Khi giới “nhất quỷ, nhì ma” đặt biệt danh cho thầy cô

Khi giới “nhất quỷ, nhì ma” đặt biệt danh cho thầy cô

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Hai cô hiệu phó trường THPT N.Đ.C (Quảng Ninh) lại được giới học trò truyền nhau với biệt danh "cô H. ka ka và cô L. tỉ tỉ". Nguyên nhân bởi hai cô là nỗi "kinh hoàng" CỦA những học sinh cá biệt hay phải nhận án kỷ luật.

"Tây hóa" thầy cô Việt bằng biệt danh

Vốn có đầu óc hài hước, lại có năng khiếu ngoại ngữ nên đối với việc chơi chữ bằng tiếng Anh, Quang Huy (học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) khá rành. Cậu luôn khiến bạn bè bật cười khi gán cho từng bạn trong lớp những biệt danh bằng tiếng Anh như "Hưng meat" (bởi Hưng dị ứng với tất cả đồ tanh nên chỉ thích ăn thịt), "Thọ Bear"(do bề ngoài trông Thọ to béo và dữ dằn như một… chú gấu)...

Vẫn chưa đủ, cậu còn tếu táo đặt cho từng thầy cô của mình những cái tên ngộ nghĩnh khi dịch ra tiếng Anh. Đôi khi nghĩa của biệt danh khi được dịch không hề ăn nhập với ý nghĩa thuần Việt của tên thầy cô nhưng lối ứng dụng "vô thưởng vô phạt" này của cậu lại khiến nhiều bạn bè hưởng ứng, còn các thầy cô cũng chỉ cười xòa mà... cho qua.

Chẳng hạn, cô giáo tên Hoa Hồng thành Mrs.Rose hay thầy Trường thì gọi là Mr.School... Mới đầu, lối gán ghép này cũng khiến bạn bè ngơ ngác, vì không hiểu cậu bạn định nói gì, nhưng khi đã được "chủ nhân" cắt nghĩa thì ai nấy đều không nhịn được cười.

Xã hội - Khi giới “nhất quỷ, nhì ma” đặt biệt danh cho thầy cô

Có nhiều cách để thầy trò gần gũi nhau hơn là gán những nickname không mong muốn (Ảnh minh họa)

Quang Huy cho biết, ý tưởng đặt biệt danh cho thầy cô giáo theo lối này của cậu xuất phát từ một lần Huy được cả lớp giao nhiệm vụ đi đặt bánh sinh nhật cho cô giáo chủ nhiệm dạy tiếng Anh tên Hải. Muốn tạo ấn tượng, cậu liền yêu cầu cửa hàng bánh ghi dòng chữ chúc mừng sinh nhật bằng kem với tựa đề "Happy birthday to Mrs. Sea".

Không ngờ phát minh tinh quái và hơi "gây shock" này đã giúp cả lớp hôm ấy có một buổi sinh nhật vui vẻ, còn cô giáo trẻ lại tỏ ra khá thích thú. Quả là thành công ngoài mong đợi!. Sau lần đó, cậu bạn cứ thế phát huy ý tưởng ngộ nghĩnh của mình và nói chung là được hưởng ứng nhiệt liệt, thầy cô biết cũng chỉ cười, chứ không phản đối gì.

Những cách đặt biệt danh tương tự như vậy không phải là hiếm đối với các bạn học sinh. Chẳng hạn, thầy tên Tiến lại đặc biệt dị ứng với các món liên quan đến hành nên các trò liền nghĩ ra biệt danh "Tiến hành" để đặt cho thầy. Hay nhiều biệt danh của thầy cô sặc mùi kiếm hiệp khiến nhiều người mới nghe qua lại tưởng mình lạc nhầm vào thế giới của tiểu thuyết Kim Dung hay giới võ lâm nào đó. Ví như, với thầy Hà dạy môn Sinh học luôn có thói quen đội mũ cát-két, các bạn liền gọi là "cát két tiên sinh".

Còn hai cô hiệu phó trường THPT N.Đ.C (Quảng Ninh) lại được giới học trò truyền nhau với biệt danh "cô H. ka ka và cô L. tỉ tỉ". Tuy nhiên, biệt danh này không được gọi công khai mà chỉ âm thầm lưu truyền trong giới học sinh. Hỏi ra mới biết nguyên nhân của những cái tên trìu mến đó là do hai cô trở thành nỗi kinh hoàng cho những học sinh cá biệt hay phải nhận án kỷ luật.

Tương tự, tại một trường cấp ba chuyên của TP. Nam Định (tỉnh Nam Định) giới học trò đã từng trải qua thời kỳ thầy H. làm hiệu trưởng thì không ai là không biết đến biệt danh thầy "H. phát-xít" bắt nguồn từ phương pháp quản lý nghiêm túc, có phần hơi cứng nhắc của thầy. Những biệt danh dễ thương, hài hước dành cho thầy cô đó, phần nào đem lại sự gần gũi, thân mật, xóa mờ khoảng cách thầy trò và để lại một kỷ niệm đẹp của thời học sinh.

Khi trò đùa... quá giới hạn

Sẽ không có gì xấu nếu chúng ta gọi thầy cô bằng những "nickname" xuất phát từ lòng yêu quý và tôn trọng của mình. Nếu dựa vào khiếm khuyết của hình thức để đặt những biệt danh quái chiêu, khiến chính những bạn bè cùng trang lứa khó chịu, còn thầy cô thì "chết lặng" vì "quà tặng".

Ngoài việc gọi thầy cô là ông này, bà nọ đã quá quen thuộc, nhiều teen còn đặt biệt danh cho giáo viên bằng những từ hết sức thiếu tôn trọng. Bất cứ thầy cô nào đứng lớp cũng được nhóm này "soi" thật kĩ để tìm điểm chế nhạo. Nhiều bạn vô tư gọi thầy cô là "anh", "chị", kể cả khi thầy cô đã sắp đến tuổi về hưu. "Cho vui thôi mà, bạn bè chúng nó gọi chả nhẽ mình không theo" là câu trả lời thường nhận được của các bạn học sinh. Tiêu biểu là việc một số bạn lấy khiếm khuyết của các thầy cô để ghép vào tên, đặt thành biệt danh như: Thầy "L. hói" vì thầy bị bệnh rụng tóc.

Từ dạo ca sỹ Thảo Trang lên báo tự nhận mình là "xấu lạ" thì các học trò lập tức chạy theo mốt mới này để "nhận hộ" biệt danh này cho cô giáo dạy Văn cái biệt danh mang tính thời sự: Cô "Ngọc xấu lạ" - vì cô có ngoại hình không mấy ưa nhìn. Những cái tên gắn liền với điểm yếu về hình thức của các thầy cô như cô Thu "móm", thầy Phương "lác", thầy Nam "ngọng", thầy Cẩn "kịt" (do thầy bị xoang nên hay khó thở)... từ đó cũng được giới học trò tận dụng triệt để.

Nguyên do của hiện tượng này có thể tóm lại trong hai chữ "ức chế". Bị thầy cô "trù", bắt quả tang quay cóp hay nghiêm khắc mỗi lần kiểm tra bài cũ... khiến họ không thể "đỡ" nổi. "Thôi thì đặt biệt danh xấu cho thầy cô là cách dễ gặp nhất để giảm ức chế" - Quốc Anh hồn nhiên thanh minh.

Thầy N. (trường THPT N.Đ.C - Quảng Ninh) dạy môn Sinh học lại có thói quen nói ngọng chữ "n" với "l" nên mỗi lần giảng bài, thầy phải rất khổ sở điều chỉnh mà vẫn "không xuể". Trong một lần giảng về giống "lợn nái", mặc dù thầy đã cố gắng phát âm chuẩn nhưng lại nói nhịu thành "nợn lái" khiến học sinh bên dưới chỉ biết bịt miệng cười, còn thầy thì mặt đỏ tía tai vì ngượng.

"Đã không thông cảm cho thầy thì thôi, một số bạn còn nghĩ ngay ra biệt danh gọi thầy là thầy "H nợn lái" rồi cười với nhau rất khoái chí" - Ngọc Anh (lớp phó học tập của lớp 11A) bức xúc kể. Cũng theo Ngọc Anh, thầy biết lớp trọc ghẹo nhưng vì bản tính hiền lành nên thầy không mắng mỏ gì. Bây giờ vào giờ học, thầy nói rất chậm, cố không nói nhầm, nhưng vẫn bị các bạn trêu. Biệt danh quái chiêu đó không chỉ làm thầy xấu hổ mà khi ghép vào còn rất vô lễ nữa…

Thế nhưng, dường như biết đó là việc làm quá đà nên ngay sau khi đặt biệt danh như vậy, nhiều bạn đã cảm thấy áy náy và có phần xấu hổ. Đức Anh - người nghĩ ra biệt danh "xấu lạ" kể: "Tận đến hôm thi tốt nghiệp, tớ mới thấy mình thật có lỗi khi đã gọi cô chủ nhiệm như thế. Bọn mình rất xúc động khi 10 giờ đêm, cô vẫn ân cần nán lại ở lớp học thật muộn giảng bài cho học sinh, mặc dù con cô giáo đang ốm...".

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: "Biệt danh là một cách gọi thân mật dành cho người mà mình quý mến. Tuy nhiên, sự thân mật đó nếu bị đẩy đi quá xa sẽ khiến nhiều thầy cô bị tổn thương, còn bản thân người "sáng tạo" ra nó trở nên vô lễ và đáng lên án".

Linh Nhi


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.