” của hai tác giả Hoàng Xuân Phương - Vũ Mộng Lân, do khoa Báo chí và Truyền thông, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm tác quyền. Tại trường đại học Văn Lang, bà Hoàng Xuân Phương là Phó Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trưởng bộ môn Truyền thông đa phương tiện; còn ông Vũ Mộng Lân là Phó bộ môn Truyền thông đa phương tiện, khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông.
Đáng nói, trước đó, ngày 13/1/2021, GS. Jim Macnamara đã gửi email phản ánh hai tác giả sao chép 85% nội dung bài báo của ông đăng trên Tạp chí Quốc tế Journalism & Mass Communication Quarterly năm 2016.
Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu bản thân tác giả không phát hiện ra sự sao chép này, hoặc biết nhưng không phản ánh? Có lẽ những cuốn sách vẫn tiếp tục được lưu hành, bài viết mà các tác giả “bê” về gần như nguyên xi kia cũng sẽ được truyền tay qua các thế hệ sinh viên... Thậm chí, có thể có người sẽ ngầm tấm tắc trước nội dung hữu ích trên, mà không hề biết đó chỉ là một sản phẩm “ăn cắp” từ trí tuệ của người khác.
Là những giảng viên trực tiếp giảng dạy và hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, đáng lẽ, hơn ai hết, hai tác giả phải hiểu rõ tầm quan trọng của bản quyền và dành một sự tôn trọng đáng có. Bởi lẽ, không chỉ là đạo đức, là tư cách của một cán bộ, giảng viên, họ còn phải là những tấm gương sáng cho sinh viên, học viên của mình.
Ấy vậy, họ lại “tặc lưỡi” và tự dễ dãi với bản thân, cũng chính là chấp nhận dung dưỡng những chuyện sai trái tồn tại. Vậy thì thực sự không có tư cách để đứng trên bục giảng hay tư vấn, hướng dẫn cho người khác. Hành động của họ chính là tự bôi đen danh dự người thầy, tự tay gỡ bỏ tư cách giảng dạy.
Và vai trò của những người chịu trách nhiệm giám sát, kiểm duyệt sách trước khi xuất bản, dường như cũng không được phát huy? Phải chăng, bộ phận này chỉ là “hữu danh vô thực”, vốn không có chút trách nhiệm thực tế nào đối với nhiệm vụ được giao?
Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân để lọt những “hạt sạn” to đùng, những nội dung nhạy cảm, phản cảm hay không đúng sự thật, tương tự câu chuyện giáo trình có hình “đường lưỡi bò” của trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, từng trở thành bê bối trước đây.
Sau khi lùm xùm xảy ra, những người có liên quan bước đầu lại có tâm lý “đổ lỗi”, “biện minh” và “viện cớ” trước tiên. Có lẽ, những người hiểu rõ mà vẫn vi phạm, khi bị bắt lỗi, hiếm khi dám thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm ngay lập tức. Sau khi báo chí vào cuộc, những người trong cuộc mới bắt đầu có những động thái để giải quyết lùm xùm trên.
Sau khi nắm được thông tin bài viết trong sách là bài dịch của tác giả Jim Macnamara mà không xin phép và không đề tên tác giả Jim Macnamara, ban biên tập đã liên hệ với nhà xuất bản đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, đề nghị thu hồi sách và tái bản sách mới rút bài vi phạm ra (kinh phí do nhóm tác giả vi phạm đề nghị chi trả). Đại diện ban biên tập và các tác giả đã xin lỗi tác giả Jim Macnamara và lời xin lỗi được tác giả Jim Macnamara chấp nhận. Đồng thời, hai giảng viên cũng bị thu hồi các hoạt động quản lý trong nhà trường.
Mặc dù hai tác giả đã phải nhận cái giá thích đáng cho việc làm thiếu trung thực và thiếu tôn trọng bản quyền học thuật của người khác, song, liệu “chuông đã đủ đanh” để đánh thức những người khác?
Đây là một bài học đáng nhớ, nhắc nhở chúng ta phải kịch liệt bài trừ vấn nạn đạo văn, vi phạm bản quyền.
Nếu trong trường đại học, một sinh viên, học viên vì lười biếng mà có ý định sao chép nội dung khóa luận, luận văn... của người khác, không được phát giác, rất có thể sẽ hình thành tư duy mang lại hệ quả rất tiêu cực sau này. Phải ngăn chặn những hạt mầm độc, hạt mầm xấu bằng cách triệt tiêu những “lỗ hổng”, những tư duy xem nhẹ giá trị bản quyền.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Lam Anh