Đoạn clip đăng tải lại một cuộc giao tiếp giữa 3 người trong một ngôi nhà và xem ra người đàn ông áo hồng là chủ. Trong khi người khách tỏ ra lịch sự thì chủ nhà liên tục chửi bậy, có hành vi vô cùng khiếm nhã.
Do lời lẽ trong clip quá dung tục nên bất kỳ ai khi xem cũng cảm thấy “ngượng chín mặt” và phẫn nộ với cách hành xử thiếu văn hóa đến mức... không thể tin nổi dù được cho đó là của vị Giáo sư.
Nếu là sự thật thì thật là khủng khiếp. Bởi lời ăn tiếng nói của vị Giáo sư, Tiến sĩ kia còn chợ búa hơn cả dân buôn! Thậm chí, sau xem xong clip nhiều người còn phong thêm cho vị Giáo sư này một “học vị” mới- “Thánh chửi, thánh tục”!
Sau khi đoạn clip được đăng tải, vì không tưởng tượng được một người tự nhận mình là Giáo sư, Tiến sĩ lại có thể ăn nói hàm hồ như vậy nên nhiều người đã truy tìm và liên tục cập nhật lý lịch khoa học của vị Giáo sư, Tiến sĩ chửi bậy này.
Nhiều thông tin cho rằng ông Phạm Văn H. từng xuất hiện trên một tờ báo trong bài viết "Chàng trai học tới lớp 3... trở thành tiến sĩ". Nhiều người còn dẫn ra một bản thành tích dài dằng dặc mà vị này đã “gặt hái” được.
Thay vì sự cảm phục, nhiều người đặt ra nghi vấn về những điểm mờ ám. Họ nghi vấn, chức danh Giáo sư danh dự Đại học Southwest America (Hoa Kỳ) là chức danh “ma”, không có giá trị. Trường Đại học Southwest America từ lâu được liệt vào các trường đại học “ma” ở nước Mỹ vì có tình trạng mua bán bằng cấp bằng tràn lan (?).
Chưa bàn đến chuyện bằng cấp của vị này có phải là “mà” hay không nhưng nhiều người không thể chấp nhận được cách hành xử của ông. Với tư cách là một người thầy thì liệu vị Giáo sứ kia có xứng là “tấm gương” để các thế hệ học sinh noi theo?
Người xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, khi thầy có cách hành xử không chính đáng sẽ “tiêm nhiễm” vào thế hệ cách hành xử tương tự.
Quay trở lại câu chuyện nghi vấn về tấm bằng “ma”, từ cách hành xử của vị Giáo sư khiến nhiều người phẫn nộ và có cái nhìn thiếu thiện cảm với ông. Bởi thực tế, bất kỳ ai khi đọc báo, nghe đài mới thấy. Thời buổi bây giờ gi gỉ gì gi, cái gì cũng có thể làm giả được. Đặc biệt, tri thức mà làm giả là nguy hiểm nhất.
Thậm chí, có nhiều người sử dụng bằng giả để học ngành dược, ngành y nữa. Nhưng dư luận tin rằng, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” mà thôi!
Nhìn vào thực tế thật giả lẫn lộn, nhiều người hài hước mà rằng, xứ ta chẳng mấy chốc mà giàu nhờ xuất khẩu tiến sĩ, giáo sư? Việc dùng bằng cấp giả để lấy bằng thật cực kỳ nguy hiểm. Thậm chí, đó cũng là cơ hội để cho ai đó có được “cái ghế” cũng nên?!
Có cung ắt có cầu, “lò” sản xuất bằng giả cũng có đất dụng võ. Nếu người học tìm mọi cách để có bằng mà không dùng chính năng lực thật sự của mình, đó chính là mối nguy cho xã hội. Rồi đây những con người này khi đi làm sẽ ra sao? Thế mới có chuyện, Việt Nam thừa hàng đống bằng cấp, nhưng thiếu giáo sư, tiến sĩ (thực) một cách trầm trọng.
Vì thế, một người đã phải “nếm mật nằm gai” để có được những thành quả từ nỗ lực của bản thân sẽ được xã hội ghi nhận, trân quý và yêu mến. Vậy nhưng, với cách hành xử vô văn hóa và giọng điệu “sặc mùi tiền” của một người được cho có học hàm, học vị và địa vị xã hội như trong clip trên khiến dư luận cần có cái nhìn khắt khe hơn.
Không thể tin được nếu đây là lời ăn tiếng nói của một Giáo sư, Tiến sĩ!
Diệp Chi